23 C
Hanoi
21/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Tin mới nhất Vàng

Chuyên gia: Không nên bình ổn vàng bằng mọi giá

(GVNET) – Trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã và đang nỗ lực bình ổn thị trường vàng, nhưng theo chuyên gia kinh tế, thị trường vẫn tồn tại nhiều bất ổn.

Về thị trường vàng, theo chuyên gia kinh tế – PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực bình ổn nhưng vẫn tồn tại nhiều bất ổn.

Thứ nhất, trên thị trường hiện nay tồn tại hai loại giá vàng là giá của nhà nước và giá “chợ đen”. Trong đó giá vàng “chợ đen” luôn cao hơn giá vàng ở Công ty SJC và ngân hàng quốc doanh, có thời điểm chênh nhau tới 3-4 triệu đồng/lượng.

Từ cuối năm 2023 đến nay, thị trường vàng trong nước xáo trộn, giá vàng miếng SJC từng đạt mức 92,4 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong lịch sử. Giá vàng trong nước tăng cao do giá vàng thế giới tăng mạnh và mất cân đối cung – cầu, nguồn cung hạn chế đẩy giá vàng lên cao.

Trước vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu và sau đó tiếp tục chuyển sang bán vàng qua 4 ngân hàng có vốn Nhà nước và SJC theo giá Nhà nước quyết định. Điều này dẫn đến tình trạng hai giá vàng.

Tình trạng hai giá vàng cho thấy sự bất ổn của thị trường vàng và khi giá vàng trong nước quá xa so với giá vàng thế giới sẽ dẫn đến hệ luỵ buôn lậu vàng gây thất thoát ngoại tệ, trốn thuế…”, ông Long nói.

Thứ hai là chúng ta muốn bình ổn giá vàng bằng mọi giá sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và lạm phát, “chúng ta muốn bình ổn giá vàng bằng mọi giá nhưng điều này sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và lạm phát. Đây là bất ổn thứ hai của thị trường vàng. Tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên xem xét phương án khác hiệu quả hơn”, PGS TS. Ngô Trí Long nói.

Việc nhập khẩu vàng thế giới để bình ổn giá vàng trong nước, theo tính toán của Hội đồng vàng thế giới một năm sẽ khoảng 30-40 tấn vàng, tương đương 3,5-4 tỷ USD, ông Long đặt vấn đề về liệu chúng ta có đủ tiềm lực để duy trì nhập khẩu lâu dài với mục đích đáp được nhu cầu vàng trong thời gian dài. Bên cạnh đó, nếu chỉ tập trung đáp ứng cho nhu cầu của người mua sẽ tác động đến lạm phát bởi người dân mua vàng để tiết kiệm chứ không đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Trong điều kiện của chúng ta, nếu tiếp tục tung vàng ra để bán bước đầu có thể là bình ổn theo mục tiêu của Chính phủ nhưng dễ tồn tại nguy cơ dẫn đến vàng hóa thị trường”, PGS.TS Long nói.

Thứ ba, giải pháp trên của Ngân hàng Nhà nước chưa giải quyết được nhu cầu mua vàng thực chất của người dân. Nhiều người dân muốn mua nhưng không thể mua vàng. Nếu áp dụng biện pháp này để bình ổn thị trường bằng mọi giá sẽ ảnh hưởng tỷ giá và lạm phát.

Chuyên gia kinh tế – PGS.TS. Ngô Trí Long

Để góp phần giải quyết bất cập của thị trường vàng, ông Long cho rằng phải xác định nguyên nhân khiến giá vàng trong nước cách xa giá thế giới.

Trong đó có một số nguyên nhân chính như do quan hệ cung cầu, cung không đáp ứng đủ cầu khiến giá tăng, cơ chế quản lý, hay thiếu một thị trường giao dịch tập trung hay nói cách khác là không có sàn giao dịch. Việc giao dịch phân tán nhỏ lẻ dẫn đến thị trường thiếu minh bạch và nảy sinh nhiều vấn đề.

Ngoài ra, khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản trầm lắng, lãi suất thấp nên dòng tiền đổ vào kênh đầu tư vàng do tỷ suất sinh lời và thanh khoản cao.

Nêu kiến nghị, giải pháp cấp bách, tình thế trong ngắn hạn, ông Long kiến nghị cơ quan chức năng nên nhập khẩu vàng chính ngạch để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung. Ngân hàng Nhà nước chỉ nhập khẩu một lượng vàng đủ để ổn định thị trường khi cán cân thanh toán thặng dư tương đối tốt và áp lực tỷ giá được giảm bớt.

Theo chuyên gia, giải pháp bình ổn hiện nay chưa giải quyết thỏa đáng nhu cầu vàng của người dân về số lượng. Người dân mua số lượng nhiều cũng không dễ dàng do các đơn vị bình ổn vàng bán với số lượng hạn chế.

Ông cho biết, theo kinh nghiệm của một số nước như Mỹ và châu Âu ở thời điểm giá vàng căng thẳng, người dân không được giữ vàng vật chất, chỉ được giữ chứng chỉ vàng và gửi vàng ở ngân hàng trung ương. Ngân hàng có thể trả lãi suất cho người gửi vàng, chuyên gia cho hay.

Theo PGS.TS Long, để giá vàng trong nước được bình ổn, Chính phủ cần sửa đổi Nghị định số 24/2024/NĐ-CP để loại bỏ những bất cập hiện nay. Nghị định sửa đổi cần đề cập toàn diện hơn đến các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên quan đến vàng chứ không chỉ đơn thuần là quản lý vàng miếng và vàng trang sức.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần trả lại sản xuất kinh doanh vàng miếng cho các đơn vị. Ngân hàng thương mại không đóng vai trò đầu mối kinh doanh vàng miếng mà chỉ nên triển khai sản phẩm phái sinh.

Cuối cùng là phải chống vàng hóa bằng cách chuyển hướng giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh) trên một trung tâm giao dịch tập trung. Điều này sẽ hạn chế chi phí nhập vàng vật chất về bán cho dân.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....