Mặc dù có cơ hội tăng mạnh hơn xuất khẩu vào Mỹ nhưng đồng thời chúng ta cũng cần quan tâm đến hướng cânằng thương mại với Mỹ…
Sau quyết định nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 10/5/2019, tính đến nay, khoảng 250 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ phải chịu mức thuế suất 25%. Trong đó, các mặt hàng tư liệu sản xuất chiếm khoảng 117 tỷ USD; hàng tiêu dùng và lương thực, thực phẩm khoảng 66 tỷ USD; thiết bị công nghiệp khoảng 38 tỷ USD.
Theo tính toán sơ bộ của Oxford Economics, động thái này sẽ làm GDP toàn cầu giảm thêm khoảng 0,12% giai đoạn 2019-2020, trong đó GDP của Mỹ giảm 0,3% và GDP của Trung Quốc giảm 0,8%. Nếu Mỹ đánh thuế 25% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc (trị giá khoảng 300 tỷ USD) như Tổng thống Mỹ Trump đe dọa mới đây và Trung Quốc trả đũa, GDP thế giới có thể giảm 0,5%; GDP của Mỹ sẽ giảm 0,5% và GDP của Trung Quốc giảm khoảng 1,3% vào năm 2020.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những ước tính ban đầu về tác động trực tiếp, bởi khó có thể đánh giá hết được các tác động gián tiếp và lan tỏa đến tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tiền tệ, thương mại, đầu tư hay khả năng gây gián đoạn nghiêm trọng đối với chuỗi sản xuất toàn cầu… nếu căng thẳng tiếp tục leo thang.
Với Việt Nam thì sao? Theo báo cáo vừa công bố của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, chiến tranh thương mại (CTTM) Mỹ – Trung leo thang gây lên tác động trực tiếp và gián tiếp đối với nền kinh tế Việt Nam về thương mại và đầu tư. Về mặt tích cực, một số ngành, lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (chủ yếu là hàng tiêu dùng, thực phẩm và điện tử, điện thoại) có thể được hưởng lợi.
Tuy nhiên, theo Citi Research, trong tổng giá trị 66 tỷ USD hàng tiêu dùng, thực phẩm và 25 tỷ USD điện tử, điện thoại và linh kiện của Trung Quốc bị đánh thuế, Việt Nam chỉ có thể tranh thủ được khoảng 20-25% (tương đương 18-23 tỷ USD) vì nhiều nước khác cũng muốn tranh thủ cơ hội này.
Các chuyên gia cho rằng, một trong những tác động tích cực là cơ hội mở rộng thị trường ở Mỹ nếu hàng xuất khẩu của Trung Quốc bị hạn chế. Báo cáo của Bộ Công thương về thương mại gần đây cũng dự báo từ nay tới cuối năm, xuất khẩu hàng hóa sẽ được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc khi có thêm các đơn hàng từ phía Mỹ chuyển dịch sang và điều này đang mang lại nhiều cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam.
Đặc biệt, việc Mỹ giảm bớt các rào cản thương mại kỹ thuật đối với thủy sản và mở cửa đối với các loại trái cây Việt Nam cũng sẽ mở ra cơ hội để Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường này.
Tuy nhiên, CTTM Mỹ – Trung leo thang cũng ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, qua đó sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, các nguyên liệu sản xuất bị áp thuế cao cũng sẽ tăng giá, từ đó dẫn tới chi phí sản xuất tăng, khiến giá hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ và Trung Quốc sang Việt Nam có thể sẽ tăng lên, qua đó vừa làm tăng chi phí của DN, vừa tăng áp lực lạm phát.
Trong khi đó, hàng hóa dư thừa của Trung Quốc không xuất khẩu được vào Mỹ có thể chuyển hướng sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Với lợi thế cạnh tranh về giá, các sản phẩm từ Trung Quốc có thể tiếp tục gây sức ép khá lớn đến thị trường hàng hoá trong nước, từ sắt thép, mía đường… tới các mặt hàng công nghiệp.
Đồng thời do khó xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ hơn, Trung Quốc sẽ phải thúc đẩy tiêu dùng nội địa, khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các nước, trong đó có Việt Nam vào Trung Quốc sẽ giảm. Những điều chỉnh trên có thể khiến nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng lên.
Một yếu tố đáng lưu ý khác là, căng thẳng leo thang có thể làm xáo trộn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra những tác động xấu đến tất cả các nước tham gia chuỗi, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, rủi ro là tạo ra tác động lan tỏa không chỉ dừng lại ở phạm vi một số nước mà theo chuỗi cung ứng, trong đó có một số DN đang đầu tư tại Việt Nam.
TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng trong năm 2019-2020, thương mại của Việt Nam dự báo sẽ bị ảnh hưởng đáng kể (chủ yếu do yếu tố cầu giảm nêu trên). “Tuy nhiên, nếu CTTM tiếp tục leo thang nhưng Việt Nam có thể tận dụng được các cơ hội của một số ngành hàng nêu trên, cùng với đó là tận dụng tốt các FTA đã ký kết thì sẽ giảm thiểu đáng kể tác động tiêu cực này”, TS. Lực nhận định.
Mặc dù có cơ hội tăng mạnh hơn xuất khẩu vào Mỹ nhưng đồng thời chúng ta cũng cần quan tâm đến hướng cân bằng thương mại với Mỹ. Chia sẻ tại một hội nghị trong tuần trước tại Việt Nam, ông Charles Freeman – Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách châu Á của Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ rất quan tâm đến vấn đề cân bằng cán cân thương mại với các quốc gia.
“Nếu như Hoa Kỳ chịu thâm hụt với một nước nào đó thì chúng tôi đều nghĩ ngay đến việc phải cân bằng cán cân thương mại. Do đó chúng tôi luôn đề cao nguyên tắc có đi có lại, hướng tới cân bằng cán cân thương mại giữa Hoa Kỳ với các nước, trong đó có Việt Nam”, vị này cho biết.
Ngoài ra, cần lưu ý cùng với tăng thuế với hàng hóa từ Trung Quốc, nhiều khả năng Mỹ sẽ tăng cường giám sát với các hàng hóa Trung Quốc “đội lốt” nước thứ ba để vào Mỹ. Để tránh nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa, Bộ Công thương cho biết tới đây sẽ tiếp tục tăng cường theo dõi và quản lý chặt chẽ vấn đề này. Các chuyên gia trong nước rất đồng tình với chủ trương này, đồng thời khuyến cáo các DN xuất khẩu trong nước cũng cần cảnh giác, đảm bảo xuất xứ hàng hóa tốt để giữ được thị trường.
Theo TBNH