20 C
Hanoi
22/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Đầu tư vàng Kinh doanh vàng Tin mới nhất Vàng

Chênh lệch ‘cao chót vót’ gần 20 triệu đồng giữa vàng trong nước và thế giới, thị trường vẫn đang chờ sửa đổi Nghị định 24

Chênh lệch giá vàng nội – ngoại phiên hôm nay (7/7) đã chạm tới ngưỡng 19 triệu đồng/lượng. Thị trường vẫn đang “ngóng” quy định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để phù hợp với diễn biến thực tế.

Ở thời điểm hiện tại, khi giá vàng thế giới đang đứng ở ngưỡng 1.745,2 USD/ounce. Sau khi quy đổi, vàng thế giới giao dịch tại 49,49 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng SJC cập nhật cùng thời điểm giao dịch tại 67,85 – 68,45 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Nghĩa là chênh lệch giữa hai thị trường chạm tới mốc 19 triệu đồng/lượng.

Theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, nguồn vàng SJC đã bị khan hiếm trong thời gian qua do nguồn cung vàng trên thị trường chủ yếu nhờ mua đi bán lại. Đặc biệt, khoảng 2 tuần nay, khi giá vàng SJC xuống thấp và nhu cầu đối với loại vàng này cao hơn, tình trạng khan hiếm càng tăng lên. Diễn biến trên thị trường vàng trong nước khiến giá vàng thế giới dù giảm sốc trong phiên giao dịch ngày 6/7 nhưng giá vàng SJC không giảm tương xứng.

“Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa cho nhập vàng nguyên liệu để sản xuất, gia công vàng SJC nên nguồn cung từ kênh này không có. Nhu cầu vàng SJC ở thị trường đang cao nên chênh lệch càng khó thu hẹp nếu không có giải pháp mạnh tay từ cơ quan quản lý là cho nhập khẩu vàng nguyên liệu về để tăng nguồn cung cho thị trường”, ông Trần Duy Phương nói.

Các chuyên gia đều nhận định rằng khi nhu cầu mua vàng SJC, vàng trang sức, vàng nhẫn 24K thị trường tăng, nếu Ngân hàng Nhà nước không có động thái can thiệp, xu hướng gom USD nhập lậu vàng theo đường biên mậu sẽ tiếp tục gia tăng.

Ảnh minh họa

Thị trường vẫn đang mong đợi quy định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để phù hợp với diễn biến thực tế. Bởi theo nhiều chuyên gia vàng, Nghị định 24 ra đời vào năm 2012 đã góp phần tạo sự ổn định cho thị trường vàng nhưng đến nay, một số quy định đã không còn phù hợp. Thị trường vàng trong nước đang “một mình một chợ” và nảy sinh nhiều bất cập. Bất cập lớn nhất là giá vàng SJC quá cao so với vàng thế giới, nói cách khác là thị trường trong nước không có sự liên thông với thị trường thế giới.

Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định rõ: Vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất. Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức, quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng và cơ quan này đã chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng độc quyền của quốc gia từ 10 năm nay.

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định đây là nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước, nhất là giá vàng miếng SJC luôn cao hơn giá vàng thế giới đến mức phi lý.

Chuyên gia vàng Trần Thanh Hải cho hay trong 6 tháng đầu năm nay, có một số thời điểm giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới tới 18-20 triệu đồng/lượng. Đặt vấn đề tại sao các tổ chức kinh doanh vàng, tiệm vàng sẵn sàng mua vàng giá cao nhưng người dân và tổ chức nắm giữ vàng vẫn không bán ra, chuyên gia Trần Thanh Hải cho rằng đã đến lúc cần xem lại quy định trong Nghị định 24.

“Việc độc quyền, sản xuất gia công vàng SJC của Ngân hàng Nhà nước (Công ty SJC là đơn vị được ủy quyền) dù có những điểm tích cực song đã bộc lộ bất cập. Tại kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra, đại biểu Quốc hội đã lên tiếng cho rằng do giá vàng SJC quá cao nên một số tổ chức kinh doanh vàng cũng áp giá vàng trang sức 24K ở mức cao, khiến người tiêu dùng bị thiệt”, ông Trần Thanh Hải chỉ rõ.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nêu quan điểm, Nghị định 24 được ban hành từ năm 2012 nhằm mục đích chống đô la hóa, chống vàng hóa nền kinh tế cũng như ổn định giá vàng và phát triển thị trường vàng trong nước theo hướng liên thông với thị trường vàng quốc tế. Mục tiêu chống đô la hóa, vàng hóa đã đạt được. Riêng mục tiêu phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng thì chưa đạt được. Bằng chứng là giá vàng SJC quá đắt đỏ so với thế giới.

Vì vậy, tôi cho rằng đã đến lúc các cơ quan liên quan, mà nhất là NHNN cần xem xét một cách nghiêm túc việc sửa đổi Nghị định 24, không nên để tình trạng độc quyền sản xuất một thương hiệu vàng quốc gia SJC như hiện tại nữa”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Chuyên gia vàng Dương Anh Vũ cũng cho rằng, giải pháp để rút ngắn khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là chấm dứt tình trạng độc quyền sản xuất vàng miếng và cho nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng. Bởi Nghị định 24/2012 quy định Nhà nước độc quyền nhưng đến nay đã có nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tế. Chấm dứt tình trạng độc quyền nghĩa là cấp phép thêm cho hai hoặc ba công ty xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng. Khi vàng và hàng hóa nói chung vận hành theo cơ chế thị trường, có sự cạnh tranh bình đẳng thì giá cả sẽ dần được quyết định theo quy luật cung – cầu chứ không phải bằng biện pháp hành chính như hiện nay.

“Khi đó, giá vàng trong nước sẽ tự thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới. Như vậy, không chỉ quyền lợi của người dân được đảm bảo mà còn tạo cơ hội để thúc đẩy thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ phát triển, qua đó sẽ góp phần tạo nên động lực mới cho nền kinh tế”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh đề xuất sửa Nghị định 24 theo hướng có thể vẫn giữ thương hiệu vàng quốc gia là SJC, đồng thời bổ sung một số thương hiệu khác nếu đáp ứng về trọng lượng, chất lượng… Điều này giúp người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn sản phẩm vàng miếng hơn, từ đó tạo điều kiện cho nhà đầu tư giao dịch dễ dàng hơn cũng như giúp giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.

“Nên có cơ chế linh hoạt để các doanh nghiệp được cấp hạn mức nhập khẩu vàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vàng trang sức trong từng thời điểm cho phù hợp. Hoặc, có hạn mức trần cho phép để vừa duy trì thị trường ổn định vừa giúp cơ quan quản lý vẫn kiểm soát được thị trường. Điều này nhằm tránh cơ chế “xin – cho” khi thị trường biến động quá lớn”, chuyên gia Phan Dũng Khánh đề xuất.

Trả lời các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa qua xung quanh các vấn đề của thị trường vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định cơ quan quản lý nhà nước sẽ sẵn sàng điều tiết nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật, người dân không có nhu cầu mua vàng miếng quá nhiều nên Ngân hàng Nhà nước chưa can thiệp. “Chỉ trong trường hợp cần thiết mới nhập khẩu vàng để can thiệp”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....