Bộ Y tế cho biết, tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 22/5, đã 36 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
6h ngày 22/5, Bộ Y tế không ghi nhận ca dương tính nCoV, đánh dấu 36 ngày không phát hiện lây nhiễm trong cộng đồng.
Như vậy, 24 giờ qua không thêm ca nhiễm mới, hai bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khỏi Covid-19.
Tổng số ca nhiễm 324, trong đó 266 người khỏi bệnh. Trong 58 bệnh nhân đang điều trị, bốn người xét nghiệm âm tính lần một, bốn người âm tính lần hai.
“Bệnh nhân 91” vẫn là ca nặng nhất hiện nay. Hôm qua, phổi của bệnh nhân đã cải thiện hơn, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đang giảm dần các thông số ECMO để cho tập dần tự thở bằng phổi.
Hơn 10 ngày qua, bệnh nhân đã âm tính nCoV trong 6 lần xét nghiệm. Bộ Y tế đang tính phương án chuyển “bệnh nhân 91” về Anh. Trước mắt, bệnh nhân sẽ được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị tiếp.
Thế giới ghi nhận gần 334.000 người chết do nCoV trong gần 5,2 triệu ca nhiễm, nhiều quốc gia đã nới phong tỏa.
213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 5.187.046 ca nhiễm và 333.987 ca tử vong, tăng lần lượt 111.043 và 4.875 ca so với hôm qua, trong khi 2.078.024 người đã hồi phục, theo thống kê của Worldometer.
Tổng số ca nhiễm và tử vong do nCoV ở Mỹ lần lượt là 1.618.822 và 96.226, sau khi ghi nhận thêm 29.450 ca nhiễm và 1.324 ca tử vong trong 24 giờ qua. Nước này là vùng dịch lớn nhất toàn cầu, đứng đầu thế giới về cả số ca nhiễm và chết vì nCoV. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong trên đầu người của nước này thấp hơn một số quốc gia như Bỉ, Tây Ban Nha, Anh, Italy hay Thụy Điển.
Nga ghi nhận thêm 8.849 ca nhiễm nCoV mới, tăng trở lại so với một ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 317.554, trong đó 3.099 người chết.
Tây Ban Nha báo cáo thêm 593 ca nhiễm và 52 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 280.117 và 27.940. Chính phủ ra nghị định yêu cầu người từ 6 tuổi trở lên đeo khẩu trang ở những nơi công cộng không thể thực hiện giãn cách xã hội. Tình trạng khẩn cấp ở Tây Ban Nha sẽ hết hạn vào ngày 23/5, nhưng Thủ tướng Pedro Sanchez muốn quốc hội chấp nhận gia hạn thêm hai tuần.
Anh ghi nhận 250.908 ca nhiễm, trong đó 36.042 người chết, tăng 338 ca. Thủ tướng Boris Johnson cho biết chính phủ sẽ tuyển thêm 25.000 người truy vết tiếp xúc vào đầu tháng tới, có khả năng xử lý 10.000 trường hợp mới mỗi ngày, số xét nghiệm thực hiện trong một ngày sẽ đạt 200.000.
Italy ghi nhận thêm 642 ca nhiễm và 156 ca tử vong, tiếp tục duy trì chiều hướng giảm, nâng tổng số lên lần lượt 228.006 và 32.486.
Pháp báo cáo 181.826 ca nhiễm và 28.215 ca tử vong, tăng lần lượt 251 và 83 trường hợp, thấp hơn nhiều so với một ngày trước đó. Pháp đã nới lỏng phong tỏa từ ngày 11/5. Số ca nhiễm mới không tăng đáng kể so với tuần cuối cùng trước khi nới phong tỏa. Giới chức y tế khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đến thăm nhà nhau và khử trùng các bề mặt như tay nắm cửa.
Đức ghi nhận thêm 39 ca tử vong vì nCoV, nâng số người chết do đại dịch ở quốc gia này lên 8.309 trong 179.021 ca nhiễm.
Tại khu vực Mỹ Latin, Brazil là vùng dịch lớn nhất với 310.087 ca nhiễm và 20.047 ca tử vong, tăng lần lượt 16.730 và 1.153 trường hợp. Nước này hiện là vùng dịch lớn thứ ba thế giới.
Mexico báo cáo 56.594 ca nhiễm và 6.069 ca tử vong, tăng lần lượt 2.248 và 424. Giới chuyên gia cho rằng người Mexico có nguy cơ tử vong vì nCoV cao hơn nhiều nước vì mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, tăng huyết áp và béo phì.
Tại Trung Đông, Iran báo cáo thêm 2.392 ca nhiễm và 66 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 129.341 và 7.249. Đây là ngày thứ tư liên tiếp nước này ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ.
Arab Saudi ghi nhận thêm 2.532 ca nhiễm và 12 ca tử vong, xấp xỉ một ngày trước đó, nâng tổng số lên lần lượt 65.077 và 351.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo thêm 894 ca nhiễm và 4 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 26.898 và 237.
Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố số liệu.
Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 118.226 ca nhiễm và 3.584 ca tử vong, tăng lần lượt 6.198 và 150. Ấn Độ cho phép nối lại các chuyến bay nội địa từ ngày 25/5 sau hai tháng ngừng hoạt động. Một số chuyến tàu liên bang đã hoạt động trở lại một tuần trước.
Tại Đông Nam Á, Singapore vẫn là vùng dịch lớn nhất khu vực với 29.812 ca nhiễm, tăng 448 trường hợp so với hôm trước. Thêm một người chết, nâng tổng số ca tử vong vì nCoV lên 23. Singapore sẽ cho phép hành khách quá cảnh ở sân bay Changi kể từ 2/6.
Indonesia xếp thứ hai với 20.162 ca nhiễm và 1.278 người chết, tăng lần lượt 973 và 36 ca, là nước duy nhất trong khu vực ghi nhận ca tử vong vượt 1.000.
Tổng hợp