(GVNET) – Đà tăng được nới rộng, vàng nhẫn có 2 kỷ lục mới trong một ngày. Giá vàng có thể đạt 100 triệu đồng/lượng trong năm 2025?
Phiên 5/3, vàng miếng chuẩn bị kết thúc một ngày giao dịch với diễn biến đi ngang hoặc tăng từ 200.000-600.000 đồng mỗi lượng tùy đơn vị, chênh lệch mua – bán dao động trong khoảng 1,8-2 triệu đồng.
Đạt 90,9 triệu đồng, giá mua vàng miếng đang đứng trên đỉnh cao nhất mọi thời đại. Giá bán ở mức 92,7 triệu đồng, thấp hơn 400.000 đồng so với mức đỉnh 93,1 triệu đồng xác lập hôm 11/2/2025.
Cập nhật giá mua – bán vàng miếng thời điểm 18h30 ngày 5/3:
SJC Hồ Chí Minh: 90,7 – 92,7 triệu đồng/lượng, đi ngang cả hai chiều mua – bán so với chốt phiên 4/3.
DOJI: 90,7 – 92,7 triệu đồng/lượng, giá mua và bán cùng tăng 600.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua.
Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý: 90,9 – 92,7 triệu đồng/lượng, mua vào tăng 200.000 đồng, bán ra đi ngang so với chốt phiên thứ Ba.

Vàng nhẫn đang giành được nhiều sự chú ý từ phía nhà đầu tư, giá liên tục phá kỷ lục và chỉ trong một ngày hôm nay đã xuất hiện 2 đỉnh mới.
Kết thúc phiên sáng, giá mua vàng nhẫn đạt kỷ lục 91,9 triệu đồng/lượng, giá bán có kỷ lục 93,1 triệu đồng/lượng. Sang phiên chiều và chuẩn bị kết thúc ngày 5/3, giá mua vào của vàng nhẫn đã lên tầm cao mới 92 triệu đồng/lượng, giá bán cũng nhích thêm 100.000 đồng lên đỉnh lịch sử 93,2 triệu đồng mỗi lượng.
Tính trong cả ngày hôm nay, vàng nhẫn đạt mức tăng gần nửa triệu đồng mỗi lượng tại một số doanh nghiệp, chênh lệch mua – bán khoảng 1,1-1,9 triệu đồng.
Cập nhật giá mua – bán vàng nhẫn thời điểm 18h30 ngày 5/3:
Nhẫn SJC: 90,7 – 92,6 triệu đồng/lượng, đi ngang cả hai chiều mua – bán so với chốt phiên thứ Ba.
Nhẫn Bảo Tín Minh Châu: 92 – 93,2 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng mua vào và bán ra so với cuối ngày hôm qua.
Nhẫn Phú Quý: 91,6 – 93 triệu đồng/lượng, giá mua và bán cùng tăng 300.000 đồng so với chốt phiên 4/3.
Nhẫn DOJI: 91,9 – 93 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng mua vào và bán ra so với giá chốt hôm qua.

