39 C
Hanoi
27/04/2024
Image default
Kinh nghiệm Tin mới nhất Vàng

Cơn sốt vàng và câu chuyện điều hành quản lý thị tường vàng

Trong thời gian gần đây, giá vàng liên tục leo cao và không ngừng thiết lập các vùng giá kỷ lục mới. Tại nhiều cửa hàng của các thương hiệu lớn luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Theo chuyên gia, khi Ngân hàng Nhà nước chưa có biện pháp can thiệp thị trường thì giá vàng SJC còn tăng và có mức chênh lệch cao so với giá thế giới.

Trong phiên 7/3, giá vàng miếng đã đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại ở mức 79,8 triệu đồng/lượng chiều mua và 81,8 triệu đồng/lượng chiều bán. Trong khi đó, vàng nhẫn khoảng 2 tuần nay gần như mỗi phiên lại tăng lên một mức kỷ lục mới và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Cập nhật lúc 15h, ngày 8/3, vàng nhẫn đã đạt mức giá 68,03 triệu đồng mua vào và 69,23 triệu đồng/lượng bán ra.

Trên các phố vàng ở Hà Nội như Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng), Cầu Giấy…, nhiều cửa hàng vàng tấp nập khách mua bán. Thậm chí có cửa hàng thông báo khách mua vàng nhẫn với số lượng trên 4 lượng, sau gần 1 tháng mới lấy được vàng.

Nhìn lại quá khứ, cơn sóng vàng diễn ra cách đây hơn 10 năm trước khi có Nghị định 24 về việc Ngân hàng Nhà nước độc quyền vàng miếng SJC và nhập khẩu vàng. Giá vàng tăng liên tục và người dân lao vào “đu đỉnh” mua vào bất chấp cảnh báo. Thực tế, không ít người khóc ròng khi giá vàng sau đó lao dốc. Thị trường vàng đang lập lại tương tự khi từ đầu năm đến nay, cả giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều liên tục lập đỉnh kéo theo các loại vàng khác như trang sức.. tăng theo.

Theo chuyên gia, giá vàng trong nước đang nhận được cú hích từ căng thẳng địa chính trị trên thế giới, xu hướng mua vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương, và nhu cầu tiêu thụ của người dân.

Yếu tố trong nước, việc Ngân hàng Nhà nước có chính sách nới lỏng lãi suất sớm so với các ngân hàng trung ương toàn cầu (qua 4 lần hạ lãi suất từ tháng 4/2023), đã có sóng dịch chuyển vốn đầu tư lớn, dòng tiền dịch chuyển phân bổ vào những kênh tài sản có giá trị tăng, trong đó có vàng.

“Lãi suất ngân hàng xuống thấp, chứng khoán hay bất động sản chưa hồi phục hoàn toàn. Vàng được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, sinh lời tốt ở thời điểm hiện tại”, theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa.

Cùng quan điểm, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính nhận định: “Khi kinh tế biến động, tâm lý của người dân luôn muốn tích trữ vàng. Giá vàng càng tăng càng kích thích tâm lý của người dân mua vàng. Đặc điểm khác của kênh đầu tư vàng, đó là thu hút được số đông người mua, điển hình là người dân lao động. Đây là nhóm khó tiếp cận với đầu tư chứng khoán và cũng chưa đủ tiền để mua bất động sản. Họ chỉ còn có 2 con đường: mua vàng và gửi tiết kiệm. Mà gửi tiết kiệm mang lại lãi suất thấp. Thế nên, người dân lại quay ra tích cóp mua vàng, càng đẩy giá vàng lên cao”.

Tìm kiếm giải pháp điều hành thị trường vàng

Theo đánh giá của ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Việt Nam chưa cho phép được nhập khẩu vàng cũng là yếu tố khiến cho giá vàng tăng vọt. Vì vậy, khi Ngân hàng Nhà nước chưa có biện pháp can thiệp thị trường thì giá vàng SJC còn tăng và có mức chênh lệch cao so với giá thế giới.

