Gần 90% nguồn cung khí đốt của châu Âu là nhập khẩu. Nga cùng với Na Uy là một trong những nguồn quan trọng nhất.
Trong những phiên gần đây, giá khí đốt tại thị trường châu Âu đã biến động rất mạnh. Giá tăng vọt 60% chỉ trong 2 ngày, nhưng sau đó đã giảm mạnh sau khi Tổng thống Vladimir Putin cho biết nước Nga sẵn sàng hành động để giúp bình ổn thị trường năng lượng toàn cầu, đặc biệt là sẽ tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Không chỉ tại thị trường châu Âu, giá khí đốt ở Mỹ cũng giảm khoảng 8,3% sau khi chạm mốc cao nhất 12 năm chỉ 1 ngày trước đó. Giá dầu tương lai tiếp tục giảm mạnh. Những cú đảo chiều chóng vánh này diễn ra sau 1 tuần tăng giá không ngừng, qua đó nhấn mạnh một trong những đặc tính quan trọng của thị trường năng lượng: mức biến động rất mạnh.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành còn có 1 góc nhìn khác. Một lời cảnh báo của Mỹ đang dần trở thành sự thật: châu Âu đã trở thành “con tin” của Nga về vấn đề năng lượng.
Hiện Nga đang chờ đợi Đức thông qua đường ống dẫn khí Nord Stream 2 – dự án chạy qua biển Baltic sẽ cho phép Nga tăng mạnh lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu. Nord Stream 2 dài 1.230km, điểm đầu là thành phố cảng Vyborg của Nga và điểm cuối là thành phố Sassnitz Rugen của Đức, dự trù cung cấp 55 tỷ mét khối khí đốt một năm cho châu Âu.
Lẽ ra dự án trị giá 11 tỷ USD phải được hoàn tất từ cuối năm 2019 nhưng vì những hiềm khích chính trị và địa chính trị, cho nên 160 km cuối cùng của đường ống này vẫn chưa xây xong. Mỹ lâu nay vẫn phản đối Nord Stream 2 với lập luận dự án ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của châu Âu, là thứ Nga có thể tận dụng để gây ức ép lên lục địa già.
Chính quyền Obama và Trump đều đạt được đồng thuận lưỡng đảng về việc phản đối Nord Stream 2. Tổng thống đương nhiệm Joe Biden cũng thông báo sẽ trừng phạt các công ty tham gia vào dự án, nhưng hồi tháng 5 vừa qua đã bãi bỏ các lệnh trừng phạt trong nỗ lực củng cố lại quan hệ với Đức. Có thể nói Đức là nước châu Âu hưởng lợi nhiều nhất từ dự án.
“Châu Âu đã trở thành con tin của Nga”, Timothy Ash, chiến lược gia tại Bluebay Asset Management nhận định trong báo cáo mới đây, gọi đó là tình trạng “không thể tin nổi”.
“Rõ ràng là Nga đã nắm chặt châu Âu trong tay, và châu Âu quá yếu để có thể làm gì đó”, ông nói. “Trong khi mùa đông lạnh giá đang đến, châu Âu lo ngại Nga sẽ siết chặt nguồn cung hơn nữa cho đến khi Nord Stream 2 được cấp phép hoạt động”.
Nhiều chuyên gia tin rằng Nga hạn chế nguồn cung cho châu Âu trong thời gian vừa qua là nhằm mục đích gây sức ép để Đức cấp phép cho Nord Stream 2. Tuy nhiên Nga bác bỏ điều này, nói rằng Nga không có bất cứ tác động nào đến cuộc khủng hoảng năng lượng mà châu Âu đang phải đối mặt. Ngược lại, Nga còn kỳ vọng Nord Stream 2 sẽ giúp hạ nhiệt thị trường.
Về phần mình, Đức vẫn chưa có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy nước này sẽ sớm cấp phép cho dự án. Hôm 5/10, Đức khẳng định chủ đầu tư Nord Stream 2 phải chứng tỏ được rằng dự án sẽ không vi phạm luật cạnh tranh. Thậm chí Đức sẽ phạt nếu như Nord Stream 2 bắt đầu bơm khí đốt sang Đức mà chưa được phép.
Nỗi đau đầu của châu Âu
Giá nhiên liệu tăng vọt đã trở thành vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo châu Âu. Với thực trạng gần 90% nguồn cung khí đốt của châu Âu là nhập khẩu và Nga là một trong những nguồn quan trọng nhất (cùng với Na Uy), nhiều nước đang muốn độc lập hơn về năng lượng.
Dự án Nord Stream 2 gặp phải nhiều chỉ trích ở châu Âu. Đường ống không đi qua Ukraine, do đó nước này bị thiệt hại khi không thu được khoản phí trung chuyển và rất giận dữ. Ba Lan cũng không hài lòng, cho rằng dự án chỉ nhằm mục đích tăng cường sức mạnh cho Nga.
Do đó vào tháng 7, Ukraine và Ba Lan đưa ra thông báo chung, khẳng định “Nord Stream 2 tạo ra cuộc khủng hoảng an ninh, khủng hoảng lòng tin và khủng hoảng chính trị của châu Âu”.
Nguồn cung khí đốt cho châu Âu cũng là vấn đề thường xuyên khiến quan hệ Mỹ – EU gặp rắc rối. Mỹ chỉ trích Đức (là nước nhập khẩu khí đốt từ Nga nhiều nhất, kể cả trước khi có Nord Stream 2) gay gắt vì hợp tác với Nga.
Giới phân tích nhận định những tranh cãi xung quanh nguồn cung khí đốt cho châu Âu giống như 1 trận chiến không tiếng súng giữa Nga và Mỹ. Cả hai đều muốn giành thị phần. Nga muốn cung cấp khí đốt tự nhiên còn Mỹ muốn cung cấp khí hóa lỏng (LNG) cho châu Âu.
Trong khi đó, thị trường năng lượng thế giới đang đứng trước 1 “cơn bão hoàn hảo” do lực cầu tăng vọt hậu Covid-19 trong khi nguồn cung lại bị thắt chặt. Tình trạng thiếu cung và những nút thắt trên chuỗi cung ứng có thể chỉ là tạm thời và sẽ sớm được giải quyết, nhưng vấn đề là mùa đông giá lạnh sắp ập đến.
Theo CNBC
Theo Cafef