Thay vì tiêu tiền để chứng tỏ bản thân thì chúng ta càng cần tiêu tiền để làm giàu cho chính mình.
Thông qua cách chi tiêu của một người, chúng ta có thể nhận thấy sự trí tuệ, khôn ngoan của họ ẩn đằng sau tư duy tiêu dùng. Càng chi tiêu thông minh bao nhiêu thì số tiền họ kiếm lại được càng nhiều bấy nhiêu. Dòng chảy tài chính không ngừng luân chuyển, có ra có vào, tạo ra sự sinh sôi nảy nở và phát triển tự nhiên. Có như vậy, chất lượng cuộc sống của họ mới ngày càng tốt hơn.
Ngược lại, với những người không biết chi tiêu một cách đúng nghĩa, hoặc là họ hưởng thụ đời sống xa hoa nhưng không đánh đổi được giá trị nào đem về, hoặc là họ quá tiết kiệm, tằn tiện, tự tay cắt giảm chất lượng sinh hoạt của mình. Cả hai trường hợp này đều khiến cuộc sống hiện tại hoặc tương lai trở nên khó khăn, gian khổ hơn, tự tạo cho mình nhiều áp lực hơn.
Vào đầu năm mới, hoặc các dịp lễ Tết, các sự kiện trọng đại trong năm, nếu chú ý quan sát, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra một hiện tượng khá phổ biến trong đám đông. Đó chính là cách ăn mặc của mọi người thể hiện một phần tính cách và phương pháp tiêu dùng của họ. Đại đa số mọi người thường rất để ý ăn diện từ vẻ ngoài, đầu tóc, quần áo, túi xách, điện thoại di động, xe hơi… Một số ít trong đó lại cực kỳ giản dị, bình thường, nhưng trong sự bình thường lại không đánh mất phong thái và sự chuyên nghiệp. Mà đại đa số người ngoài kia thường là gia đình có điều kiện kinh tế trung lưu, bình thường hoặc khá giả. Còn số ít đáng lưu ý lại có điều kiện kinh tế giàu có thực sự.
Trong một khía cạnh khác, phạm vi câu chuyện của hai nhóm người này cũng có đôi phần khác nhau. Đại đa số mọi người bàn về các nhãn hiệu quần áo nổi tiếng, các dòng điện thoại di động đời mới vừa ra mắt trên thị trường, nhu cầu đổi xe máy, đổi xe hơi cho đẹp… Một số ít khác thì chia sẻ về những chuyến du lịch, sự khác biệt trong giáo dục trẻ em, vấn đề kinh tế, đầu tư, hội họa… và một số chủ đề trừu tượng khác. Thông qua những gì họ quan tâm và bàn luận, chúng ta cũng phần nào hiểu được thói quen tiêu dùng của cộng đồng.
Vì thế, không có gì bất ngờ khi người ta đưa ra nhận xét rằng: Người bình thường luôn tiêu tiền vào những nơi bình thường mà ai cũng nhìn thấy, còn người giàu có thực sự thì thích tiêu tiền vào thứ mà người thường không thấy hơn. Mọi chi phí của người thường đều áp dụng cho nhu cầu sinh hoạt thực tiễn, còn chi phí của người giàu luôn được ưu tiên cho mục đích “dùng tiền đẻ ra tiền” nhiều hơn. Đó là lý do mà người nghèo càng tiết kiệm càng nghèo, còn người giàu càng tiêu càng giàu hơn khi chú ý vào 3 khoản sau đây:
Đầu tiên, đầu tư vào bản thân
Dựa vào núi thì núi đổ, dựa vào người thì người chạy mất, chỉ có bản thân mình mới là chỗ dựa vững chắc nhất, năng lực của mình mới là tài sản giá trị nhất. Cho dù nhà đẹp xe sang cũng không đủ để nâng cao khí chất của một người. Kẻ thực sự khôn ngoan và thông minh luôn biết cách đầu tư vào con người của chính mình.
Thứ hai, hiếu kính cha mẹ
Cha mẹ là những người chúng ta phải dành lòng biết ơn sâu đậm nhất trong cả cuộc đời này, bất kể giàu hay nghèo, thành công hay thất bại, giỏi giang nổi bật hay chỉ thường thường bậc trung. Cha mẹ đã dành cả đời để hi sinh cho chúng ta những gì tốt đẹp nhất, nuôi chúng ta khôn lớn thành người, đánh đổi biết bao mồ hôi và công sức. Chính vì thế, dùng số tiền mà tự tay chúng ta kiếm ra bằng tài năng của mình để hiếu kính cha mẹ chính là món quà vô giá nhất báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục lớn như trời biển của họ.
Thứ ba, dùng trong quan hệ với mọi người
Sự phát triển của con người luôn gắn liền với cộng đồng và xã hội xung quanh. Vì thế, duy trì mối quan hệ tốt giữa người với người chính là điều kiện cơ bản nhất để chúng ta thuận lợi phát triển. Vòng tròn quan hệ xã giao cũng như thân thiết chính là nguồn lực mà chúng ta phải chú trọng đầu tư.
Đây là những sự khác biệt cơ bản nhất giữa thói quen tiêu dùng của người giàu và người thường. Khi người thường chủ yếu tiêu cho ba thứ mà ai cũng có thể thấy được là nhu cầu cơ bản của cuộc sống như ăn uống ngủ nghỉ, nhu cầu chứng minh bản thân và nhu cầu mặt mũi, thì người giàu lại tập trung vào ba thứ khác là nhu cầu cơ bản, nhu cầu đầu tư, giáo dục, du lịch, các hoạt động xã hội và nhu cầu tinh thần như giá trị tâm linh, tri thức, các mối quan hệ xã hội. Một khi chúng ta xây dựng cho mình thói quen tiêu tiền vào những nơi thực sự giá trị, chúng ta mới có thể ngày càng giàu có hơn, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Theo Trí thức trẻ