Trong khi dòng vốn đổ vào các ETF vàng đang đẩy giá vàng lên cao kỷ lục, người dân Ấn Độ và Trung Quốc lại đua nhau bán kim loại quý này.
Đến Warren Buffett cũng tham gia cơn ‘sốt’ vàng
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett lâu nay vẫn chế giễu những người đầu tư vào vàng. Ông gọi đó là thứ kim loại vô dụng và khiến người ta sống trong sợ hãi lâu hơn. Tuy nhiên, trong năm 2020, tỷ phú 90 tuổi này cùng với các nhà đầu tư khác, như quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates, lại tham gia vào cơn “sốt” mua vàng, khiến giá vàng lên cao kỷ lục trong mùa hè qua.
Trong quý II, công ty Berkshire Hathaway của ông Buffett mua số cổ phần trị giá 565 triệu USD tại Barrick Gold, công ty khai thác vàng lớn thứ 2 thế giới sở hữu các mỏ ở châu Phi, châu Mỹ Latin và Mỹ. Cổ phiếu của Barrick Gold tăng 37% kể từ đầu tháng 4. Cũng trong thời gian này, quỹ Bridgewater quyết định rót 316 triệu USD vào các quỹ ETF vàng (quỹ cho phép nhà đầu tư mua vàng vật chất giống như một cổ phiếu), theo thông tin được công khai trên sở giao dịch chứng khoán.
Hứng thú mua vào của giới đầu tư phương Tây kích thích đà tăng mạnh của giá vàng, từ mức thấp chỉ 1.160 USD/ounce vào mùa hè năm 2018 lên cao kỷ lục vào 2.073 USD/ounce vào tháng 8. Vàng theo đó trở thành tài sản tài chính tăng giá mạnh nhất thế giới. Nỗi lo ngại ngày càng lớn về tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế cũng như diễn biến lợi suất trái phiếu về âm đã kích thích dòng vốn hơn 60 tỷ USD đổ vào các ETF vàng trong năm nay, tương đương mức tăng 50% so với năm 2009.
Đại dịch Covid-19 khiến các nhà đầu tư tin vàng có thể bảo vệ danh mục đầu tư của họ khỏi sự biến động thất thường của thị trường chứng khoán, xu hướng lãi suất bắt đáy và tăng trưởng kinh tế giảm tốc. Một số nhà đầu tư lớn dùng kim loại quý này trở thành công cụ bảo vệ họ khỏi nguy cơ giảm phát trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm chạp và lạm phát gia tăng do chính phủ liên tục bơm tiền, theo David Tait, Giám đốc Hội đồng Vàng Thế giới.
Kết quả, giá vàng tăng 22% tính tới đầu tháng 8 sau khi giảm mạnh hồi tháng 3 cùng sự sụp đổ của thị trường chứng khoán toàn cầu.
Trung Quốc, Ấn Độ bán nhưng phương Tây khát vàng
Tuy nhiên, tại hai quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, là Ấn Độ và Trung Quốc, nhu cầu đang rất thấp. Người dân bán vàng, thậm chí thế chấp vàng để vay tiền trong bối cảnh giá (tính theo nội tệ) lên cao kỷ lục. Tại Trung Quốc, vàng đang được rao bán thấp hơn 53 USD/ounce so với thị trường thế giới do nhu cầu trong nước yếu ớt và chính phủ hạn chế xuất khẩu vàng.
Đối với giới đầu tư tổ chức, nhu cầu tiêu thụ vàng là tín hiệu chính để đánh giá xu hướng giá của kim loại quý này. Vì vậy, nếu nhu cầu mua vào tại thị trường phương tây giảm, nó sẽ tạo ra một sự khác biệt có thể làm gián đoạn đà tăng hiện tại của giá vàng. Khi đó, tình hình sẽ giống như thời điểm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, với giá vàng lao dốc từ 1.920 USD/ounce vào tháng 9/2011 xuống gần 1.200 USD/ounce vào năm 2013.
