Nhà Trắng đã phải thừa nhận việc đóng cửa một phần Chính phủ đang gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ nhiều hơn những dự kiến trước đó, trong khi các chuyên gia kinh tế đang ngày càng lo ngại đà tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục trên đà suy giảm nếu tổng thống Trump và đảng Dân chủ vẫn tiếp tục đối đầu nhau hết tuần này đến tuần khác.
Các ước tính được sửa đổi từ Hội đồng Cố vấn kinh tế Mỹ cho thấy việc đóng cửa Chính phủ, giờ đã bước sang tuần thứ tư, bắt đầu biểu hiện những hậu quả kinh tế thực sự, trong khi những phân tích và dự đoán khác từ bên ngoài Nhà Trắng cho thấy việc đóng cửa đã ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng và cuối cùng có thể đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ vào tình trạng suy thoái.
Ban đầu, chính quyền ông Trump chỉ tính đến ảnh hưởng của việc 800.000 công chức liên bang bị cắt lương. Nhưng sau đó, họ còn tính đến cả thiệt hại từ tình trạng các nhà thầu tư nhân mất việc, cũng như các khoản chi và chức năng khác của Chính phủ không được thực hiện.
Nếu kéo dài hết tháng này, đóng cửa Chính phủ sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm mất nửa điểm phần trăm, vị quan chức cho hay.
Đây được xem là một thách thức lớn nữa đối với kinh tế Mỹ, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có những dấu hiệu giảm tốc do hiệu ứng của cắt giảm thuế không còn, căng thẳng thương mại ở mức cao, và sự giảm tốc chung của nền kinh tế toàn cầu.
Ước tính thiệt hại của chính quyền ông Trump theo tiết lộ trên lớn hơn so với dự báo của một số chuyên gia ở Phố Wall. Các nhà phân tích ước tính cứ mỗi hai tuần đóng cửa của Chính phủ Mỹ, thì mức thiệt hại rơi vào khoảng 0,1 điểm phần trăm trong tốc độ tăng trưởng GDP. Mặc dù vậy, mức ước tính của các chuyên gia cũng đang tăng lên do tình trạng đóng cửa kéo dài.
Chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ mất 0,5 điểm phần trăm nếu tình trạng đóng cửa chính phủ kéo dài đến hết tháng 3. Dự báo này chỉ bằng 1/3 so với ước tính thiệt hại của chính quyền ông Trump theo tiết lộ của nguồn tin.
Ông Ian Shepherdson, chuyên gia kinh tế từ Pantheon Macroeconomics, dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong cả quý 1 nếu tình trạng đóng cửa còn kéo dài đến tận tháng 3 năm nay. “Nếu nền kinh tế đã bị đình trệ trong quý 1, điều gì sẽ xảy ra với nó trong quý 2,” ông Shepherdson cho biết, “Nếu nó tiếp diễn càng lâu, thì thời gian phục hồi cũng càng lâu. Nhân công của chính phủ liên bang có thể được trả lương trở lại một khi tình trang đóng cửa chấm dứt, nhưng các nhà thầu chính phủ thì không. Và nếu việc chi tiêu còn bị thắt chặt, thì nguy cơ về việc các doanh nghiệp tháo chạy và việc bảo hộ thất bại sẽ ngày càng cao.”
“Việc đóng cửa đe dọa sẽ làm chệch hướng việc mở rộng quy mô nền kinh tế Mỹ,” Ông Bernard Baumohl, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế toàn cầu của Economic Outlook Group, cho biết trong bài viết mới công bố của mình hôm thứ 3 vừa qua, “Tác động của nó lên các kế hoạch chi tiêu của lực lượng lao động trong Chính phủ liên bang đang đặc biệt gây lo ngại cho các thị trường xe hơi và nhà đất, những nơi đã bộc lộ dấu hiệu rắc rối từ trước khi Chính phủ đóng cửa.”
Một vấn đề hiện nay là các chuyên gia không thể thu thập được đầy đủ các dữ liệu kinh tế để xác định chính xác mức độ ảnh hưởng của việc Chính phủ Mỹ đóng cửa. Nguyên nhân là do nhiều thống kê kinh tế quan trọng sẽ bị tạm dừng vì các công chức làm nhiệm vụ đang nghỉ việc. Chẳng hạn, báo cáo về doanh thu bán lẻ tháng 12 – báo cáo bán lẻ quan trọng nhất trong năm do bao gồm dịp Giáng sinh – sẽ không được công bố vào ngày thứ Tư này.
Ngoài ra, báo cáo về GDP quý 4 của Mỹ cũng nhiều khả năng sẽ không được công bố đúng thời hạn 30/1.
Tuy nhiên, trước viễn cảnh mờ mịt phía trước, người lao động trong Chính phủ liên bang không còn lựa chọn nào khác người việc tìm những công việc thay thế trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Tổng hợp