Mâu thuẫn giữa Washington và Bắc Kinh sẽ gây thêm áp lực cho đồng tiền tệ của Trung Quốc, khiến các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ. Theo đó, sự ảnh hưởng sẽ lan sang cả các thị trường mới nổi khác, khiến đồng tiền tệ của các quốc gia này sẽ rơi xuống mức thấp khi đồng CNY yếu đi.
Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump bắt đầu chỉ trích Bắc Kinh về việc nước này ứng phó với đại dịch Covid-19, sự chú ý của các trader ngoại hối trên toàn cầu đổ dồn đến tỷ giá giữa đồng CNY và USD như hồi năm ngoái – khi căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang.
Kể từ cuối tháng 4, đồng CNY đã giảm 0,5% so với đồng USD khi Tổng thống Trump khẳng định, dù không cung cấp bằng chứng, rằng virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Ông Trump sau đó đã đề xuất về việc áp thuế để trừng phạt Trung Quốc.
Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh sẽ gây thêm áp lực cho đồng tiền tệ của Trung Quốc, khiến các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ. Theo đó, sự ảnh hưởng sẽ lan sang cả các thị trường mới nổi khác, khiến đồng tiền tệ của các quốc gia này sẽ rơi xuống mức thấp khi đồng CNY yếu đi.
Esther Law– quản lý cấp cao bộ phận danh mục đầu tư trái phiếu của các thị trường mới nổi tại Amundi, nhận định: “Nếu mâu thuẫn tiếp tục leo thang, thì chắc chắn đồng CNY còn suy yếu nhiều hơn nữa.” Bà cho biết đồng CNY có thể giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2008 là 7,30 đổi 1 USD trong những tháng tới. Kể từ đầu năm nay, đồng CNY đã giảm gần 2% và giao dịch quanh mức 7,09.
Tỷ giá CNY/USD đã trở thành “tâm điểm” của thị trường tiền tệ trong hầu hết cả năm 2019, khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh không ngừng “tăng nhiệt”. Khi mối quan hệ 2 nước trở nên trầm trọng hơn vào mùa hè năm ngoái, Trung Quốc đã đưa ra dấu hiệu rằng họ sẽ cho phép đồng CNY giảm xuống dưới ngưỡng 7/USD. Sau đó, chính quyền Tổng thống Trump đã “gán mác” thao túng tiền tệ cho Trung Quốc.
Ở phiên ngày 8/5, đồng CNY đã có diễn biến ổn định sau khi giới chức Mỹ cho biết thoả thuận thương mại giai đoạn 1 vẫn đang “đi đúng hướng”. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng ông Trump có thể vẫn áp thuế quan trừng phạt với hàng hoá của Trung Quốc trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11, trong bối cảnh ông đang đưa ra những ý kiến đổ lỗi cho Trung Quốc về sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Mark Williams, kinh tế gia trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics, cho biết: “Đồng CNY là ‘nạn nhân’ của động thái hung hăng hơn từ phía chính quyền ông Trump. Và có thể Mỹ sẽ đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn trước thềm bầu cử năm 2020.”
Ông cũng dự đoán rằng đồng CNY sẽ rớt giá dần trong những tháng tới. Ông nhận định, đà sụt giảm mạnh hơn, từ mức 7,50/1 USD, có thể sẽ gây ra làn sóng bán tháo các loại tiền tệ và cổ phiếu của các thị trường mới nổi trên toàn thế giới. Điều này sẽ khiến cuộc khủng hoảng Covid-19 của các nền kinh tế trở nên sâu sắc hơn.
Hơn nữa, việc Washington đưa ra những động thái mang tính “diều hâu” có thể là yếu tố thúc đẩy Bắc Kinh trả đũa. Cả 2 bên trước đó đã cam kết không để xảy ra “cuộc chiến tiền tệ”, nhưng thoả thuận này phụ thuộc vào việc Mỹ có tăng thuế với Trung Quốc hay không.
Hiện tại, Bắc Kinh vẫn duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với tỷ giá hối đoái. Nếu ông Trump áp đặt những lệnh hạn chế gắt gao hơn về vấn đề thương mại, thì việc đồng CNY suy yếu có thể tăng khả năng cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Cố vấn cấp cao của Hội Đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ – Brad Setser, cho biết sẽ không thực tế nếu cho rằng Trung Quốc sẽ “đỡ” giá đồng CNY nếu tình trạng trượt giá xảy ra do quyết định chính sách của Mỹ.” Ông nói thêm: “Điều làm dấy lên câu hỏi liệu chiến lược rút lui (exit strategy) của Trung Quốc có phải là tăng cường xuất khẩu hay không. Đây sẽ là yếu tố tiêu cực, trong bối cảnh nhu cầu trên toàn cầu đang sụt giảm mạnh và còn tiếp diễn trong vài quý tới.”
Một số trader dường như đang đặt cược rằng đồng CNY sẽ sụt giảm mạnh hơn. Sameer Goel– chiến lược gia vĩ mô khu vực châu Á tại Deutsche Bank, cho biết lệnh đặt cược rằng đồng CNY sẽ mất giá so với đồng USD đã tăng nhẹ trong những ngày gần đây, khi căng thẳng leo thang. Ông nói thêm, tuy nhiên, toàn bộ thị trường lại không thay đổi khi đón nhận thông tin về việc thuế quan mới sắp được áp đặt.
Một phần trong những tác động khiến đồng CNY trượt giá là động thái từ PBOC. Đồng tiền tệ của Trung Quốc có 2 mức tỷ giá hối đoái mà NHTW có thể tạo mức độ ảnh hưởng khác nhau. Đối với tỷ giá trong nước quan trọng và được kiểm soát chặt chẽ hơn, PBOC thiết lập tỷ lệ tham chiếu hàng ngày, theo đó đồng CNY có thể di chuyển lên hoặc xuống tối đa 2%.
Goel cho biết PBOC cho đến nay đã nới lỏng quy định gắt gao, cho thấy rằng họ đang nỗ lực “xoa dịu” đà giảm của đồng CNY. Điều này đã đảm bảo với thị trường rằng sẽ không có nỗ lực chính sách nào nhằm vũ khí hoá đồng CNY.
Michelle Lam– kinh tế gia Trung Quốc tại Société Générale, nhận định đồng CNY suy yếu hơn có thể không thúc đẩy mạnh nhu cầu đối với hàng hoá Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn.
Mark Williams cho biết, cuối cùng, đồng CNY sẽ “ở vị trí mà PBOC muốn sắp đặt”. Ông nói thêm: “Họ sẽ cho phép đồng CNY rớt giá phần nào, nhưng không phải là đà giảm quá mạnh. Nếu rớt giá quá mạnh, thì đó dường như sẽ là bước đi ‘thiếu thân thiện’ đối với nhiều quốc gia.”
Tham khảo Financial Times
Theo ICTVietNam