Được biết đến với phương châm tìm cơ hội trong khủng hoảng, Doji huy động vốn trong giai đoạn hiện nay là điều dễ hiểu. Minh chứng trong đợt Covid-19 đầu tiên bùng phát vào tháng 3-4/2020, Tập đoàn gây nhiều chú ý khi mua lại Thế giới Kim cương. Chưa kể, việc thay đổi mã đợt trái phiếu 750 tỷ nói trên cho thấy dấu hiện Công ty sẽ tiếp tục phát hành trong thời gian tới.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji (Doji) vừa huy động thành công 750 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất 9,5%/năm cho kỳ đầu tiên. Việc mở rộng kinh doanh, đơn cử việc thâu tóm Thế Giới Kim Cương đầu năm 2020 cùng hàng loạt thương vụ M&A bất động sản khiến Doji tăng mạnh vốn những năm gần đây.
Ghi nhận, vốn chủ sở hữu Doji bắt đầu tăng từ mức 1.600 tỷ (năm 2017) lên hơn 2.200 tỷ (năm 2018). Bước sang năm 2019, quy mô có sự đột biến gấp đôi lên 3.392 tỷ đồng (tính đến 30/6/2020). Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của Công ty theo đó giảm về mức 1,3%.
Được biết đến với phương châm tìm cơ hội trong khủng hoảng, Doji huy động vốn trong giai đoạn hiện nay là điều dễ hiểu. Minh chứng trong đợt Covid-19 đầu tiên bùng phát vào tháng 3-4/2020, Tập đoàn gây nhiều chú ý khi mua lại Thế giới Kim cương. Chưa kể, việc thay đổi mã đợt trái phiếu 750 tỷ nói trên cho thấy dấu hiện Công ty sẽ tiếp tục phát hành trong thời gian tới.
Trước đó, Doji từng đứng ra thâu tóm SJC Hà Nội và SJC Đà Nẵng (2006 – 2007), đầu tư vào Ngân hàng TMCP Tiên Phong – TPBank (2012). Hiện, ông chủ Doji Đỗ Minh Phú Đỗ Minh Phú cũng đang là Chủ tịch TPBank.
Về kinh doanh, sớm thành lập và tham gia thị trường vàng, đá quý từ năm 1994, Doji hiện đang dẫn đầu ngành tại Việt Nam với doanh thu quy đổi hàng tỷ USD mỗi năm. Tính riêng hơn 10 năm trở lại đây, giai đoạn 2008-2019 doanh thu Doji tăng trưởng đến 54 lần, từ mức 1.658 tỷ lên 88.920 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu hàng chục ngàn tỷ, song biên lãi gộp của Doji khá thấp, chưa đến 1%. So với đơn vị trong ngành là PNJ, con số bình quân hiện đang ở mức 17%/năm, năm 2019 thậm chí vượt 20%. Nguyên nhân, biên lợi nhuận từ buôn vàng không được cao đã kéo lùi hiệu suất sinh lời của doanh nghiệp.
Theo đó, Doji đã liên tục tìm kiếm những mảng đầu tư mới. Đơn cử, động thái thâu tóm Thế giới Kim Cương cho thấy bước đi mạnh mẽ hơn vào mảng trang sức. Được biết, Thế giới Kim Cương là thương hiệu 15 năm tuổi tại Việt Nam. Doanh thu của đơn vị này ước tính vào mức hàng ngàn tỷ đồng. Tại các trung tâm thương mại và siêu thị, Thế giới Kim cương thậm chí đạt doanh số áp đảo so với PNJ. Thương vụ trên đã giúp Doji mở rộng độ phủ lên gần 200 điểm bán trên toàn quốc, thu hẹp khoảng cách với PNJ (hơn 360 điểm).
Ở diễn biến khác, Doji cũng đang dấn thân sâu vào thị trường bất động sản, thông qua Doji Land và TPBank. Chỉ sau hơn 5 năm gia nhập, Doji hiện đã có danh mục đầu tư khá táo bạo. Bao gồm khu dịch vụ hỗn hợp thuộc khu dịch vụ cao cấp Bến Đoan với quy mô 47.708m2; tòa nhà Ruby Tower, đường Hàm Nghi, quận 1, Tp.HCM; tòa nhà Ruby Plaza tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; tòa trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp số 5 Lê Duẩn, Hà Nội…
Ngoài ra, hiện Doji cũng đang đầu tư nhiều dự án quy mô ở khu vực phía Bắc như Khu đô thị Nam Vĩnh Yên với tổng diện tích 65,6 ha, vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng; Dự án chung cư cao cấp The Sapphire Residence (Hạ Long, Quảng Ninh) quy mô 4,77 ha, tổng mức đầu tư 4.272 tỷ đồng. Tháng 9/2019, Doji còn được đồn đoán là nhà đầu tư “thế chân” TTC Land tại dự án Trung tâm thương mại Hải Phòng Plaza.
Về phía TPBank, ngân hàng đã mua vào lô trái phiếu 950 tỷ đồng của BCG Land – công ty con của “người quen” Bamboo Capital (BCG). Mới đây, BCG và liên danh của Doji (gồm 2 công ty thành viên là Doji Land và Công ty Đầu tư Bất động sản Blue Star) đã trúng tuyển đầu tư dự án Khu nhà ở và thương mại, dịch vụ cao cấp tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp – Tố Hữu, Thừa Thiên Huế. Dự án có tổng diện tích khoảng 29,86 ha, tổng mức đầu tư 4.750 tỷ đồng.
Tựu chung, sự táo bạo khi đầu tư vào nhà đất đã mang về mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể cho Doji, trong khi biên lãi vẫn chưa cải thiện nhiều. LNST Công ty tăng 150 lần giai đoạn 2008-2019. Đặc biệt 4 năm trở lại đây, lợi nhuận bình quân tăng đến 121%/năm, từ mức 14 tỷ (năm 2016) vọt lên 150 tỷ đồng trong năm 2019.
Cuối cùng, liên quan đến mối quan hệ giữa Doji và BCG, đầu năm nay Doji đã giảm tỷ lệ sở hữu từ 10% xuống còn 3,92%, chính thức không còn là cổ đông lớn của BCG. Dù vậy, mối quan hệ giữa hai bên vẫn vô cùng mật thiết.
Ghi nhận, TPBank vừa ký kết thỏa thuận hợp tác về việc tài trợ 11.000 tỷ đồng cho các dự án năng lượng tái tạo trong vòng 2 năm của BCG. Trước đó, TPBank cũng triển khai nhiều hoạt động hợp tác và cung cấp gói tín dụng cho dự án Nhà máy điện mặt trời GAIA của BCG.
Theo CAFEF