Nhiều chuyên gia cho rằng, giá vàng quốc tế nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng mạnh, có thể lập đỉnh cao mới trong năm 2021.
Lực đẩy năm 2020
Trong năm 2020, giá vàng quốc tế đã có những cú bứt phá mạnh mẽ. Sau khi lập đáy ở mức 1.451USD/oz vào ngày 15/3/2020, giá vàng đã liên tục tăng mạnh và lập đỉnh cao tại 2.075USD/oz vào ngày 2/8/2020, sau đó điều chỉnh tích lũy từ mức 1.765- 1.965USDoz. Như vậy, nếu tính từ đáy tới đỉnh, thì giá vàng quốc tế đã tăng tới 43% trong năm 2020, trong khi nếu tính từ mức giá đóng cửa ngày 1/1/2020 (1.561USDoz) tới mức giá đóng cửa ngày 31/12/2020 (1.900USD/oz), thì giá vàng quốc tế tăng 21,7%.
Tại thị trường vàng Việt Nam, dù giá vàng miếng SJC biến động chậm hơn nhiều so với giá vàng quốc tế, nhưng cũng đã có một năm tăng giá đầy ấn tượng. Theo đó, giá vàng miếng SJC cũng đã tăng từ mức 42,7 triệu đồng/lượng vào ngày 1/1/2020 lên tới mức đỉnh gần 62 triệu đồng/lượng, tăng 45%. Nếu tính từ đầu năm đến cuối năm 2020 (56,2 triệu đồng/lượng), thì giá vàng miếng SJC tăng 31%.
Sở dĩ giá vàng tăng mạnh trong năm 2020 do một số yếu tố chính: Thứ nhất, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung leo thang mạnh mẽ khi Mỹ liên tục áp thuế suất cao đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, trong khi Trung Quốc cũng không chịu nhún nhường khi đáp trả quyết liệt. Không chỉ vậy, hai quốc gia này còn cạnh tranh quyết liệt về chiến lược địa chính trị, nhất là ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
Thứ hai, đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh khắp toàn cầu, khiến kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, buộc các quốc gia phải tung ra các gói kích thích kinh tế và nới lỏng định lượng khủng, tiềm ẩn nguy cơ tăng áp lực lạm phát trong tương lai.
Thứ ba, căng thẳng địa chính trị ở bán đảo Triều Tiên, vùng Vịnh, Trung Đông… khiến các nhà đầu tư tìm đến vàng làm nơi trú ẩn an toàn.
Thứ tư, dù nhu cầu vàng vật chất giảm mạnh do kinh tế toàn cầu suy thoái, nhưng nhu cầu đầu tư vàng, đặc biệt nhu cầu của các quỹ ETFs tăng đột biến do lo ngại rủi ro từ các yếu tố nói trên, góp phần đẩy giá vàng tăng mạnh. Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), trong năm 2020, các quỹ ETFs đã mua vào 916 tấn vàng, cao hơn nhiều mức năm 2019 là 646 tấn. Hiện tổng lượng vàng mà các quỹ ETFs đang nắm giữ lên tới 3.751 tấn…
Triển vọng tích cực
Theo dự báo của nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi theo hình chữ V trong năm 2021. Trong đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 4,2% năm 2021 và Trung Quốc sẽ đóng góp khoảng 1/3 vào sự phục hồi này của kinh tế toàn cầu.
Mặc dù vậy, nhưng nhiều chuyên gia vẫn cho rằng để có được sự phục hồi đó, các quốc gia vẫn phải tiếp tục duy trì và tung ra các gói kích thích kinh tế mới, bởi hậu quả mà đại dịch COVID-19 gây ra cho năm 2020 và kéo dài trong năm 2021 vẫn còn rất lớn. Thậm chí, một số NHTW có thể phải tung ra chính sách kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu (YCC) để khống chế chi phí lãi vay ở mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Đáng chú ý, FED cũng đã lên tiếng cam kết duy trì lãi suất ở mức 0- 0,25% và tiếp tục nới lỏng định lượng (QE) cho tới khi kinh tế Mỹ phục hồi, thị trường lao động ổn định và lạm phát đạt mức trung bình mục tiêu 2%. Trong khi đó, NHTW Châu Âu (ECB) cũng đã tăng quy mô chương trình QE thêm 500 tỷ EUR lên 1.850 tỷ EUR (2.244 tỷ USD), đồng thời cam kết duy trì chính sách này đến ít nhất cuối tháng 3/2022.
