38 C
Hanoi
27/04/2024
Image default
Hàng hoá Kinh tế Kinh tế Việt Nam Tin mới nhất

Chính phủ thông qua đề xuất điều hành giá xăng dầu vào thứ Năm hàng tuần

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, Nghị định 80/2023/NĐ-CP rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày. Cụ thể, thay vì điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng, theo quy định mới thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Năm hàng tuần.

Trường hợp thời gian điều hành giá trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên Đán thì được thực hiện như sau: Nếu ngày thứ Năm trùng vào ngày cuối cùng của năm Âm lịch (29 hoặc 30 Tết Nguyên Đán), việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó. Nếu thứ Năm là ngày mùng 1, mùng 2 hoặc mùng 3 Tết, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày mùng 4 Tết.

Trường hợp thời gian điều hành giá trùng với ngày nghỉ lễ theo quy định thì được thực hiện như sau: Nếu ngày thứ Năm trùng với ngày đầu tiên dịp nghỉ lễ, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó. Nếu ngày thứ Năm trùng vào các ngày nghỉ lễ còn lại, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ.

Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

Ảnh minh họa

Thời gian rà soát, công bố các chi phí trong công thức tính giá cơ sở (gồm chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa từ các nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, premium để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước) được rút ngắn xuống còn 3 tháng. Việc này nhằm đảm bảo cập nhật kịp thời hơn giá và các loại chi phí, tạo động lực cho doanh nghiệp thu xếp nguồn xăng dầu cung ứng cho nội địa.

Cũng theo nghị định mới, các đại lý bán lẻ xăng dầu được mua tối đa từ 3 nguồn, để cạnh tranh về chiết khấu trên thị trường, tăng chủ động cho các đại lý trong nguồn nhập hàng, cung ứng.

Chính phủ cũng bỏ hình thức tổng đại lý bán lẻ trong hệ thống phân phối, để giảm bớt tầng trung gian.

Đối với quỹ bình ổn xăng dầu, nghị định vẫn giữ nguyên quy định về việc quỹ được nằm ở doanh nghiệp. Thương nhân đầu mối có trích lập, hạch toán và theo dõi quỹ, chịu trách nhiệm toàn diện về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo an toàn số dư quỹ.

Tuy nhiên, quy định mới buộc ngân hàng thực hiện phong tỏa tài khoản quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp. Tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.

Định kỳ 6 tháng, thương nhân đầu mối có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán chuyên đề về quỹ đến Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Định kỳ trước ngày 15 hằng tháng, thương nhân đầu mối sẽ lập và gửi báo cáo hai bộ về tình hình thực hiện quỹ.

Với thương nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tái phạm nhiều lần liên quan đến quỹ bình ổn, sẽ xem xét tạm dừng kinh doanh hoặc thu hồi giấy phép trong thời hạn 30 ngày hoặc 60 ngày tùy mức độ.

Tại nghị định mới ban hành, Bộ Công Thương cũng bỏ quy định về thời hạn áp dụng hóa đơn điện tử như dự thảo trước đó. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn về hóa đơn điện tử theo quy định phù hợp với Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn.

Đáng chú ý, theo thông tin từ Bộ Công Thương, bộ này sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng một nghị định mới thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu trình chính phủ trong thời gian tới.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....