Hiện thị trường đang theo dõi sát những phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powel tại Hội nghị thường niên của ngân hàng trung ương tại Jackson Hole, Wyoming vào thứ Sáu (23/8) tới để nắm bắt rõ hơn về quan điểm của Fed đối với việc cắt giảm lãi suất hiện nay.
Nhiều thách thức nằm ngoài khả năng
Theo các nhà quan sát, Chủ tịch Fed Jerome Powell không thiếu dẫn chứng để nói về những thách thức đối với chính sách tiền tệ hiện nay trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Jackson Hole. Đó là cú sốc đảo ngược toàn cầu hóa gây ra bởi chính sách thương mại của ông Trump; hay là việc lãi suất siêu thấp, bao gồm 16,7 nghìn tỷ USD trái phiếu có lợi suất âm; rồi còn sự chỉ trích liên tục của đương kim Tổng thống Mỹ nhắm vào Fed; hay nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ và trên toàn thế giới đang gia tăng.
“Có rất nhiều mối nguy hiểm ngoài kia”, Maury Obstfeld – cựu chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, hiện đang là thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson cho biết. Đáng lo ngại hơn là không ít trong số đó lại nằm ngoài khả năng của Fed. Chẳng hạn như cú sốc đảo ngược toàn cầu hóa. Bản thân Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng thừa nhận, các ngân hàng trung ương không có nhiều kinh nghiệm đối phó với căng thẳng thương mại trên toàn thế giới.
Obstfeld đã liên hệ tình hình hiện nay với những gì đã diễn ra năm 1971. Còn nhớ khi đó, Tổng thống Richard Nixon đã áp mức thuế phụ 10% lên tất cả hàng nhập khẩu để buộc các quốc gia khác phải nâng giá đồng tiền của họ. Nixon cũng gây áp lực với Fed phải nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ cho chiến dịch tái tranh cử của ông vào năm 1972. Những động thái này đã mở đường cho sự sụp đổ của hệ thống tiền tệ Bretton Woods sau đó. Còn bây giờ, “chúng ta đang chứng kiến sự phá vỡ cơ chế thương mại toàn cầu”, Obstfeld nói.
Một rủi ro nữa là nguy cơ suy thoái từ phần còn lại của thế giới có thể lan sang Mỹ thay vì diễn ra theo chiều ngược lại trong những thập kỷ gần đây. Trung Quốc đã báo cáo sản lượng công nghiệp tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2002, trong khi kinh tế Đức đã bị co lại khi xuất khẩu sụt giảm. Mặc dù nền kinh tế Mỹ tương đối độc lập khi mà kim ngạch xuất khẩu năm ngoái chỉ chiếm khoảng 12% GDP; nhưng thị trường tài chính Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn do hơn 40% doanh thu của các công ty Mỹ trong chỉ số S&P 500 đến từ nước ngoài. Đó là chưa kể nhiều nhà đầu tư lớn nhất trong thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ cư trú ở nước ngoài và họ đang rót tiền vào trái phiếu Kho bạc để tận dụng lợi suất vẫn đang ở mức dương.
“Câu hỏi hiện nay là rủi ro từ bên ngoài lớn thế nào và có thể ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Mỹ. Đó là trọng tâm trong các cuộc tranh luận chính sách hiện nay”, Lewis Alexander – nhà kinh tế học người Mỹ tại Nomura Securities International cho biết.
Tình thế lưỡng nan
Nathan Sheets – một cựu quan chức của Fed đã ví các dữ liệu kinh tế hiện nay như là dây đèn nhấp nháy trên một cây thông Noel đối với Chủ tịch Fed Powell. Một số đèn, chẳng hạn như lợi suất trái phiếu giảm mạnh, đang nhấp nháy ánh sáng đỏ suy thoái. Trong khi một số khác, chẳng hạn như doanh số bán lẻ mạnh mẽ, lại đang nhấp nháy màu xanh lá cây hoặc tệ nhất cũng là màu vàng cảnh báo.
Mohamed El-Erian – cố vấn kinh tế trưởng của Allianz SE cũng cho rằng, Fed đang ở vào tình thế lưỡng nan. Nếu cắt giảm lãi suất khi nền kinh tế trong nước vẫn đang hoạt động tốt, họ sẽ bị chỉ trích là không có lập trường, chỉ hành động theo áp lực của ông Trump và Phố Wall. Còn nếu giữ nguyên lãi suất, họ có thể khiến thị trường tài chính bị gián đoạn, từ đó gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Trên hết, các nhà đầu tư ngày càng nghi ngờ về khả năng của các ngân hàng trung ương trong việc thúc đẩy nền kinh tế của họ sau một thập kỷ tăng trưởng dưới mức tiềm năng mà trong đó các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đóng vai trò chủ đạo. “Những gì đang diễn ra với kinh tế toàn cầu vượt ra ngoài khả năng của Fed”, El-Erian – một chuyên gia của Bloomberg Opinion cho biết.
Trong bối cảnh đó các nhà quan sát hy vọng Chủ tịch Fed Powell sẽ không có động thái nào làm thay đổi kỳ vọng hiện tại của các nhà đầu tư là Fed sẽ giảm lãi suất thêm một phần tư điểm phần trăm nữa vào tháng tới. Vấn đề là liệu Powell có để ngỏ cánh cửa cho việc cắt giảm một nửa điểm phần trăm hay không?
Việc Fed có thể giảm tiếp lãi suất nửa điểm phần trăm trong tháng 9 tới “chắc chắn là một khả năng”, Bruce Kasman – chuyên gia kinh tế trưởng của JPMorgan Chase & Co. cho biết. Hiện ông đang đặt cược cơ hội Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới ở mức 40% đến 45%.
“Powell có khả năng tập trung vào sự phân kỳ trong chính sách tiền tệ giữa các quốc gia và những tác động đối với thị trường vốn. Tuy nhiên, bài phát biểu của ông sẽ được xem xét kỹ lưỡng để tìm kiếm manh mối về việc liệu các nhà hoạch định chính sách có đang xem xét lại quan điểm của mình là việc cắt giảm lãi suất chỉ là “điều chỉnh giữa kỳ” hay là sự khởi đầu của một chu kỳ nới lỏng”, Yelena Shulyatyeva và Eliza Winger – các nhà kinh tế của Bloomberg Economics cho biết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Hai (19/8) đã yêu cầu Fed phải cắt giảm lãi suất tới 1 điểm phần trăm và tái khởi động chương trình nới lỏng định lượng thời khủng hoảng. Cụ thể, trong hai lời tweet liên tiếp hôm đầu tuần với mục đích có được một chính sách tiền tệ dễ dàng hơn, ông Trump nói rằng Fed đã bị cản trở bởi sự “thiếu tầm nhìn khủng khiếp” và nói rằng cơ quan này nên đưa ra mức giảm 100 điểm cơ bản đối với lãi suất chuẩn.
Theo Thời báo Ngân hàng