Những số liệu trên thị trường cho thấy đồng Nhân dân tệ (NDT) đang trong đà mất giá mạnh so với USD. Với độ mở kinh tế khá lớn và là đối tác thương mại lớn với Trung Quốc, tiền đồng Việt Nam (VND) chịu nhiều sức ép trước động thái này.
Đồng NDT trượt dần về ngưỡng 7 NDT/USD
Trong tuần qua, đồng NDT đã mất giá hơn 1%, ở mức 1 USD đổi được khoảng 6,83 NDT, trong khi tuần trước đó ở mức 6,787 NDT. Đến đầu tuần này (20/5) đã xuống 6,9034 NDT/USD. Theo hãng tin Bloomberg, riêng từ đầu tháng 5 đến nay, NDT đã giảm giá khoảng 3%, trở thành đồng tiền giảm giá mạnh nhất ở khu vực châu Á.
Đánh giá về diễn biến này, TS. Đặng Đức Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng, đợt giảm giá đồng NDT lần này có thể bao gồm cả yếu tố chủ quan và khách quan.
Về mặt chủ quan, Trung Quốc muốn tăng lợi thế cho hàng xuất khẩu để bù đắp tổn thất từ việc tăng thuế quan của Mỹ. Về khách quan, đồng NDT đã ở trong xu thế giảm giá từ giữa năm ngoái đến nay do tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chậm lại, sự suy giảm các điều kiện thuận lợi cho sản xuất như chi phí nhân công tăng, yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường khắt khe hơn, áp lực từ chiến tranh thương mại với Mỹ dẫn đến nguy cơ có dòng vốn rút khỏi quốc gia này.
Theo dự báo của giới chuyên gia, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế từ 10% lên 25% (từ ngày 10/5) đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khoảng 0,3% trong năm nay, thậm chí giảm tới 0,6% nếu ông Trump tăng thuế nhập khẩu đối với cả 300 tỷ USD các loại hàng hóa khác của Trung Quốc. “Đồng NDT đang trượt dần về ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD, đúng vào thời điểm nhạy cảm của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Tôi cho là với đà này thì tỷ giá USD/NDT có thể sẽ nhanh chóng chạm ngưỡng này”- TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.
Ứng phó với ẩn số NDT
Việc Trung Quốc phá giá NDT tác động không nhỏ đến Việt Nam, đặc biệt là tiền Việt. Theo Tổng cục Hải quan, tỷ giá VND/NDT vào ngày 8/4 là 3.421,92 đồng thì đến nay khoảng 3.402,74 đồng. Điều này cho thấy VND đang lên giá so với NDT, với mức tăng 0,5% so với NDT. Theo các chuyên gia, khi VND tăng giá so với NDT thì chắc chắn là hàng hoá Trung Quốc vào Việt Nam sẽ rẻ hơn và có lợi cho những nhà nhập khẩu nhưng ngược lại sẽ rất bất lợi cho các DN xuất khẩu. Hàng hoá Việt Nam thâm nhập vào thị trường Trung Quốc sẽ vấp phải không ít khó khăn do giá hàng hoá Việt Nam trở nên đắt hơn so với hàng Trung Quốc. Thậm chí, hàng hóa Việt Nam sẽ khó khăn hơn ngay trên sân nhà bởi hàng Trung Quốc vào Việt Nam qua tiểu ngạch hay chính ngạch đều có lợi thế về giá.
Để ứng phó với diễn biến tỷ giá trên thị trường, một chính sách tỷ giá linh hoạt, định hướng ổn định thị trường và kinh tế vĩ mô là cần thiết. TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng năm nay áp lực tỷ giá vẫn lớn. Nếu Mỹ chỉ dừng lại ở mức đánh thuế 25% với 200 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc thì mức độ mất giá của VND so với USD trong cả năm 2019 sẽ vào khoảng 3% là hợp lý. Còn nếu Mỹ tiếp tục đánh thuế với 300 tỷ USD hàng hoá còn lại của Trung Quốc và Trung Quốc cũng phá giá NDT thêm nữa thì tôi nghĩ, mức điều chỉnh tỷ giá 3% trong năm nay có lẽ chưa đủ.
Ở một khía cạnh khác, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia nhìn nhận, với bất kỳ tình huống nào, việc lựa chọn giải pháp cũng mang cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. Nếu chủ động hạ giá tiền đồng sẽ giúp hàng xuất khẩu Việt tăng lợi thế cạnh tranh so với các nước. Tuy nhiên, cũng phải tính toán cẩn trọng, nếu không Mỹ có thể cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ và dễ dẫn đến việc bị áp thuế tương tự Trung Quốc.
“Mỹ đang là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất nhì của Việt Nam và chúng ta đang có hàng chục tỷ USD thặng dư thương mại với đối tác này. Một sự điều chỉnh tỷ giá công khai và không tính toán kỹ liều lượng có thể khiến Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Trên cơ sở đó, Mỹ có thể áp thuế lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ. Đây là điểm các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách không thể không lưu tâm”- ông Nghĩa nói.
Theo TKĐT