Thị trường chứng khoán châu Âu chịu áp lực từ đà giảm của chứng khoán Mỹ và châu Á khi lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ tăng.
Các chỉ số chuẩn chứng khoán châu Âu đều trong sắc đỏ. Cụ thể, chỉ số DAX của Đức sụt 0,75% về 14714,61 điểm sau khi chạm mức kỉ lục phiên hôm qua, chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,55% còn 6019,38 điểm. Trong khi chỉ số FTSE của Anh mất 0,56%, giao dịch tại 6741,62 điểm.
Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán khu vực lùi 0,42% về 424,79 điểm.
Nhóm cổ phiếu giảm điểm chính là nhóm năng lượng với đà giảm sâu của giá dầu. Nhóm cổ phiếu công nghệ cũng bị ảnh hưởng.
Chứng khoán Anh giảm điểm dù Ngân hàng trung ương nước này giữ nguyên lãi suất thấp 0,1% sau cuộc họp tháng 3 và cam kết hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn bởi đại dịch.
Nhà đầu tư cổ phiếu tiếp tục lo ngại về việc lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ tăng quá mạnh, vượt mức 1,7% trong ngày hôm qua. Đà tăng của lợi suất đến sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ khá lạc quan về triển vọng kinh tế, với kì vọng GDP năm nay ở mức 6,5%.
Trong khi đó, tăng trưởng khu vực châu Âu có vẻ không được lạc quan khi dịch bệnh lại trở nên tồi tệ hơn. Đức, quốc gia lớn nhất EU về dân số, đã ghi nhận mức tăng số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày nhiều nhất kể từ ngày 22/1. Ngoài ra, Pháp cho biết họ sẽ đưa 8 khu vực, bao gồm cả khu vực Ile de France xung quanh Paris, trở lại trạng thái cách li xã hội trong một tháng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trước tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu đã ra phán quyết rằng vắc xin AstraZeneca coronavirus là an toàn và hiệu quả, bất chấp một số lo ngại về các tác dụng phụ có thể xảy ra.
Thông báo hôm thứ Năm được đưa ra sau khi hơn mười quốc gia EU ngừng sử dụng vắc xin AstraZeneca, được phát triển với Đại học Oxford, sau khoảng 30 trường hợp đông máu. Một số quốc gia khác đã ngừng sử dụng các lô vắc xin riêng lẻ.
Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và một số quốc gia châu Âu khác hiện có kế hoạch tiếp tục sử dụng vắc xin này sau khi cơ quan quản lý đồng ý.
Giavang.net