Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của nước này đã giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước, mạnh hơn mức giảm 0,1% mà các nhà kinh tế dự đoán theo khảo sát của Bloomberg. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tiếp tục đi xuống tháng thứ 13 liên tiếp, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Giá tiêu dùng ở Trung Quốc lại rơi vào trạng thái giảm và giá nhà sản xuất giữ xu hướng giảm trong tháng 10 vừa qua, khi nhu cầu tại nước này tiếp tục trong tình trạng yếu. Những số liệu mới nhất này một lần nữa phủ bóng lên triển vọng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
CPI toàn phần bị kéo tụt bởi giá thịt lợn giảm sâu. So với cùng kỳ năm ngoái, giá thịt lợn ở Trung Quốc trong tháng 10 giảm 30,1% so với cùng kỳ năm ngoái, sâu hơn mức giảm 22% ghi nhận trong tháng 9, do nguồn cung lợn tăng cao và nhu cầu yếu.
Tuy nhiên, ngay cả CPI lõi – chỉ số không bao gồm giá thực phẩm và xăng dầu – chỉ tăng 0,6% trong tháng 10, thấp hơn mức tăng 0,8% của tháng 9. Điều này cho thấy Trung Quốc tiếp tục đương đầu với áp lực giảm phát và có khả năng không đạt được mục tiêu lạm phát cả năm khoảng 3% mà Chính phủ nước này đề ra.
Giá tiêu dùng ở Trung Quốc đã rơi vào giảm phát trong tháng 7, trước khi tăng trở lại trong tháng 8 và đi ngang trong tháng 9. Giá nhà sản xuất đã giảm tháng thứ 13 liên tiếp tính đến tháng 10.
Cùng với các chỉ số kinh tế khác, dữ liệu lạm phát tháng 10 của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế nước này chưa có được sự phục hồi rõ ràng.
So với tháng trước, CPI toàn phần tháng 10 giảm 0,1%, sau khi tăng 0,2% trong tháng 9.
Chỉ số PPI giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 2,5% trong tháng 9. Các nhà kinh tế được Reuters khảo sát dự báo mức giảm PPI tháng 10 là 2,7%.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố vào tháng 8 rằng giá cả sẽ phục hồi trở lại sau mùa hè. Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất cho thấy dự báo này đã quá lạc quan.
Ông Bruce Pang bình luận: “Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn gặp khó khăn trong việc chống lại giảm phát dai dẳng giữa lúc nhu cầu nội địa yếu. Chính phủ Trung Quốc cần phải kết hợp các chính sách phù hợp và tung ra thêm những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế để ngăn kỳ vọng về lạm phát tiếp tục đi xuống. Bởi nếu điều này xảy ra, niềm tin của doanh nghiệp và chi tiêu của người tiêu dùng có thể sẽ giảm sút”.
Giảm phát gây ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư bởi doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận và doanh thu theo số liệu danh nghĩa. Giảm phát cũng làm tăng áp lực chi trả nợ và đây là vấn đề lớn đối với nền kinh tế có đòn bẩy cao như Trung Quốc. Giảm phát cũng khiến tiêu dùng bị tổn thương bởi người tiêu dùng có thể sẽ trì hoãn việc mua sắm dựa trên kỳ vọng rằng giá sẽ giảm sâu hơn nữa trong tương lai.
Theo dự báo trung vị của các nhà kinh tế do Bloomberg khảo sát, mức tăng CPI cả năm 2023 của Trung Quốc sẽ chỉ đạt 0,5%, thấp hơn hẳn mục tiêu của chính phủ là khoảng 3%.
Lạm phát thấp là bằng chứng khiến các nhà kinh tế hay sử dụng để lập luận rằng nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng dưới tốc độ tiềm năng và kêu gọi các nhà hoạch định chính sách thực hiện thêm kích thích tài khóa và tiền tệ. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã tăng cường nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa, ví dụ như giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay phát hành thêm trái phiếu chính phủ.
Giavang.net