Sau khi nới lỏng, dỡ bỏ lệnh phong tỏa phòng chống dịch Covid-19, một số nước có ca nhiễm mới tăng trở lại, gây ra nỗi sợ về làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Trong bối cảnh nhiều chính phủ trên thế giới lên kế hoạch nới lỏng lệnh phong tỏa, số người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) gây ra đã gia tăng trở lại tại một số quốc gia, làm dấy lên nỗi lo về một làn sóng lây nhiễm mới.
Tại châu Á, nơi virus khởi phát, số ca nhiễm Covid-19 tại các quốc gia như Trung Quốc và Hàn Quốc, đã tăng trở lại sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng và trong một số trường hợp, giới chức phải tái ban bố các biện pháp giãn cách xã hội.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) hôm qua 12.5 thông báo có thêm 27 ca nhiễm Covid-19 trong ngày 11.5, đánh dấu ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm mới/ngày ở mức 2 con số sau khi ca nhiễm đầu tiên tại các quán bar ở quận giải trí Itaewon thuộc Seoul được xác nhận hôm 2.5.
Tính đến chiều 12.5, số ca nhiễm Covid-19 liên quan đến Itaewon đã tăng lên 102, khiến nơi đây trở thành ổ dịch lớn nhất ở Seoul, theo Yonhap. Làn sóng lây nhiễm thứ hai ập đến không lâu sau khi chính phủ Hàn Quốc kiểm soát được dịch và bắt đầu nới lỏng biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội, dần mở cửa trường học, doanh nghiệp. Theo diễn biến mới, Hàn Quốc thông báo lùi ngày mở lại trường học thêm một tuần.
Trong tháng 4-2020, số ca nhiễm mới mỗi ngày của Trung Quốc luôn ở mức thấp và chủ yếu từ nước ngoài trở về. Tuy nhiên, giới chức y tế nước này những ngày qua cảnh báo nhiều ổ dịch mới đã xuất hiện tại một số thành phố như Vũ Hán và Thư Lan.
Tương tự, TP.Vũ Hán (Trung Quốc) phát hiện ổ nhiễm mới đầu tiên hồi cuối tuần trước. Nhằm ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát, Vũ Hán sẽ tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ 11 triệu dân trong 10 ngày và mỗi quận được yêu cầu trình kế hoạch xét nghiệm chi tiết trước ngày 12.5, theo Reuters.
Theo Reuters, giới chức Trung Quốc đã tăng mức độ rủi ro của Thư Lan từ trung bình lên cao, đồng thời tái áp đặt một số biện pháp phong tỏa vào tuần này, bao gồm đóng cửa nhiều không gian công cộng như cơ sở thể thao và thư viện, hoãn một số dịch vụ tàu đến và đi từ thành phố.
Ở Đức, Viện Robert Koch hôm qua công bố dữ liệu cho thấy có thêm 933 ca nhiễm mới, tăng từ con số 357 hôm 11.5, sau khi chính phủ bắt đầu nới lỏng phong tỏa từng bước.
Tương tự, khi chính phủ Pháp vừa bắt đầu dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài gần 2 tháng qua, Bộ Y tế nước này cho hay số ca Covid-19 tử vong trong ngày 11.5 tăng gần gấp 4 lần và số ca nhiễm mới tăng hơn gấp đôi so với ngày trước đó, theo Reuters.
Tại Mỹ, dù số ca nhiễm và số người chết vì Covid-19 tiếp tục tăng, Tổng thống Donald Trump hôm qua cáo buộc các thống đốc thuộc đảng Dân chủ “hành động chậm” trong việc nới lỏng các biện pháp hạn chế tiếp xúc và cho phép các cơ sở kinh doanh hoạt động trở lại.
Với nhiều chuyên gia, câu hỏi lúc này không phải là liệu đợt lây nhiễm tiếp theo có xảy ra hay không mà là chính phủ và người dân các nước có thể chuẩn bị như thế nào để ứng phó tốt hơn đợt lây nhiễm thứ nhất.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các nước nên cực kỳ thận trọng khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa. “Giờ đây chúng ta thấy được một ít hy vọng khi nhiều nước hết phong tỏa. Nhưng nếu dịch bệnh còn duy trì ở mức độ thấp tại những quốc gia không có khả năng điều tra các cụm lây nhiễm thì luôn có nguy cơ vi rút hoành hành trở lại”, Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến hôm 11.5, theo Reuters.
Tổng hợp