Các ETF vàng hiện chiếm 35% nhu cầu vàng toàn cầu, cao hơn rất nhiều so với mức chỉ 8% vào 10 năm trước. Tuy nhiên, dòng vốn đổ vào kênh đầu tư này bắt đầu chậm lại. Tháng 9, ETF vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Shares, ghi nhận dòng vốn tháo chạy đầu tiên trong 8 tháng gần nhất.
Đà tăng của giá vàng đột ngột dừng lại sẽ khiến một số nhà đầu tư lớn nhất thế giới bị tổn hại, đồng thời loại bỏ một trong số ít điểm sáng trên thị trường chứng khoán toàn cầu không tính cổ phiếu của các hãng công nghệ lớn. Điều này cũng sẽ khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ thua lỗ trong khi vẫn phải đối mặt với tình trạng không chắc chắn về việc làm do đại dịch Covid-19 bùng phát và lãi suất tiết kiệm liên tục giảm.
Giá vàng giảm 9% kể từ đỉnh ghi nhận được hồi tháng 8, trong khi cổ phiếu của các hãng khai thác vàng giảm 13% trong cùng kỳ.
Một rủi ro hiện nay là người mua vàng ở châu Á sẽ đưa ra một mức giá thấp hơn so với thị trường vì nhu cầu tại các quốc gia tiêu thụ lớn quá yếu ớt. Điều này sẽ khiến niềm tin của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, vốn là những người đã mua ETF vàng, sụp đổ, theo ông Adrian Ash, trưởng phòng nghiên cứu tại sàn giao dịch vàng trực tuyến BullionVault.
Popley Eternal, cửa hàng trang sức siêu lớn đã tồn tại gần 100 năm ở một khu phố sầm uất tại Mumbai, trung tâm tài chính của Ấn Độ, thường đón một lượng lớn khách hàng tới mua dây chuyền và bông tai vàng trước mùa đám cưới và lễ hội. Các mặt hàng được bán tại đây hiện có giá thấp nhất khoảng 50.000 rupee (680 USD).
Kể từ khi mở cửa trở lại vào hồi tháng 6, giá cả tại Popley Eternal vẫn chưa thể phục hồi về mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Lệnh phong tỏa kéo dài 3 tháng của chính phủ Ấn Độ khiến gần như tất cả hoạt động kinh tế bị ngưng trệ. Suraj Popley, chủ của chuỗi cửa hàng trang sức này, cho biết công ty phải cắt giảm 1/4 lượng nhân sự xuống còn 20 người, đồng thời doanh số bán hàng thấp tới nỗi bất kỳ món hàng nào được bán đều được xem là một món tiền thưởng.
Lợi dụng thời điểm giá vàng thế giới đang lên cao, những người dân Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế chọn cách bán đồ trang sức của gia đình hoặc thế chấp vàng để lấy tiền. “Mọi người đang đua nhau bán vàng và rất ít người tới để mua”, ông Popley nói.
Ấn Độ và Trung Quốc chiếm hơn một nửa doanh số bán vàng toàn cầu. Tuy nhiên, Hội đồng Vàng Thế giới cho biết nhu cầu đã giảm 56% tại Ấn Độ và hơn 50% tại Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay.
Tại Ấn Độ, vàng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong gia đình cũng như các dịp lễ hội và tôn giáo. Theo UBS, các hộ gia đình và đền chùa tại Ấn Độ nắm giữ tổng 25.000 tấn vàng, nên nước này sở hữu lượng vàng lớn nhất thế giới. Về phương diện đầu tư, nhiều người Ấn Độ lâu nay cũng thích tích trữ vàng vật chất hơn là mua ETF vàng hoặc các kênh đầu tư khác.
Tuy nhiên, nhu cầu trang sức có xu hướng giảm mạnh. Nguyên nhân là lệnh phong tỏa buộc các cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa và đại dịch gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, y tế. Ấn Độ hiện ghi nhận hơn 5,8 triệu trường hợp nhiễm Covid-19 với hơn 92.000 người tử vong.
Các đám cưới bị yêu cầu phải hoãn lại khi Ấn Độ ghi nhận hơn 80.000 ca nhiễm mới trong một ngày. Trong khi đó, việc GDP quý II giảm 24% cũng làm giảm hứng thú chi tiêu phô trương.
