Việt Nam ngày thứ 6 liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm mới. Toàn thế giới đã có hơn 2,5 triệu người nhiễm, trong đó Mỹ hơn 800.000 ca nhiễm và 45.000 trường hợp tử vong.
Mỹ hơn 45.000 ca tử vong, ông Trump tạm cấm nhập cư trong 60 ngày
Trong 24 giờ qua, Mỹ đã ghi nhận 25.193 ca nhiễm mới và thêm 2.765 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong cả nước lên tương ứng 817.952 ca và 45.279 ca.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21-4 cho biết ông sẽ tạm cấm nhập cư đối với những người tìm kiếm thẻ xanh (thường trú nhân) của nước Mỹ trong vòng 60 ngày để bảo vệ việc làm của người dân Mỹ.
Đây là lần đầu tiên ông Trump thông báo chi tiết hơn sau tuyên bố mơ hồ tối 20-4 về việc cấm nhập cư trong bối cảnh số ca tử vong của Mỹ đã vượt quá 45.000 người, theo hãng tin Reuters.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 21-4 cho biết Tổng thống Donald Trump đã đồng ý nhờ chính phủ liên bang hỗ trợ mua các thuốc thử hóa học và các vật tư khác cần thiết để New York tăng gấp đôi năng lực xét nghiệm virus corona, theo Reuters.
Châu Âu tiếp tục là “điểm nóng” của dịch COVID-19 hiện nay. Tổng số ca nhiễm mới tại các nước có diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng như Nga, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan vẫn tăng gần con số 20.000 ca.
Trong khi đó, Anh ghi nhận số ca tử vong cao nhất tại châu Âu trong 24 giờ qua, 828 ca. Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Anh là 17.337 ca, đứng sau Ý (24.648 ca), Tây Ban Nha (21.282 ca), Pháp (20.796 ca).
Ca tử vong mới vì nCoV tại Tây Ban Nha tăng trở lại
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 430 người chết vì nCoV, tăng nhẹ so với hôm qua, nâng số ca tử vong toàn quốc lên 21.282.
Bộ Y tế Tây Ban Nha cũng báo cáo thêm 3.968 ca nhiễm nCoV, nâng số ca nhiễm tại nước này lên 204.178, trong đó 82.518 trường hợp đã bình phục. Tây Ban Nha hiện vẫn là vùng dịch lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.
Tại Trung Đông, Saudi Arabia đang là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng số ca nhiễm là 11.631 ca, trong đó có 1.147 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 1.147 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 6 ca tử vong.
Việt Nam ngày thứ 6 không có ca nhiễm mới
Theo cập nhật lúc 6h sáng 22-4 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, sáng nay Việt Nam tiếp tục không có ca nhiễm mới, tổng ca nhiễm cả nước hiện vẫn là 268, trong đó 216 ca đã ra viện.
Đây là ngày thứ 6 liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới.
Dự kiến trong hôm nay sẽ có 20 trường hợp được công bố khỏi bệnh và ra viện.
Mexico đã có hơn 9.000 ca nhiễm
Bộ Y tế Mexico cho biết nước này đã ghi nhận hơn 700 ca nhiễm mới và 145 ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 21-4, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 9.501 ca và 857 ca tử vong.
Trong khi đó, Bộ Y tế Panama ngày 21-4 cho biết nước này có thêm 162 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 4.821 trường hợp và 141 ca tử vong, theo Reuters.
Trung Quốc sáng 22-4 công bố thêm 30 ca nhiễm mới, với 23 ca trong số này là các ca nhập khẩu có liên quan đến những người du lịch từ nước ngoài, tăng 11 ca so với ngày trước đó. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc sáng 22-4 cho biết số bệnh nhân không triệu chứng mới của nước này cũng tăng lên 42 ca so với 37 ca của ngày trước đó.
Tổng số ca COVID-19 tại Trung Quốc đại lục cho đến nay là 82.788 ca, số người qua đời vì dịch bệnh này vẫn không đổi và vẫn là 4.632 người, theo Reuters.
Italy có số ca mắc COVID-19 giảm ngày thứ 2 liên tiếp
Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, trong ngày 21/4, Italy có thêm 2.729 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 183.957 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng lên 24.648 người (tăng 534 ca). Số ca hồi phục tăng lên 51.600 người (tăng 2.723 ca).
Trong đó, tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 trong ngày 21/4 là 107.709, giảm 528 bệnh nhân so với mức 108.237 trong ngày 20/4.
Nhật Bản gia hạn tạm ngừng cấp visa cho công dân nước ngoài
Nhật Bản sẽ gia hạn việc tạm ngừng cấp thị thực (visa) cho các công dân nước ngoài đến cuối tháng 5 tới, và cho rằng hiện còn quá sớm để dỡ bỏ các lệnh hạn chế đi lại.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo đình chỉ việc cấp thị thực và miễn thị thực ngắn hạn cho công dân của hơn 100 nước ít nhất đến hết tháng 4 này. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng cấm nhập cảnh những công dân đến từ bất kỳ nước nào trong số 73 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch COVID-19 hoành hành trong 2 tuần trở lại.
Tín hiệu tích cực trong phát triển vaccine
Nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Bern (Thụy Sĩ) hy vọng sẽ là cơ sở đầu tiên sản xuất vaccine chống dịch bệnh nguy hiểm này và sẽ đưa vào chương trình tiêm chủng vào tháng 10 tới.
Hiện Đại học Bern có cơ hội để điều chế vaccine thành công nhờ đã có tương đương với 200 lít lên men sinh học vi khuẩn, cần thiết để có thể sản xuất 10-20 triệu liều.
Vaccine được nhóm nghiên cứu Thụy Sĩ phát triển sử dụng “các hạt giống virus” không lây nhiễm cung cấp phản ứng miễn dịch tốt. Một nguyên mẫu đã được phát triển vào tháng 2, chỉ vài tuần sau khi virus SARS-CoV-2 được xác định ở Trung Quốc, và đã cho thấy hiệu quả trong các thử nghiệm trên chuột.
Hầu hết các chuyên gia y tế và chính quyền các nước cho rằng để có vaccine sớm nhất cũng phải mất khoảng 1 năm đến 18 tháng.
Liên quan đến tiếp cận vaccine phòng SARS-CoV-2, các nước thành viên của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết, theo đó kêu gọi cách tiếp cận “công bằng, hiệu quả và kịp thời” đối với bất kỳ loại vaccine nào trong tương lai được phát triển để phòng chống virus SARS-CoV-2.
WHO cảnh báo hậu quả của sớm dỡ bỏ phong tỏa
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 21/4 cảnh báo rằng bất kỳ quyết định dỡ bỏ tình trạng phong tỏa vốn được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, phải thực hiện dần dần và nếu những hạn chế được dỡ bỏ quá sớm sẽ dẫn tới làn sóng tái bùng phát dịch bệnh.
Cho đến khi tìm ra vaccine phòng ngừa COVID-19, quá trình thích ứng với đại dịch sẽ phải trở thành một tình trạng bình thường mới.
WHO tuyên bố chưa thể xác minh được nguồn gốc chính xác của virus SARS-CoV-2 vào thời điểm này nhưng có bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ động vật.
Tổng hợp