Thị trường đang ngóng thêm thông tin liên quan đến việc đấu thầu vàng – vấn đề được quan tâm nhất hiện nay. Liệu đấu thầu vàng miếng trong thời điểm hiện nay có giúp hạ nhiệt và ổn định thị trường vàng, khi mà diễn biến thị trường vàng thế giới đã rất khác thời điểm 2013?
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital, thời gian trở lại 11 năm trước – năm 2013, thị trường vàng miếng Việt Nam đã chứng kiến một loạt các phiên đấu thầu do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức. Tại thời điểm đó, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới và việc đấu thầu được coi là biện pháp để cân bằng thị trường vàng nội địa.
Ở thời điểm đó, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 4,2 triệu đồng/lượng, thời gian đấu thầu vào ngày Thứ Sáu hàng tuần; Lượng vàng đấu thấu: 15.000 lượng/phiên, tuy nhiên riêng phiên thứ 76 vào ngày 31/12/2013: 20.000 lượng; Khối lượng đặt thầu: Tối thiểu 500 lượng và tối đa 1.500 lượng; Mức giá tham chiếu đặt cọc: Điều chỉnh theo từng phiên. Qua 76 phiên đấu thầu, NHNN đã chào bán tổng cộng 1.932.000 lượng; bán thành công: 1.819.900 lượng.
Phó Thống đốc NHNN thời điểm đó là ông Lê Minh Hưng đã nhấn mạnh “Thông qua việc đấu thầu, NHNN không nhằm mục tiêu kéo giá vàng xuống ngay lập tức để cân bằng với giá vàng thế giới, mà chúng tôi chủ yếu thực hiện việc tăng cung ra thị trường để qua đó giải quyết vấn đề nhu cầu vàng”.
Theo ông Tuấn, các phiên đấu thầu năm 2013 đã hiện thực hóa được 4 mục tiêu: Cân đối thị trường vàng trong nước, tăng nguồn cung vàng trong nước; Giảm chênh lệch giữa giá vàng thế giới và vàng Việt Nam; Ổn định tỷ giá; Chống “vàng hóa” nền kinh tế và tăng độ hiệu quả của chính sách tiền tệ.
“Tôi đánh giá cao lần thực hiện đấu thầu vàng thứ nhất vì nó hỗ trợ hệ thống ngân hàng rất tốt trong việc cân bằng trạng thái”, ông Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh.
So sánh với thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới đang ở trong một chu kỳ hoàn toàn khác với mức tăng vượt nhiều dự báo, và cần nói thêm rằng đà tăng này là ngoài tầm kiểm soát, được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố từ địa chính trị đến động thái mua của nhiều NHTW lơn. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng trong nước đang không trong trạng thái vàng âm.
Thêm nữa, nếu như ở lần tiến hành đấu thầu vàng miếng trước đó, chỉ số sức mạnh đồng USD – DXY – chỉ ở khoảng 70-80, thì hiện tại chỉ số này lên tới 106 và vẫn có xu hướng tăng lên. Điều này hàm ý tác động tỷ giá khi nhập khẩu vàng ở thời điểm hiện tại là rất khác so với năm 2013.
Trong bối cảnh này, việc tiến hành đấu thầu vàng không chỉ là một quyết định về việc cung cấp vàng ra thị trường, mà còn là một phương tiện để duy trì ổn định thị trường vàng và tỷ giá. Đồng thời, nó cũng đòi hỏi sự linh hoạt và sự hiểu biết sâu sắc về các yếu tố tác động đến thị trường vàng và tiền tệ nói chung từ phía NHNN.
Ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, với đợt đấu thầu vàng 2024 sẽ không có khả năng NHNN lấy vàng dự trữ ra bán mà dự báo theo hướng nhập khẩu vàng để bán. Đặc biệt, động thái lấy vàng dự trữ ra bán không phù hợp với xu thế, khi nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu còn đang mua thêm vàng, điển hình như Trung Quốc đã mua vàng 17 tháng liên tiếp.
Tuy nhiên, nếu theo hướng nhập khẩu vàng, NHNN sẽ phải tính đến bài toán tỷ giá. Bởi nếu áp dụng phương án này, NHNN cần đến USD để nhập vàng, dự trữ ngoại hối sẽ giảm và sức ép tỷ giá sẽ tăng.
“Dự trữ ngoại hối của Việt Nam ước khoảng 95 tỷ USD. Điều này lý giải tại sao ngay khi có tin đấu thầu vàng, tỷ giá lập tức tăng nóng”, ông Tuấn nói.
Với sự khác biệt rõ ràng trong bối cảnh và yêu cầu hiện tại, việc tiến hành đấu thầu vàng đang trở thành một thách thức lớn đối với NHNN và các chuyên gia tài chính. Việc đảm bảo ổn định thị trường vàng và tỷ giá trong khi đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi sự cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng từ phía các quyết định chính trị và chính sách tài chính.
Theo của TS. Lê Xuân Nghĩa, Việt Nam nên nghiên cứu mua vàng dự trữ hơn là mang vàng dự trữ ra đấu thầu để bình ổn thị trường, bởi xu hướng chung cũng như điều tác động lớn nhất đến việc giá vàng thế giới liên tục tăng thời gian qua là do các NHTW mua để dự trữ.
“Điều mà rất nhiều người lo là nếu cho xuất nhập khẩu vàng bình thường thì lấy đâu ra ngoại tệ. Thực tế, buôn lậu vàng cũng phải lấy ngoại tệ từ Việt Nam. Thứ hai, khối lượng ngoại tệ sử dụng để nhập khẩu vàng đáng bao nhiêu đâu. Chúng tôi tính toán giỏi lắm khoảng 3 tỷ USD, so với hàng chục tỷ USD nhập khẩu xăng dầu và các nguyên liệu khác thì không có ý nghĩa gì”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Còn theo TS. Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh Tế TP HCM) trao đổi trên VTVMoney: “Nếu lượng hóa nhu cầu vàng hiện tại trong dân thì sẽ rất khó, nhưng có thể lượng hóa khả năng nhập khẩu bao nhiêu để không bị ảnh hưởng quá nhiều đến tỷ giá. Chẳng hạn có thể nhập khẩu một lượng đâu đó khoảng 10% so với thặng dư cán cân thanh toán, thì theo tôi con số này là phù hợp và không ảnh hưởng quá nhiều đến tỷ giá”.
GIavang.net