Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ họp chính sách tiền tệ vào ngày 22/9 tới. Cuộc họp của FED sẽ tác động thế nào đến giá vàng tuần tới khi bức tranh kinh tế Mỹ đang có những tín hiệu trái chiều?
Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã cú lao dốc mạnh từ 1.810USD/oz xuống tới mức 1.745USD/oz và đóng cửa ở mức 1.753USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã giảm từ mức 57,8 triệu đồng/lượng xuống mức 57,6 triệu đồng/lượng.
Sở dĩ giá vàng quốc tế giảm mạnh trong cuối tuần này do doanh số bán lẻ tháng 8 của Mỹ bất ngờ tăng tới 0,7% sau khi giảm mạnh 1,8% trong tháng 7. Theo đó, doanh số bán lẻ tháng 8 của Mỹ đã tăng tới 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 17,7% so với mức trước khi đại dịch bùng phát. Sở dĩ doanh số bán lẻ của Mỹ tăng mạnh do biến thể Delta hoành hành mãnh liệt khiến các đơn đặt hàng trực tuyến tăng đột biến. Hơn nữa, trung tuần tháng 8 là mùa tựu trường ở Mỹ, nên nhu cầu tiêu thụ sách vở, thiết bị học tập… cũng tăng mạnh.
Doanh số bán lẻ của Mỹ tăng mạnh khiến các nhà đầu tư tài chính cho rằng kinh tế nước này vẫn đứng vững dù đại dịch đang diễn biến phức tạp. Điều này sẽ tạo điều kiện cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm thu hẹp Chương trình nới lỏng định lượng (QE) như dự kiến.
Tuy nhiên, FED vẫn đang quan tâm nhiều hơn tới thị trường lao động và lạm phát trước khi thắt chặt chính sách tiền tệ. Với thị trường lao động Mỹ, số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP) tháng 8 đã giảm mạnh xuống chỉ còn 235.000 việc làm so với mức dự báo khoảng 720.000 việc làm và kỳ trước 1.053 việc làm. Điều này cho thấy thị trường lao động Mỹ đang suy giảm mạnh vì đại dịch.
Với lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,3%, theo đó chỉ số này tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, giảm nhẹ so với mức 5,4% được ghi nhận trong tháng 7. Dù sao, CPI của Mỹ vẫn đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Tuy nhiên, FED vẫn giữ quan điểm cho rằng lạm phát tăng mạnh chỉ là tạm thời, không đáng ngại.
Vậy FED sẽ hành động như thế nào trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 22/9 tới đây khi các số liệu kinh tế của Mỹ đang cho thấy bức tranh kinh tế sáng tối lẫn lộn? Về lãi suất cơ bản, chắc chắn FED sẽ vẫn giữ nguyên ở mức 0- 0,25% và dự kiến sẽ tăng vào năm 2022 hoặc đầu năm 2023. Còn với việc thu hẹp QE, theo khảo sát của Marketwatch, hiện có khoảng 50% trong số 18 thành viên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) cho rằng FED cần sớm thu hẹp QE. Trong khi 50% thành viên FOMC còn lại cho rằng FED cần tiếp tục theo dõi “sức khỏe” của thị trường lao động trước khi thu hẹp Chương trình này. Như vậy, nhiều khả năng FED sẽ vẫn khẳng định sẽ thu hẹp QE vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau tùy theo tình hình kinh tế Mỹ. Điều này sẽ hỗ trợ giá vàng tuần tới phục hồi trở lại vùng 1.800USD/oz. Ngược lại, nếu FED bật tín hiệu sớm thu hẹp QE, thì giá vàng tuần tới có thể sẽ còn tiếp tục giảm xuống sát 1.700USD/oz.
Ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập, cho rằng nhiều nhà đầu tư đang bị dao động tâm lý khi các chỉ số kinh tế Mỹ có sự đan xen giữa tích cực và tiêu cực. Bởi vậy, giá vàng có thể sẽ tiếp tục dao đông trong biên độ từ 1.670- 1.835 trong ngắn hạn. Dù FED đưa ra định hướng chính sách thế nào, thì vàng cũng không bị bán tháo quá mức. Bởi FED sẽ khó thu hẹp mạnh mẽ QE trong bối cảnh thị trường lao động đang suy giảm và lạm phát vẫn ở mức cao; còn việc FED tăng lãi suất cơ bản có thể diễn ra vào năm tới hoặc đầu năm 2023. Bởi vậy, lãi suất ở Mỹ vẫn thực âm trong bối cảnh lạm phát vẫn đang tăng và vàng vẫn có sức hấp dẫn trong trung và dài hạn.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp