Cuộc họp chính sách đầu tiên trong năm 2020 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kéo dài trong 2 ngày 28-29.1, với dự báo cơ quan này sẽ vẫn giữ nguyên tỷ lệ lãi suất hiện hành. Giá vàng thế giới vốn luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ.
Theo các nhà quan sát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ không thay đổi lãi suất chủ chốt sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày 28-29.1 (theo giờ địa phương). Tuy nhiên, dịch viêm phổi cấp do chủng mới của coronavirus đang hoành hành tại Trung Quốc sẽ là một yếu tố mới khiến các nhà hoạch định chính sách nâng cao cảnh giác hơn.
Cả thế giới như đang đợi Fed
Cuộc họp của Fed diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang trên đà phát triển khá ổn định. Nhưng việc lây lan coronavirus mới tại Trung Quốc sang các nước khác đã làm dấy lên mối lo ngại rằng dịch có thể kéo chậm đà tăng trưởng ở nước này cũng như tác động lên nền kinh tế toàn cầu.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ, bao gồm hơn một nửa số cửa hàng của chuỗi cà phê Starbucks cùng công viên giải trí Disneyland ở Trung Quốc đã phải đóng cửa. Việc đi lại cũng bị hạn chế và các hãng hàng không lớn đã hủy các chuyến bay sang nước này khi chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng ngăn chặn dịch lây lan rộng hơn.
Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia nhận định Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) của Fed sẽ kết thúc ngày họp thứ hai vào lúc 19h GMT ngày 29.1 (2 giờ sáng ngày 30.1 theo giờ Việt Nam) bằng cách nhắc lại những tuyên bố gần đây rằng họ sẽ theo dõi “diễn biến toàn cầu”.
Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến sẽ phải đối mặt với các câu hỏi về dịch bệnh do coronavirus gây ra trong cuộc họp báo sau khi cuộc họp chính sách kết thúc. Nhiều khả năng ông sẽ nói rằng ngân hàng trung ương này đang theo dõi những tác động kinh tế từ căn bệnh này.
Nhà kinh tế học Joel Naroff cho biết, dịch bệnh do coronavirus gây ra có thể trở thành một yếu tố ảnh hưởng tới chính sách của Fed nếu nó “tấn công” thị trường tài chính và có dấu hiệu rõ ràng rằng dịch sẽ làm nền kinh tế “hạ nhiệt” tăng trưởng.
Naroff nói ông Powell dù ít khi thể hiện nhưng dường như rất lo lắng về tình hình thị trường tài chính, chẳng hạn như quyết định ngừng tăng lãi suất vào cuối năm 2018 của Fed khi nền kinh tế vẫn tiếp tục đà tăng khá thuận lợi.
Fed đã 3 lần cắt giảm lãi suất chính vào năm 2019 trong bối cảnh các dấu hiệu của nền kinh tế Mỹ và toàn cầu đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược”, một phần đến từ các cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Và điều đó có thể xảy ra một lần nữa.
Người đứng đầu Fed đã báo hiệu rằng ngân hàng trung ương chỉ có khả năng thay đổi chính sách khi có sự thay đổi “cụ thể” đối với triển vọng nền kinh tế.
Vàng vẫn là tài sản trú ẩn an toàn
Giá vàng thế giới đi xuống trong phiên 28.1 khi thị trường chứng khoán hồi phục nhờ các số liệu kinh tế tích cực của Mỹ công bố trước thềm cuộc họp chính sách của Fed như đã nói ở trên.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất hạ sẽ khiến USD yếu đi, song lại gia tăng đáng kể sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng.
Tuy nhiên, nhà phân tích Carsten Menke của công ty tài chính tư nhân Julius Baer cho biết những lo ngại về sự bùng phát của dịch bệnh do coronavirus gây ra có thể cản trở đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, qua đó củng cố nhu cầu về vàng nói chung.
Trước đó, giá vàng thế giới tăng lên gần mức cao nhất 3 tuần qua trong phiên 27.1 do các nhà đầu tìm nơi trú ẩn an toàn
Thậm chí, chuyên gia Carlo Alberto De Casa thuộc ActivTrades cho rằng giá vàng có cơ hội tăng lên mức cao mới trong 7 năm trong vài tuần tới. Vào tháng trước, giá vàng đã tăng lên mức cao nhất 7 năm qua (1.610,9 USD/ounce) sau khi tướng Iran bị thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ.
Tuần trước, theo kết quả khảo sát về diễn biến giá vàng thì đa số chuyên gia và nhà đầu tư đều nghiêng về kịch bản tăng giá. Có tới 59% chuyên gia nghiêng về xu hướng giá vàng tăng, chỉ có 12% dự đoán giá vàng giảm và còn lại 19% giữ quan điểm trung lập.
Ảnh hưởng của dịch bệnh do coronavirus mới gây ra đến kinh tế toàn cầu có thể lớn hơn nhiều so với dịch SARS
Tình hình lây lan nghiêm trọng của dịch bệnh do coronavirus gây ra càng làm dấy lên lo ngại về sự giảm sút kinh tế, đặc biệt là triển vọng tăng trưởng. Trong đó, chịu thiệt hại đầu tiên là các ngành dịch vụ như du lịch, kinh doanh khách sạn và nhà hàng.
Tại đợt bùng phát SARS năm 2002-2003, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Hong Kong đều giảm khoảng 3%. Đặc biệt năm 2003, du lịch Trung Quốc lần đầu tiên tăng trưởng âm trong vòng 10 năm, các lĩnh vực trong ngành này đều chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Các chuyên gia nhận định so với dịch bệnh SARS, dịch bệnh do cornavirus gây ra có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng hơn vì Trung Quốc đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế thế giới.
Nếu như năm 2003, Trung Quốc chỉ chiếm 8,9% tỉ trọng kinh tế toàn cầu thì đến nay đã lên tới 20%. Riêng ngành du lịch, năm 2003 chỉ chiếm 39% tỉ trọng kinh tế trong nước của Trung Quốc nhưng năm 2019 đã tăng lên mức 59%.
Theo Một thế giới