Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc hôm qua đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ đầu tháng 1, sau khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có dấu hiệu leo thang trở lại vào cuối tuần qua.
Tương lai ảm đạm của nhân dân tệ
Đồng nhân dân tệ tại nước ngoài vừa chạm mức 6,8217 so với đồng bạc xanh. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 11/1 đến nay.
Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đã hạ tỷ giá niêm yết chính thức của đồng nhân dân tệ trong nước xuống còn 6,7334 mỗi USD vào hôm qua, mức thấp nhất trong hai tháng rưỡi qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm Chủ nhật đe dọa sẽ tăng hàng rào thuế quan từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, do tiến trình đàm phán thương mại giữa 2 bên diễn ra quá chậm.
Marshall Gittler – chiến lược gia tại ACLS Global bình luận: “Các thị trường một lần nữa bị tác động nặng nề bởi Trump, khi ông đe dọa sẽ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc vào thứ 6 tới, giữa lúc các cuộc đàm phán thương mại đang được thiết lập”.
Với nền kinh tế nội tại đang gặp nhiều vấn đề, trong khi phải chống chọi với cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ khởi xướng, nhiều nhà kinh tế cho rằng khả năng kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào khủng hoảng. Do đó, bất kỳ căng thẳng thương mại nào leo thang trở lại cũng sẽ ảnh hưởng nặng nền lên đồng tiền của nước này.
Các số liệu chính thức cho thấy GDP Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,6% trong năm 2018, thấp nhất kể từ năm 1990. Trong bài phát biểu hồi tháng 3/2019, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết phạm vi mục tiêu tăng trưởng năm 2019 sẽ thấp hơn ở mức 6-6,5% và Trung Quốc phải chuẩn bị cho những khó khăn ở phía trước.
Hôm qua chứng khoán của Trung Quốc cũng chìm sâu khi có ngày giảm mạnh nhất trong nhiều tháng qua, với chỉ số Shanghai trên sàn Thượng Hải giảm 5,5%, trong khi chỉ số Hang Seng sàn Hồng Công mất gần 3%.
Willam Ma, CIO tại Noah Holdings, dự đoán rằng đồng nhân dân tệ có thể tiếp tục giảm và thậm chí rớt về mức 1 USD ăn 7 nhân dân tệ. Ông chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng sự biến động ngắn hạn này có thể tiếp diễn và có khả năng đồng nhân dân tệ sẽ chạm mức 7 mỗi USD trong thời gian tới. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy kiểu biến động này có thể thay đổi chỉ sau một đêm nếu đàm phán thương mại lại diễn ra bình thường. Nếu các cuộc đàm phán trở nên xấu đi, có thể kích hoạt một sự điều chỉnh mạnh trên thị trường”.
Tao Wang và Ning Zhang, hai chuyên gia kinh tế tại UBS, cũng đưa ra dự báo khá bi quan: “Trong trường hợp Mỹ áp thuế bổ sung 25% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, sẽ rất khó để Trung Quốc giữ tăng trưởng GDP trên mức 6% ngay cả khi tung ra thêm gói kích thích, và đồng nhân dân tệ có thể suy yếu tới mức 7,2 đổi 1 USD”.
Các tài sản an toàn nào được lợi?
Ngược lại, các đồng tiền có truyền thống là nơi trú ẩn an toàn khi rủi ro gia tăng. Cụ thể, đồng yên Nhật leo lên mức cao nhất trong 8 tuần so với đồng USD, ở mức 110,28, khi các nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản được xem là nơi trú ẩn an toàn. Song song đó, giá vàng cũng phục hồi tích cực trở lại.
Hadjikyriacos, chuyên gia phân tích đầu tư tại XM.com chia sẻ: “Tâm lý e ngại rủi ro đã gia tăng trở lại, thúc đẩy các nhà đầu tư hướng tới các tài sản an toàn như đồng yên Nhật Bản, trong bối cảnh lo ngại rằng xung đột thương mại Mỹ-Trung đã sẵn sàng leo thang”.
Trong khi đó, đồng đô la Úc và đô la New Zealand giảm mạnh, các nhà giao dịch thoát khỏi các vị thế kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade). Cặp tỷ giá AUD/USD chìm sâu 0,7 USD xuống 0,6994, trong khi cặp NZD/USD đã giảm 0,6% xuống mức 0,6609.
Chỉ số USD Index đo lường sức mạnh đồng USD so với các đồng tiền chính khác gần như không thay đổi tại 97,504 điểm.
Cặp tỷ giá EUR/USD giảm ít hơn 0,1% xuống 1,1202. Đáng chú ý là đồng bảng Anh giảm mạnh so với USD, khi rớt từ 1,3174 xuống 1,3098.
Theo TGTT