33 C
Hanoi
30/06/2024
Image default
Kinh tế Kinh tế Việt Nam Tin mới nhất Vàng

Cơn sốt vàng và sự ảnh hưởng tới nền kinh tế

(GVNET) – Phân tích việc giá vàng tăng cao tác động đến nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng, vàng không còn là phương tiện thanh toán nên giá vàng biến động cũng tác động không nhiều đến kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nếu kéo dài sẽ vẫn gây nhiều hệ lụy.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, hiện giá vàng trong nước đang tăng do chịu 3 yếu tố tác động cùng lúc. Thứ nhất, giá vàng thế giới tăng do bất ổn của kinh tế, chính trị.

Thứ hai, trong nhiều năm nay không có khung vàng miếng ở thị trường nội địa, trong khi nhu cầu mỗi năm đều có và đặc biệt nhu cầu tăng mạnh trong năm 2022, 2023 là những năm thị trường bất động sản suy thoái, dòng tiền “chảy” nhiều vào kênh đầu tư vàng.

Thứ ba, lãi suất tiết kiệm giảm cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến nhu cầu mua vàng tăng mạnh, từ đó đẩy giá vàng trong nước tăng nhanh và tăng cao hơn cả giá vàng thế giới.

Dù mục tiêu của đầu thầu vàng vẫn là để hạ nhiệt giá vàng, giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và thế giới nhưng việc đấu thầu chưa diễn ra thành công, cũng như chưa có lượng cung vàng trên thị trường để hạ nhiệt nhu cầu, vì vậy giá vàng vẫn tăng. Sắp tới khi nguồn cung vẫn còn khan hiếm thì giá vàng vẫn sẽ còn tăng.

Rõ ràng đấu thầu không phải là giải pháp phù hợp cho quản lý thị trường vàng, mà cụ thể ở đây là giảm giá vàng trong nước xuống một mức hợp lý so với giá vàng thế giới như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Trên thực tế, đấu thầu vàng là cách để NHNN cung lượng vàng ra với một mức giá không bị trách nhiệm. Có thể hiểu nôm na là, nếu NHNN cung giá thấp quá thì có thể bị trách nhiệm, ngược lại cung giá cao quá cũng bị trách nhiệm.

Vì vậy, NHNN mới dùng biện pháp đấu thầu để giảm trách nhiệm về xác định giá. Cách làm này về bản chất không giải quyết được yếu tố chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, mà chỉ đưa được giá vàng ra ở mức sát nhất với thị trường qua đấu thầu.

Tình hình hiện tại, vẫn còn may mắn vì vàng tăng giá không phải do chính sách kinh tế vĩ mô đang yếu kém, hay do Nhà nước tung tiền để lạm phát. Nếu những yếu tố này là nguyên nhân khiến vàng tăng giá thì thật sự đáng lo ngại.

Tuy nhiên, như tôi đã phân tích ở trên, vàng tăng giá vì chịu ảnh hưởng của vàng thế giới, lãi suất tiết kiệm giảm, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản suy yếu…khiến cung không đủ cầu. Do đó, chỉ cần lượng vàng được tung ra một cách có kế hoạch, từng bước sẽ dần dần đáp ứng được nhu cầu nhất định cho người dân và làm giá vàng trên thị trường “hạ nhiệt”.

Giá vàng càng tăng cao, người dân lại càng đổ xô đi mua

Theo phân tích của TS. Bùi Trinh, giá vàng tăng cao là do nguồn cầu lớn, chứng tỏ vàng đang thu hút một lượng lớn tiền saving (tiền tiết kiệm hoặc tiền dư thừa) trong dân. Mà đây chính là dòng tiền có thể dùng để tái đầu tư, sản xuất, thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

Lấy tổng thu nhập trừ đi tiêu dùng thì còn lại saving. Saving là nguồn lực để tái đầu tư cho chu kỳ sản xuất sau. Vậy mà tiền saving lại đổ vào vàng thì sẽ làm cho nền kinh tế hụt đi một nguồn lực phát triển. Hiện người dân có tâm lý chạy theo giá vàng do giá không ngừng tăng. Họ kỳ vọng giá sẽ còn lên nữa và thường sốt ruột trước hiệu ứng đám đông nên họ không có hứng thú với việc tích tiền để tái sản xuất nữa mà đi mua vàng”.

Ông cho biết thêm, vàng càng tăng giá người ta càng tin rằng vàng có thể đảm bảo an toàn cho tiền saving của họ. Yếu tố tâm lý này khiến người dân đổ xô đi mua vàng, tiếp tục đẩy lực cầu tăng lên, tạo nên một vòng luẩn quẩn khiến vàng khó giảm giá.

“Dòng tiền có thể dùng để tái đầu tư, sản xuất đã bị vàng thu hút sẽ làm cho nền kinh tế chậm bước tiến”, ông Trinh e ngại.

Trong khi đó, phân tích về yếu tố vĩ mô, TS. Nguyễn Hồng Minh – Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cho rằng, giá vàng tăng cao, hút nguồn tiền lớn, trong ngắn hạn sẽ làm giảm giá trị của các hàng hóa, dịch vụ, kênh đầu tư khác so với vàng. Các doanh nghiệp sản xuất, bất động sản…từ đó bị lu mờ, thậm chí thua lỗ.

Điều này có thế gây ra tác động khiến các doanh nghiệp hạn chế sản xuất. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến nguồn cung ít đi, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng lên.

Giá vàng tăng lên có thể khiến giá cả hàng hóa tăng lên để tương xứng. Từ đó khiến lạm phát tăng trong dài hạn và tác động đến nền kinh tế”, ông nói.

Do đó, theo ông Minh, cần nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn giá vàng đang tăng điên cuồng hiện nay, để giảm thiểu những tác động đến kinh tế.

Còn PGS.TS. Ngô Trí Long nhận định, hệ lụy lớn nhất của hiện tượng giá vàng tăng cao và chênh lệch lớn với giá thế giới là tình trạng buôn lậu vàng gia tăng. Vàng buôn lậu được “tuồn” vào cửa hàng vàng nhỏ lẻ, người dân có thể mua phải vàng kém chất lượng. Điều này gây thất thu thuế, “chảy máu” ngoại tệ. Giá vàng tăng cao cũng tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô.

Nhiều phân tích chỉ ra rằng cơ chế quản lý thị trường vàng trong nước còn bất cập, thể hiện sự lỗi thời của Nghị định 24. Chính phủ, Thủ tướng đã ra nhiều công điện yêu cầu bình ổn thị trường vàng; thực hiện nguyên tắc thị trường để quản lý, giảm bớt chênh lệch của giá vàng trong nước với giá vàng thế giới. Tuy vậy, đến nay, nút thắt này vẫn chưa được tháo bỏ.

“Quan trọng là phải cấp bách thay thế Nghị định 24. Việc cân nhắc sửa Nghị định này đã được đưa ra các hội thảo, hội nghị một vài năm nay rồi mà chưa vẫn chưa sửa được”, ông Long nói.

Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng, giá vàng tăng một cách vô lý ngoài yếu tố tâm lý của người dân chính là do sự độc quyền trên thị trường.

“Thế độc quyền này từ lâu đã được cảnh báo nên dẹp bỏ nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa đưa ra được quyết định cuối cùng. Thị trường vàng sẽ ổn định khi có chính sách ổn định, cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ hơn. Từ đó, giảm hiện tượng đầu cơ, găm giữ và đẩy giá tăng phi lý, tạo sự minh bạch, phát triển bền vững. Do đó các cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay“, một chuyên gia nêu ý kiến.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....