(GVNET) – Chiều 12/12, trong bối cảnh giá vàng thế giới rơi vào trạng thái giằng co, thị trường vàng trong nước cũng thu hẹp biến động. Sau báo cáo CPI Mỹ, sự chú ý của nhà đầu tư đang hướng tới báo cáo PPI, dự kiến công bố vào ngày thứ Năm.
Cập nhật thời điểm 18h30 ngày 12/12, vàng miếng SJC Hồ Chí Minh niêm yết giao dịch mua – bán tại 84,6 – 87,1 triệu đồng/lượng, đi ngang so với cuối phiên sáng cùng ngày.
Tại Doji, vàng miếng mua – bán hiện đứng ở mức 84,8 – 87,3 triệu đồng/lượng, đi ngang cả hai chiều mua – bán so với cuối phiên sáng.
Bảo Tín Minh Châu, với mức giá mua – bán hiện đạt 84,8 – 87,3 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng mua vào và bán ra so với cuối phiên sáng nay.
Tại thị trường vàng nhẫn, diễn biến đi ngang đang chiếm ưu thế. Ở nơi có biến động, chênh lệch mua – bán gia tăng khi sự điều chỉnh thiếu tương xứng ở hai đầu giá.
Giá mua – bán vàng nhẫn tại một số doanh nghiệp thời điểm 18h30 ngày 12/12:
Nhẫn SJC: 84,3 – 85,7 triệu đồng/lượng, đi ngang so với cuối phiên sáng cùng ngày.
Nhẫn Bảo Tín Minh Châu: 84,46 – 86,16 triệu đồng/lượng, giảm 120.000 đồng/lượng chiều mua, tăng 80.000 đồng/lượng chiều bán so với cuối phiên sáng, chênh lệch mua bán tăng lên 1,7 triệu đồng.
Nhẫn Doji: 84,8 – 85,9 triệu đồng/lượng, giá mua và bán không đổi so với sáng nay.
Nhẫn Phú Quý: 84,7 – 86,1 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với cuối phiên sáng.
Giá vàng thế giới chiều nay có diễn biến giằng co trong khoảng từ 2710-2720 USD/ounce. Hiện tại với ngưỡng 2710 USD, vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (25.650 VND/USD) đạt 84,73 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), thấp hơn vàng miếng SJC 2,37 triệu đồng và thấp hơn vàng nhẫn 1,43 triệu đồng.
Thống kê đến từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,3% so với tháng 10 và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Không tính hai nhóm hàng hóa có nhiều biến động là thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0,3% trên cơ sở tháng và tăng 3,3% trên cơ sở năm.
Dữ liệu này cho thấy lạm phát tháng 11 tăng nhẹ so với tháng 10, nhưng phù hợp với kỳ vọng và các nhà giao dịch cho rằng lạm phát tăng như vậy chưa đủ mạnh để có thể khiến Fed không hạ lãi suất trong cuộc họp vào tuần tới. Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng gần 99% Fed hạ lãi suất vào ngày 17-18/12 – theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.
“Giá vàng tăng do số liệu CPI phù hợp với dự báo, cơ sở để Fed gần như chắc chắc sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp tuần tới”, ông David Meger – Giám đốc phụ trách mảng kim loại quý của cong ty High Ridge Futures nhận định.
Một số chuyên gia cho rằng lạm phát ở Mỹ đang có chiều hướng chững lại, và có thể tăng tốc trở lại trong năm 2025 do tác động từ các chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Môi trường như vậy có thể sẽ buộc Fed phải giãn tiến độ giảm lãi suất, đặt ra trở ngại cho triển vọng tăng giá của vàng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia tiếp tục giữ quan điểm lạc quan về triển vọng giá kim loại quý này.
“Chúng tôi dự báo giá vàng đạt đỉnh cao mới trong năm 2025, do lợi suất trái phiếu đã giảm trong năm nay và rủi ro địa chính trị tiếp tục là một yếu tố hỗ trợ cho nhu cầu vàng”, chiến lược gia hàng hóa cơ bản Nitesh Shah của công ty WisdomTree nói. “Tôi cho rằng giá vàng sẽ đạt mức 3.000 USD trong năm 2025”.
Sau báo cáo CPI Mỹ, sự chú ý của nhà đầu tư đang hướng tới báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) dự kiến công bố vào ngày thứ Năm. Số liệu này có thể giúp thị trường có thêm manh mối về đường đi lãi suất của Fed trong thời gian tới.
Giavang.net