Ông Shaokai Fan là Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới, cũng cho rằng chính sách hạn chế nhập khẩu vàng là nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước chênh lệch lớn với giá vàng thế giới.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho rằng nếu hai vấn đề thương hiệu quốc gia của vàng SJC và đơn vị nhập khẩu vàng đều có sự thay đổi khi sửa Nghị định 24 sẽ tạo sự ổn định hơn cho thị trường vàng. Còn nếu chỉ một trong hai yếu tố đó thay đổi, thị trường vàng chưa có nhiều thay đổi. Từ nay đến lúc Nghị định 24 được sửa đổi, giá vàng còn biến động.

Theo ông Shaokai Fan, nhiều quốc gia quản lý thị trường vàng rất tốt bằng cách biến vàng là sản phẩm tài chính chứ không phải chỉ trao đổi vàng vật chất. Việt Nam cũng có thể học hỏi mô hình quản lý thị trường vàng của một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… Đây là các nước chủ yếu nhập khẩu vàng (không sản xuất vàng) song vẫn đáp ứng tốt nhu cầu vàng nội địa.

Trong lúc chờ Nghị định 24 sửa đổi có hiệu lực, các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý không thể “khoanh tay đứng nhìn” giá vàng liên tục biến động, mà cần có động thái để ổn định giá vàng.

Theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước phải tăng nguồn cung bằng cách cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng, hoặc Ngân hàng Nhà nước nhập khẩu vàng để sản xuất thêm lượng vàng SJC, từ đó giá có thể giảm xuống. Bên cạnh đó, để không mất lượng ngoại hối, cơ quan quản lý có thể thu mua vàng thông qua các đơn vị kinh doanh vàng ở trong nước, sẽ hạn chế việc nhập khẩu vàng và đáp ứng được nguồn cung.

Đưa ra những nhận định về việc sửa đổi Nghị định 24 của cơ quan quản lý, một số ý kiến cho rằng các sửa đổi sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở không làm gián đoạn thị trường vàng. Đồng thời, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp hy vọng thị trường vàng tới đây sẽ được tự do hóa hơn, bởi Ngân hàng Nhà nước sẽ tham khảo ý kiến các chuyên gia, hiệp hội, bộ ngành trong thời gian qua.

Khuyến nghị từ chuyên gia

Theo một số chuyên gia, người dân đi mua vàng tích lũy trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, thị trường bất động sản trầm lắng, thị trường chứng khoán bấp bênh, là dễ hiểu. Tuy nhiên, không nên mua theo tâm lý đám đông bởi sẽ khiến giá vàng tăng cao hơn, càng không nên mua khi giá đang biến động mạnh và có mức chênh lệch lớn với thế giới bởi có thể gặp rủi ro.

Chuyên gia độc lập về vàng Trần Duy Phương khuyên nhà đầu tư thời điểm này không nên mua vào. Đối với những người mua trước đây nên xem xét bán chốt lời. “Vàng cũng giống như các thị trường tài chính khác, sẽ có lên và có xuống. Thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới đang rất cao, đẩy giá vàng trong nước tăng cao theo. Vì vậy, nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội này để chốt lời”, ông Phương nói.

Theo ông Phương, giá vàng đang ở đỉnh, nếu mua vào thời gian này rất dễ rủi ro, tỷ lệ sinh lời không cao như thời điểm trước đó. Tuy nhiên, xu hướng của vàng thế giới trong năm 2024 sẽ còn tiếp tục tăng thêm 100-200 USD/ounce nên nếu muốn mua thì chờ đến tháng 4-5, khi giá vàng được điều chỉnh lại sẽ có giá tốt. “Vàng nhẫn thường theo sát thị trường, chênh lệch với vàng thế giới chỉ 3-4 triệu đồng/lượng nên rủi ro cho các nhà đầu tư không nhiều”, ông Phương nhận xét.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....