(GVNET) – Tóm Tắt
- Với sự ổn định của vàng miếng SJC, chênh lệch giữa hai thị trường đang phụ thuộc chủ yếu vào hướng di chuyển của giá vàng thế giới.
- Vàng thế giới chiều nay tăng vượt 2310 USD từ mức đáy 2 tuần dưới 2300 USD.
- Giá sau quy đổi giao dịch sát ngưỡng 73,5 triệu đồng, chênh lệch với SJC giảm nửa triệu đồng.
Nội dung chi tiết
Tiếp tục cố thủ tại đáy gần 5 tháng ở mức 76,98 triệu đồng/lượng, vàng miếng SJC đi ngang 3 tuần qua khi Ngân hàng Nhà nước chưa có động thái điều chỉnh giá bán trược tiếp. Hiên giá bán trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước duy trì mức 75,98 triệu đồng/lượng và giá bán vàng miếng tại các doanh nghiệp vàng và Big4 ngân hàng luôn cao hơn 1 triệu đồng.
Cập nhật thời điểm 18h ngày 27/6 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch ngưỡng 2.315 USD/ounce, tăng gần 20 USD từ mức dưới 2300 USD sáng nay. Quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (26.030 VND/USD – tăng 70 đồng so với hôm qua) vàng thế giới đứng tại 73,47 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), thấp hơn vàng miếng SJC 3,5 triệu đồng – giảm 500.000 đồng so với phiên chiều qua.
https://giavang.net/app-dau-tu-vang-rong-viet-cung-cap-thong-tin-chuyen-nghiep-cho-nha-dau-tu-vang/#gsc.tab=0
Chênh lệch giữa hai thị trường giảm mạnh bởi sự kết hợp của 2 yếu tố: vàng thế giới tăng; tỷ giá VND/USD tăng.
Vàng thế giới tăng mà SJC không tăng sẽ thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa hai thị tường. Tỷ giá tăng mạnh khiến vàng thế giới sau quy đổi được đẩy lên cao, cũng là 1 trong những yếu tố giúp thu hẹp chênh lệch giá vàng nội ngoại.
Trở lại với diễn biến của giá vàng thế giới, trước khi hồi lên 2315 USD hiện tại, giá vàng thế giới lao dốc xuống mức thấp nhất trong 2 tuần, xuyên thủng ngưỡng tâm lý quan trọng 2.300 USD, do đồng USD tăng giá mạnh trong lúc thị trường chờ báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ. Một số chuyên gia cho rằng sự cứng rắn của giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và đà tăng của đồng USD sẽ tiếp tục gây áp lực giảm lên giá vàng trong ngắn hạn, nhưng xu hướng giá vàng có thể sẽ trở nên rõ ràng hơn từ ngày thứ Sáu.
“Ở thời điểm này, thị trường đang phản ứng rất nhạy với sự tăng giá của đồng USD và phản ánh khả năng Fed sẽ không giảm lãi suất trong mùa hè này”, chiến lược gia trưởng Bart Melek của công ty TD Securities nhận định.
Chỉ số USD đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 5 trên 106 điểm vào thứ Tư 26/6, hiện vẫn đang trong giai đoạn củng cố và dao động quanh mốc 106.
Tâm lý nhà đầu tư đang trở nên bấp bênh báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 5 dự kiến được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu. PCE là thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng.
Nếu dữ liệu này cho thấy lạm phát xuống thang, khả năng Fed bắt đầu giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 sẽ tăng lên, giá vàng sẽ có cơ hội hồi phục. Ngược lại, một báo cáo PCE nóng hơn kỳ vọng có thể gây áp lực khiến vàng giảm giá sâu hơn vì làm suy giảm khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng 9.
Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, các chuyên gia kinh tế dự báo tốc độ tăng so với cùng kỳ năm ngoái của PCE trong tháng 5 giảm còn 2,6%.
Ngoài báo cáo PCE, mối quan tâm của nhà đầu tư trong tuần này còn hướng tới dữ liệu điều chỉnh về GDP quý I của Mỹ, và cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ là ông Joe Biden và ông Donald Trump vào ngày thứ Năm.
Giavang.net