Theo ông Shekhar Bhandari, trưởng phòng nghiên cứu kim loại quý tại Kotak Mahindra Bank, nhu cầu tiêu thụ vàng sẽ tăng trở lại khi giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 qua đi. Ông cho rằng các đám cưới có thể bị hoãn lại nhưng số lượng các đôi kết hôn trong dài hạn sẽ không giảm xuống.
Đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu vàng vật chất tại quốc gia 1,4 tỷ dân này giảm trong dài hạn, chưa kể người dân ngày càng hiểu biết hơn về tài chính và được tiếp cận nhiều hơn với những sản phẩm như quỹ tương hỗ. Điều này đã thúc đẩy nhiều người đa dạng hóa tài sản thay vì tập trung vào vàng.
Kết quả, nhu cầu tiêu thụ vàng giảm từ mức trung bình 900 tấn mỗi năm trong giai đoạn 2010 – 2015 xuống chưa tới 700 tấn trong năm 2019, theo UBS. Một số kế hoạch của chính phủ Ấn Độ trong vài năm gần đây nhằm kích thích nhu cầu đầu tư vào các tài sản tài chính hiệu quả hơn, như trái phiếu được đảm bảo bằng vàng, đều không thể ngăn chặn được đà giảm đó.
Tương tự với Trung Quốc. Doanh số bán trang sức cũng giảm xuống vì các biện pháp hạn chế để ngăn chặn đại dịch Covid-19 và tâm lý ngại mua vàng trong thời kỳ giá lên cao. Nhu cầu tiêu thụ vàng trong nửa đầu năm nay tại Trung Quốc ở mức thấp nhất kể từ năm 2007, đạt 152,2 tấn, Hội đồng Vàng Thế giới cho biết.
Sự gián đoạn về kinh tế và xã hội mà đại dịch Covid-19 mang tới có thể khiến nhu cầu vàng vật chất tại Ấn Độ và Trung Quốc giảm nhanh hơn. Cơ sở đánh giá quan trọng của các nhà đầu tư trên khắp thế giới với thị trường vào theo đó cũng bị ảnh hưởng.
Ngược lại, vàng thỏi năm nay lại được vận chuyển từ châu Á tới các hầm chứa ở Mỹ và London thông qua các nhà máy tinh luyện ở Thụy Sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư vào ETF vàng đang gia tăng. Tuy nhiên, nếu nhu cầu của người dân phương Tây chậm lại, điều này sẽ ảnh hưởng tới thị trường vàng, tạo áp lực giảm lên giá, ông Jeremy East, cựu nhân viên ngân hàng Standard Chartered, nhận định.
“Năm nay, Trung Quốc không có nhu cầu về vàng, còn Ấn Độ lại rất ít. Điều này có nghĩa là những nhà đầu tư vào ETF vàng ở phương Tây cần phải liên tục mua nếu Trung Quốc và Ấn Độ vẫn không mua vào cuối năm nay. Và, thị trường cũng cần phải có nhiều tiền hơn nữa để tiếp tục tiêu thụ vàng”, ông East nói.
Thu hẹp khoảng cách trong nhu cầu vàng
Các công ty công nghệ tại Ấn Độ đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu vàng vật chất và nhu cầu đầu tư bằng cách cung cấp các ứng dụng “vàng kỹ thuật số”. Một loạt dịch vụ cho phép người tiêu dùng mua và tích trữ vàng ảo trước khi nhận tận tay đồng và thỏi vàng.
Amazon từng ra mắt một sản phẩm vàng kỹ thuật số hồi tháng 8, giống như những sản phẩm mới ra mắt trong những năm gần đây do PhonePe hay Paytm phát triển. Varun Sridhar, CEO của Paytm Money, cho biết những sản phẩm này sẽ giúp kích thích nhu cầu vàng vật chất tại Ấn Độ trong bối cảnh hứng thú với những kênh đầu tư ảo thuần túy như ETF vẫn hạn chế. Paytm cho phép khách hàng bắt đầu mua vàng với một số tiền rất ít, chỉ từ một rupee.
