Mỹ tiếp tục ghi nhận những số liệu không mấy tích cực về tình hình “sức khỏe” của nền kinh tế quốc gia, khi dịch viêm đường hô hấp COVID-19 chưa hoàn toàn được kiểm soát ở nước này.
Bộ Tài chính Mỹ ngày 12/5 thông báo thâm hụt ngân sách ở mức kỷ lục 738 tỷ USD trong tháng 4 vừa qua, trong bối cảnh chi tiêu của chính phủ tăng vọt và nguồn thu thuế sụt giảm do các biện pháp khống chế dịch bệnh. Trong tháng 4 vừa qua Chính phủ Mỹ chi tiêu tổng cộng 980 tỷ USD, tăng 604 tỷ USD so với tháng 4/2019, chủ yếu để hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trong khi đó, tổng thu ngân sách trong tháng 4 chi đạt 242 tỷ USD, giảm 294 tỷ USD, do một số khoản thuế cá nhân và công ty được hoãn. Như vậy, tính từ đầu tài khóa 2020 bắt đầu từ ngày 1/10/2019, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã lên tới 1.481 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 531 tỷ USD cùng kỳ năm 2019.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, mức thâm hụt ngân sách khổng lồ trong tháng 4/2020 phản ánh chi tiêu khổng lồ của chính phủ nhằm giảm thiểu tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng COVID-19. Mức thâm hụt ngân sách kỷ lục trước đó mà Mỹ từng ghi nhận là 235 tỷ USD vào tháng 2/2020.
Ủy ban giám sát ngân sách liên bang (CRFB) cho rằng tổng thâm hụt ngân sách của Mỹ năm nay có thể lên tới hơn 3.800 tỷ USD, với mức nợ công đến ngày 30/9 – thời điểm kết thúc tài khóa 2020 – vượt quy mô nền kinh tế.
Ngày 27/3 vừa qua, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt gói tài chính 2.300 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế đối phó với khủng hoảng COVID-19. Kể từ đó, Quốc hội Mỹ đã bổ sung thêm nhiều gói khẩn cấp khác hỗ trợ các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp và chính quyền địa phương, nâng tổng giá trị các biện pháp này lên khoảng 3.000 tỷ USD.
Tháng 4 vừa qua là tháng đầu tiên một số chương trình kích thích kinh tế bắt đầu được triển khai. Bộ Tài chính Mỹ ước tính khoảng 600 tỷ USD chi tiêu trong tháng này dành cho các biện pháp cứu trợ của chính phủ.
Thông thường, tháng 4 là tháng Bộ Tài chính Mỹ ghi nhận thặng dư ngân sách do các khoản thuế đến hạn nộp vào ngày 15/4. Nhưng trong năm nay, thời hạn nộp thuế được hoãn đến ngày 15/7 do ảnh hưởng của đại dịch.
Trong một báo cáo riêng công bố cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cho biết giá tiêu dùng ở nước này trong tháng 4 vừa qua giảm mạnh nhất kể từ cuộc suy thoái hồi năm 2008, do nhu cầu xăng dầu và các dịch vụ bao gồm đi lại bằng máy bay sụt giảm.
Cụ thể, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4 giảm 0,8% so với tháng 3, đúng với dự đoán trước đó. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 12/2008 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, đồng thời đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp chỉ số CPI của Mỹ giảm, sau mức giảm 0,3% của tháng 3.
So với tháng 4/2019, CPI của Mỹ chỉ tăng 0,3%, đánh dấu mức tăng theo năm ít nhất kể từ tháng 10/2015 và thấp hơn hẳn mức tăng 1,5% của tháng 3.
CPI cốt lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động) trong tháng 4 giảm 0,4% so với tháng 3, mức giảm lớn nhất kể từ khi chỉ số này bắt đầu được thu thập vào năm 1957. Tháng 4 cũng đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1982 chỉ số CPI cốt lõi giảm hai tháng liên tiếp.
So với cùng kỳ năm 2019, CPI cốt lõi của Mỹ tăng 1,4% – mức tăng ít nhất kể từ tháng 4/2011 – sau khi tăng 2,1% trong tháng 3.
Tổng hợp