Ngày 9/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đến thủ đô Kiev của Ukraine trong chuyến đi thứ 3 của bà tới nước này kể từ khi xảy ra xung đột Ukraine – Nga hồi tháng 2/2022.
Theo phát ngôn viên của EC – Eric Mamer, chuyến công du Kiev của bà Von der Leyen được sắp xếp đúng vào “Ngày châu Âu”, ngày đánh dấu sự ra đời và hình thành của EU.
Chuyến thăm Ukraine của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhằm tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của EU đối với Kiev.
“Chủ tịch Ủy ban châu Âu sẽ có mặt ở Kiev và gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để tái khẳng định sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU) với nước này”, ông Mamer nói.
Ông cũng cho biết EC đã quyết định trao tặng cho Tổng thống Zelensky và người dân Ukraine Giải thưởng Charlemagne, giải thưởng được trao hằng năm cho những đóng góp vì sự thống nhất của EU.
Bà von der Leyen cho biết, đây là chuyến thăm Kiev thứ 3 của bà kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng nổ hồi cuối tháng 2/2022. Quan chức này tiết lộ, trong các cuộc gặp với ông Zelensky và Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal, bà sẽ thảo luận về cách thức đưa nền kinh tế và người dân của quốc gia Đông Âu tiệm cận EU hơn, trong bối cảnh Ukraine tiến đến việc gia nhập liên minh.
Kể từ khi chiến sự tại Ukraine bùng phát, bà von der Leyen đã 2 lần hội đàm với ông Zelensky tại Kiev. Trong chuyến thăm đầu tiên tới Ukraine vào ngày 8/4/2022, bà đi cùng Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Đại diện Cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại Josep Borell. Tới đầu tháng 6/2022, bà Von der Leyen tiếp tục tới Ukraine để thảo luận với Tổng thống Zelensky về việc Kiev gia nhập EU. Sau đó, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí cấp “quy chế ứng cử viên” gia nhập EU cho Ukraine và Moldova.
EU đề xuất gói trừng phạt mới nhằm vào Nga
Ngày 8/5, EU đã đề xuất gói trừng phạt mới nhằm vào Nga. Nếu được thông qua, đây sẽ là gói trừng phạt thứ 11 mà EU áp đặt đối với Moskva kể từ khi xảy ra xung đột Ukraine – Nga.
Trong đó, gói trừng phạt đề xuất đưa một số công ty công nghệ của Trung Quốc vào danh sách đen vì cung cấp thiết bị, kỹ thuật cho Nga.
Trung Quốc đã lập tức lên tiếng sẽ bảo vệ lợi ích của mình trong trường hợp EU quyết định áp đặt trừng phạt công ty công nghệ Trung Quốc.
EU đã triển khai 10 vòng trừng phạt Nga kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, bao gồm các hạn chế về tài chính, thương mại cũng như các biện pháp trừng phạt cá nhân. Trong đó có các biện pháp nhằm vào một số hoạt động xuất khẩu quan trọng của Nga như xuất khẩu dầu mỏ.
Các quan chức ngoại giao EU trước đó thừa nhận, hiện không còn nhiều lĩnh vực để tiếp tục đưa ra các vòng trừng phạt.
Giavang.net