“Vàng chứa đựng rất nhiều tình cảm cũng như mang lại cảm xúc cho mọi người. Một quỹ tương hộ sẽ không thể mang lại cho bạn sự thỏa mãn như khi đeo trang sức vàng tại một bữa tiệc. Tôi tin rằng trong vài thập kỷ tới, vàng sẽ tiếp tục đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của người dân Ấn Độ”, Sridhar chia sẻ.
Nhu cầu mua vàng kỹ thuật số, dù đang trên xu hướng tăng, nhưng vẫn còn khiêm tốn. Theo Paytm, những khách hàng coi việc mua vàng là một cách tiết kiệm nghiêm túc thường chỉ nắm giữ một lượng vàng kỹ thuật số có giá trị trong khoảng 3.120 – 5.200 rupee.
Quay lại với chủ của chuỗi cửa hàng trang sức Popley Eternal, ông Popley dự đoán nhu cầu vàng sẽ thay đổi theo thế hệ. Những khách hàng trẻ hơn có xu hướng chọn kim cương thay vì vàng. Vì vậy, ông Popley đang chuẩn bị cho thời kỳ nhu cầu tiếp tục chạm đáy trong năm tới. Mọi người không còn hứng thú mua nhiều trang sức trong thời điểm hiện tại. Họ chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra trong 3 – 4 tháng tới.
Tại Trung Quốc, người tiêu dùng cũng dùng cách mới để mua vàng, đó là thông qua các ETF vàng. Tháng 8, có 2 ETF vàng mới được thành lập nước này. Tuy nhiên, thị trường ETF vàng của Trung Quốc chỉ bằng 3% quy mô của Mỹ, với tổng tài sản trị giá 4 tỷ USD.
Người dân Trung Quốc thích mua vàng thỏi để trữ tại gia hơn là đầu tư qua ETF, theo bà Xiao Fu, chuyên gia phân tích tại Bank of China International.
“Nguười dân Trung Quốc vẫn ưu tiên các kênh đầu tư truyền thống hơn, đó là mua trang sức vàng, vàng thỏi hay đồng tiền vàng. Nêu dự đoán không thể kiếm được nhiều tiền từ vàng, giới trẻ sẽ đầu tư vào chứng khoán và Bitcoin”.
Trong khi đó, ông Tait của Hội đồng Vàng Thế giới tin rằng các sản phẩm tài chính mới được đảm bảo bằng vàng tại Ấn Độ và Trung Quốc sẽ phát triển theo cấp số nhân trong vài năm tới và bắt kịp với thị trường phương Tây. Điều này sẽ tạo ra mối liên kết chặt chẽ hơn giữa thị trường vàng châu Á với châu Âu và Mỹ.
“Các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân ở phương Đông và phương Tây đều sẽ giao dịch trực tuyến trong vài năm tới”, ông Tait dự đoán.
Hiện tại, giới đầu tư vàng đang đánh giá tác động của làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 tại châu Âu đối với nền kinh tế toàn cầu. Thay vì vàng, nhiều nhà đầu tư bắt đầu đổ xô rót vốn vào đồng USD vì cho rằng đây là kênh đầu tư tương đối an toàn.
Trong khi đó, người mua vàng đang có dấu hiệu chán nản, theo ông David Govett, một nhà kinh doanh kim loại quý lâu năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh bầu cử Mỹ sắp tới và đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu kết thúc, việc chuyển sang đầu tư vàng như tỷ phú Warren Buffett có lẽ không phải là một quyết định tồi.
“Số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu vẫn tiếp tục tăng, các chính phủ bắt đầu lo ngại trở lại, các nền kinh tế phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa lần thứ 2. Tựu chung lại, thị trường vàng sẽ đón một cơn bão đầu tư mới. Bởi hiện nay có quá nhiều yếu tố không chắc chắn trên thế giới, tới nỗi người ta khó có thể đặt cược giá vàng giảm”, ông Govett nói.
Theo Cafef