19 C
Hanoi
19/03/2024
Image default
Chuyên gia nói Phân tích Vàng Tin mới nhất

Đầu tư vàng và tác động kinh tế từ COVID-19

Hai chuyên gia tài chính từ Đại học RMIT nhắn nhủ các nhà đầu tư suy nghĩ thận trọng, nâng cao kiến thức về đầu tư vàng để đảm bảo đầu tư phù hợp với mức độ chấp nhận rủi ro của mình.

– Ông đánh giá thế nào về thị trường vàng và các yếu tố ảnh hưởng đến việc giá vàng tăng vọt trong thời gian qua?

Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy: Thị trường vàng tăng vọt rồi giảm mạnh trong 30 ngày qua do những bất ổn từ COVID-19.

Đại dịch đã khiến các nền kinh tế tê liệt, giá dầu giảm và USD suy yếu. Thêm vào đó, chính phủ các nước đã và đang đưa ra những gói cứu trợ kinh tế khổng lồ khiến cho lợi suất trái phiếu chính phủ suy giảm. Tất cả các yếu tố này đã đẩy giá vàng toàn cầu đạt đỉnh cao nhất chưa từng thấy trước khi sụt giảm.

Tất nhiên, thị trường vàng Việt Nam cũng không đứng ngoài đợt bùng phát này. Suốt đợt tăng giá vừa rồi, thị trường vàng trong nước biến động khá sát sao với thị trường thế giới. Điều này tương đối hợp lý vì kinh tế Việt Nam đang hội nhập với thế giới hơn bao giờ hết.

– Một số nhà đầu tư đổ xô đi mua vàng với hy vọng kiếm lời nhưng cũng chuẩn bị sẵn tâm thế đón lỗ. Từ quan điểm của một nhà kinh tế học, theo ông các nhà đầu tư có nên tìm cách tăng tài sản của mình theo cách này không?

Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy: Tâm lý đám đông luôn là một vấn đề nghiêm trọng với mọi nền kinh tế, đặc biệt là ở những nước đang phát triển như Việt Nam. Khi các nhà đầu tư (đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ) thấy thị trường biến động mạnh, họ thường có xu hướng chạy theo đám đông. Điều này cực kỳ nguy hiểm do họ chỉ đầu tư với tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội chứ không hiểu rõ về thị trường.

Vàng là một dạng tài sản khá an toàn, ít rủi ro và được dùng để bảo vệ (hay phòng ngừa) trước các biến động của nền kinh tế. Thường nhà đầu tư sẽ chuyển một phần tài sản sang vàng để giảm thiểu rủi ro  danh mục đầu tư và bảo toàn tài sản khỏi biến động giá cổ phiếu hoặc những thay đổi không thể lường trước của nền kinh tế. Do đó, các nhà đầu tư thông thái thường không gia tăng giá trị tài sản về lâu dài bằng cách đầu tư vào vàng.

Việc nhiều nhà đầu tư Việt Nam lướt sóng thị trường vàng với mong muốn làm giàu nhanh chóng là một hành vi cực kỳ rủi ro ở bất kỳ thị trường nào vì luôn có khoảng chênh lệch cực lớn giữa giá mua vào và bán ra khi thị trường biến động.

Các nhà đầu tư có thể phải chịu khoản lỗ rất lớn ngay thời điểm quyết định đầu tư. Một điểm quan trọng các nhà đầu tư cần chú ý là vàng được xem là một dạng tài sản không sinh lời. Điều này có nghĩa khoản tiền đầu tư vào vàng sinh lợi rất ít so với vào các tài sản khác.

Diễn biến giá vàng thế giới từ ngày 8/6 đến 7/9 (Nguồn: Thomson Reuters Eikon, truy cập ngày 7/9/2020)

– Vậy, đâu là nơi tốt nhất các nhà đầu tư cá nhân nên bỏ tiền vào lúc này?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh: Các nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ trước khi đầu tư quá nhiều tiền vào vàng và nên đa dạng hóa danh mục đầu tư hoặc sử dụng đòn bẩy (để mua vàng). Nếu không, vàng có thể là một khoản đầu tư khá rủi ro.

Khoản đầu tư tốt nhất mà các nhà đầu tư cá nhân có thể thực hiện ngay lúc này là khoản phù hợp với mức độ chấp nhận rủi ro/hồ sơ rủi ro cũng như tình hình tài chính của họ. Nhà đầu tư cần đánh giá mức độ rủi ro mà họ sẵn sàng và có thể chấp nhận. Với giá cả cực kỳ biến động và không chắc chắn như hiện nay, vàng có thể được coi là khá rủi ro nên có thể không phù hợp với những nhà đầu tư không thích mạo hiểm.

Thay vào đó, những nhà đầu tư này nên đa dạng hóa các khoản đầu tư và phân bổ tài chính thích hợp cho các khoản đầu tư khác an toàn hơn (ví dụ như tiền gửi có kỳ hạn, trái phiếu). Tình hình tài chính cũng rất quan trọng trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay và có lẽ cả trong tương lai gần. Do đó, các nhà đầu tư nên đảm bảo duy trì thu nhập thường xuyên và tính thanh khoản từ các khoản đầu tư để đáp ứng nhu cầu của bản thân (và gia đình) họ.

– Theo bà, giá vàng có tác động như thế nào đến nền kinh tế?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh: Tại Việt Nam, vàng là kênh đầu tư truyền thống của các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, giá vàng tăng vọt có thể khiến dòng vốn đổ vào vàng tăng mạnh tạo ra một số tác động đến nền kinh tế hiện tại.

Hiện trạng này có thể làm giảm tính thanh khoản (dòng chảy tự do) của thị trường chứng khoán khi các nhà đầu tư chuyển vốn sang vàng. Các kênh đầu tư khác như trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.

Đặc biệt, nguồn vốn lớn chảy vào vàng có thể ảnh hưởng đến thị trường cho vay ngân hàng, vốn là kênh gây quỹ chính cho doanh nghiệp trong nước (tiền gửi ngân hàng giảm sẽ khiến tiền khả dụng cho các công ty vay sẽ ít hơn). Tuy nhiên, đây có thể không phải là vấn đề lớn với hoàn cảnh hiện tại vì COVID-19 và suy thoái kinh tế khiến nhu cầu vay vốn ngân hàng được cho là vẫn ở mức thấp.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2020 (tính đến ngày 16/6) chỉ đạt 2,13%.

– Xin cảm ơn ông/bà! 

—————————————

(*) Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy là giảng viên ngành Tài chính thuộc Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT. Ông quan tâm nghiên cứu các lĩnh vực gồm công nghệ trong tài chính FinTech, tiền điện tử, tài chính môi trường, định giá tài sản và tài chính thực nghiệm. 

(*) Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh là giảng viên ngành Tài chính thuộc Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT. Bà là hội viên thường trực của Viện CFA dành cho các nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp và Hiệp hội CFA Singapore. Bà quan tâm nghiên cứu các lĩnh vực gồm tài chính thực nghiệm, dịch vụ tài chính và tài chính hành vi. 

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Tin liên quan

Đang tải....