Giá vàng có thể đạt 100 triệu đồng/lượng trong năm 2025?
Dự báo về xu hướng giá vàng nhẫn trong nước, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế, nhận định rằng nếu giá vàng thế giới tiếp tục tăng, vàng nhẫn trong nước sẽ không nằm ngoài xu hướng này.
Theo ông Hiếu, xác suất để giá vàng nhẫn đạt 100 triệu đồng/lượng trong năm 2025 lên tới 70%. Ông lý giải rằng, trong thời gian qua, giá vàng thế giới đã liên tục lập đỉnh lịch sử và các dự báo vẫn nghiêng về xu hướng tiếp tục tăng. Nguyên nhân chính dẫn đến đà tăng mạnh này là những bất ổn địa chính trị toàn cầu, khiến vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư.
Với việc giá vàng thế giới đang biến động mạnh, giá vàng nhẫn trong nước – vốn có xu hướng bám sát theo thị trường quốc tế – cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Một trong những yếu tố quan trọng khiến giá vàng nhẫn có thể tiếp tục leo thang là nhu cầu tích trữ vàng của người dân Việt Nam. Vàng từ lâu đã được coi là kênh đầu tư và bảo toàn tài sản phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm, làm giảm sức hấp dẫn của kênh tiết kiệm.
Không giống như vàng miếng, vàng nhẫn có ưu điểm là dễ mua, dễ bán và phù hợp với số đông nhà đầu tư, giúp loại tài sản này duy trì được sức hút mạnh mẽ.
Với những yếu tố hỗ trợ như diễn biến tích cực của giá vàng thế giới, nhu cầu tích trữ trong nước vẫn mạnh và sự dịch chuyển dòng tiền từ tiết kiệm sang vàng, các chuyên gia nhận định rằng giá vàng nhẫn có thể còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Cùng thời điểm trên, giá vàng thế giới giao dịch ở ngưỡng 2913 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (25.850 VND/USD) giá vàng đạt 91,78 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), thấp hơn vàng miếng 918.000 đồng và thấp hơn vàng nhẫn 1,42 triệu đồng.

Đợt điều chỉnh vào tuần trước đã không kéo dài được lâu, giá vàng tiếp tục giữ tăng tăng khá tốt khi lực mua tăng mạnh và nhận được hỗ trợ bởi sự sụt giảm của chỉ số đô la Mỹ.
Thông tin đáng chú ý mới nhất là thuế quan thương mại của Hoa Kỳ đối với Mexico, Canada và Trung Quốc đã có hiệu lực vào ngày 4/3, và các quốc gia bị nhắm mục tiêu đã trả đũa.
“Có nhiều đồn đoán rằng Trung Quốc sẽ để đồng nhân dân tệ mất giá để giảm bớt tác động của thuế quan và hỗ trợ các nhà xuất khẩu. Hiện tại, các nhà phân tích kỳ vọng ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ đồng nhân dân tệ ổn định, nhưng bất kỳ sự suy yếu nào so với đồng đô la Mỹ dự kiến sẽ đẩy người mua Trung Quốc vào vàng như một nơi trú ẩn an toàn”, nhà môi giới SP Angel cho biết.
Ole Hansen, Trưởng phòng Chiến lược Hàng hóa tại Saxo Bank cho biết, vàng có khả năng tăng cao hơn sau đợt điều chỉnh nhẹ. Mục tiêu 3.000 USD/ounce đã quay trở lại.
“Triển vọng vàng vẫn hỗ trợ, đặc biệt là khi xét đến độ sâu hạn chế của đợt điều chỉnh mới nhất, báo hiệu nhu cầu mạnh mẽ bất chấp áp lực bán từ các nhà giao dịch tập trung vào kỹ thuật. Ngoài nhu cầu đa dạng hóa và trú ẩn an toàn, vàng có khả năng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ hoạt động mua của ngân hàng trung ương khi các lo ngại về nợ tài chính vẫn tiếp diễn”, Hansen lưu ý.
Cùng với sự bất ổn về địa chính trị hỗ trợ sức hấp dẫn của vàng như một nơi trú ẩn an toàn, Hansen cho biết kim loại quý này đang được hưởng lợi từ sự suy yếu ngày càng tăng của đồng bạc xanh. Đồng thời, hoạt động kinh tế chậm lại đang làm dấy lên kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ buộc phải cắt giảm lãi suất trong năm nay, ngay cả khi lạm phát vẫn ở mức cao.
“Mặc dù chúng tôi nhận thức rõ rằng không có gì diễn ra theo đường thẳng – có lẽ ngoại trừ động thái bơm và xả tiền điện tử của Trump – nhưng chúng tôi vẫn giữ nguyên mục tiêu mới tăng gần đây của vàng là 3.300 USD/ounce”, Hansen nhận định.
Giavang.net