Tính cả gói kích thích kinh tế mới trị giá 900 tỷ USD mà Mỹ tung ra vào cuối năm 2020, tổng giá trị các gói kích thích kinh tế và nới lỏng định lượng (QE) của các quốc gia trên toàn thế giới đã lên tới hơn 20.000 tỷ USD, gấp nhiều lần so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong đó, riêng các gói kích thích kinh tế và nới lỏng định lượng của Mỹ trong năm 2020 đã chiếm 12% GDP của nước này, gấp 3 lần quy mô cứu trợ năm 2008.
Dù các quốc gia ồ ạt bơm tiền với quy mô lớn như vậy, nhưng lạm phát vẫn chưa tăng mạnh do lạm phát có độ trễ nhất định, nhất là khi sức cầu còn yếu do tác động của đại dịch. Tuy nhiên theo dự báo của nhiều chuyên gia, áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh khi kinh tế thế giới phục hồi trở lại, có thể bắt đầu tư nửa cuối năm 2021. Điều này sẽ khiến USD tiếp tục suy yếu, vai trò trú ẩn của vàng sẽ tăng mạnh. Đó là chưa kể, lãi suất thực âm sẽ làm giảm đáng kể chi phí cơ hội nắm giữ vàng, giúp vàng hấp dẫn hơn…
Ông James O’Rourke, Chuyên gia kinh tế của Capital Econonic, cũng cho rằng lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đang ở mức âm 1%, vì vậy chi phí cơ hội nắm giữ vàng đang ở mức vô cùng thấp. “Dù đây không phải là yếu tố chính đẩy giá vàng tăng, nhưng môi trường lãi suất thấp, cộng kỳ vọng lạm phát tăng mạnh, sẽ đẩy giá vàng tăng cao trong năm 2021”, ông James O’Rourke nhận định.
Ngoài ra, khi kinh tế thế giới phục hồi, với lực đẩy mạnh từ Trung Quốc- quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, thì nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất cũng tăng mạnh. Đây là yếu tố chính hậu thuẫn cho đà tăng vững chắc của giá vàng. Đó là chưa kể nhu cầu đầu tư vàng, đặc biệt nhu cầu của các quỹ ETFs, được dự báo vẫn tiếp tục tăng mạnh trong năm 2021 do lo ngại áp lực lạm phát.
Ông Colin, Chuyên gia ngoại hối cho rằng, năm 2021 là năm các nhà đầu tư kỳ vọng lạm phát sẽ tăng mạnh nên sẽ tăng cường đầu tư vàng. “Nếu giá vàng vượt qua 2.100USD/oz, thì sẽ dễ dàng tiến tới 3.000USD/oz, nhưng điều này nhiều khả năng sẽ xảy ra vào gần cuối năm 2021. Tất nhiên, trong năm 2021 sẽ vẫn có những đợt điều chỉnh do thông tin tích cực về vắc xin COVID-19, khống chế dịch bệnh COVID-19, kinh tế thế giới phục hồi, sẽ khiến các quốc gia ngừng kích thích kinh tế. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này chỉ là nhất thời”, ông Colin nhận định.
Bank of America cũng nhận định, việc các quốc gia, NHTW tung khối lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế, sẽ thổi bùng áp lực lạm phát, khiến giá vàng lên 3.000USD/oz (tương đương khoảng 84 triệu đồng/lượng vàng miếng SJC) vào cuối năm 2021.
Theo kết quả khảo sát của Kitco đối với 2.000 người, trong đó 84% nhận định giá vàng sẽ vượt 2.000USD/oz vào cuối năm 2021. Giá vàng trung bình năm 2021 sẽ ở mức trên 2.300USD/oz.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp