Những ngày gần đây, các tổ chức, ngân hàng trên thế giới liên tục thay đổi dự báo giá vàng với xu hướng tăng vọt. Mức cao nhất mới được đưa ra lên tới 2.500 USD/ounce, tương đương với 71 triệu đồng/lượng.
Dự báo mức tăng gần 50%
Ngân hàng đầu tư TD Securities vừa đưa ra dự báo giá vàng sẽ tăng lên 1.800 USD/ounce vào thời gian không xa và đạt 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay (tương đương 57 triệu đồng/lượng quy đổi theo giá USD Vietcombank ngày 27.3).
Thị trường trong nước chưa liên thông và chênh lệch giá mua – giá bán quá cao nên giá vàng trong nước biến động rất khó chịu. Khoảng cách giữa giá mua bán vàng tăng cao cũng đang diễn ra trên thị trường quốc tế khi thanh khoản vàng vật chất gặp trục trặc do các nhà máy vàng tạm ngưng hoạt động chống dịch Covid-19, việc vận chuyển vàng cũng khó khăn hơn. Đó là rủi ro lớn với các nhà đầu tư vàng.
Ông Huỳnh Trung Khánh
Trước đó, Ngân hàng ANZ đã đưa ra mức dự báo cụ thể vàng sẽ lập mức kỷ lục 2.000 USD/ounce vào trong quý 2. Những dự báo này được đưa ra khi giá vàng trên thị trường thế giới mới chỉ loanh quanh khoảng 42 triệu đồng/lượng khiến nhiều người khó hiểu. Thế nhưng, mới đây, Ngân hàng đầu tư B.Riley FBR còn gây sốc hơn khi đưa ra dự báo vàng sẽ cán mốc 2.500 USD/ounce (tương đương 71 triệu đồng/lượng) vào quý 3 tới và giao dịch quanh mức này đến quý 4.
So với giá vàng ngày hôm qua là 1.614 USD/ounce, ngưỡng dự báo cao hơn từ 380 – 880 USD/ounce, tương ứng 23 – 54%. Còn so giá vàng SJC hiện khoảng 48 triệu đồng/lượng, ngưỡng dự báo cao hơn từ 9 – 23 triệu đồng.
Tại thời điểm này, có khá nhiều thông tin hỗ trợ vàng tăng giá. Đơn cử, trong tuần này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra gói hỗ trợ nền kinh tế không giới hạn, cung cấp thanh khoản cho thị trường. Gần đây, Thượng viện Mỹ nhất trí phê duyệt dự luật kích thích trị giá 2.000 tỉ USD, một con số chưa từng có từ trước đến nay để kinh tế vượt qua cơn đại dịch Covid-19. Không những Mỹ mà chính phủ các nước cũng đang chi hàng nghìn tỉ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi dịch Covid-19.
Theo đánh giá của Công ty TD Securities, khi dịch bệnh qua đi, nền kinh tế toàn cầu trong tình trạng nới lỏng tiền tệ cũng như thâm hụt tài khoản tăng đột biến sẽ là yếu tố thúc đẩy vàng tăng. Tuy nhiên, vàng có thể lao dốc không phanh sau đó. Điều này đã từng xảy ra năm 2008 khi thế giới rơi vào khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ Mỹ. Vàng đã đánh bại tất cả các kỷ lục trước đó để lập đỉnh rồi lại khiến hàng loạt nhà đầu tư thụt két vì mất giá cũng nhanh không kém. Có nhiều điểm tương đồng ở thời điểm năm 2018 và hiện nay cho thấy, kịch bản cũ có thể lặp lại.
Nhận định “hên – xui”
Nhận xét về dự báo giá vàng nói trên, ông Huỳnh Trung Khánh, thuộc Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cho rằng: “Các tổ chức quốc tế nhận định tình hình không ổn, nên đưa ra các dự báo vàng cao, thậm chí có mốc chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, dự báo cũng chỉ là dự báo. Với tôi, vàng sắp tới lên trên mức kỷ lục 1.923 USD/ounce đạt được vào năm 2011 là đã cao lắm rồi”.
Ông Khánh phân tích ẩn số lớn nhất trên thị trường hiện nay là dịch Covid-19 sẽ kéo dài đến bao lâu, kết thúc vào quý 2 hay quý 3, có ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế, chứng khoán, bất động sản… Ẩn số này chưa giải mã thì rất khó có dự báo chính xác cho vàng. “Việc Mỹ chuẩn bị bơm 2.000 tỉ USD ra nền kinh tế cũng như các nước như Nhật, khối châu Âu… có những gói hỗ trợ riêng làm cho tiền giấy ồ ạt ra thị trường sẽ gia tăng lạm phát, đẩy giá vàng tăng. Thế nhưng cũng chính vì vậy mà các nước sẽ phải cân nhắc bơm tiền như thế nào để hỗ trợ kinh tế, không gây lạm phát cao”, ông Khánh nói.
Kịch bản giá vàng có thể lên đến 2.500 USD/ounce, theo TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), chỉ là nhận định kiểu “hên xui”, không có căn cứ xác đáng. Bởi trong 3 tháng đầu năm nay, vàng đã có đợt tăng giá mạnh lên 1.700 USD/ounce, nhưng cũng nhanh chóng sụt giảm xuống dưới 1.500 USD/ounce. Sự lo ngại lạm phát chưa thể xảy ra trong giai đoạn này do hoạt động sản xuất vẫn bị khủng hoảng, nhu cầu hàng hóa sụt giảm trầm trọng. Do đó, việc mua vàng để đầu tư khi lạm phát tăng cao không có cơ sở. Hơn nữa, nhiều tổ chức tài chính thế giới đều nhận định tài sản an toàn vẫn nằm chính ở nước Mỹ như USD và trái phiếu chính phủ Mỹ. Vì vậy, các nhà đầu tư vẫn có nhu cầu nắm giữ lớn tiền USD cũng như mua trái phiếu chính phủ Mỹ dù lợi suất thấp.
“Có nhiều tổ chức tài chính, nhiều ngân hàng thế giới thường xuyên đưa ra các kịch bản cho giá vàng, trong đó có cả tăng và thậm chí kịch bản giảm trở lại xuống 1.000 USD/ounce cũng có. Vì vậy khó để cho rằng kịch bản nào có xác suất cao mà chỉ mang tính hên xui”, TS Lê Đạt Chí nói.
Cùng quan điểm, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tư vấn đầu tư – giảng viên tài chính Trường Doanh nhân Bizlight, nhận xét dự báo giá vàng có thể đạt mức 2.500 USD/ounce trong năm nay là khó xảy ra. Tuy nhiên, xu hướng giá vàng tiếp tục đi lên trong cả năm 2020 là có. Hơn nữa, theo khảo sát của Hội đồng Vàng thế giới, đại đa số ngân hàng trung ương cho biết trong 5 năm tới, họ không có kế hoạch bán vàng.
“Với việc các định chế tài chính cùng các ngân hàng trung ương vẫn duy trì mua vàng và không hề có ý định bán ra thì vàng vẫn còn được hỗ trợ trong dài hạn. Theo tôi trong năm nay, mức cao nhất là giá vàng có thể vượt đỉnh cũ ở mức 1.923 USD/ounce và tiếp cận quanh mức 2.000 USD/ounce. Nhưng xác suất này cũng không quá cao”, ông Phan Dũng Khánh chia sẻ thêm.
Theo Thanh Niên