Hàng nghìn tỷ yên hỗ trợ tài chính từ BOJ vẫn không đủ để ngân hàng trung ương Nhật Bản làm hài lòng các ngân hàng thương mại, khi phần lớn các nhà cho vay tiếp tục phản đối kịch liệt chính sách lãi suất âm.
Trong khi các chương trình hỗ trợ cho vay trong giai đoạn đại dịch trị giá 75 nghìn tỷ yên (700 tỷ USD) của BOJ được hoan nghênh, các quan chức cấp cao của ngành ngân hàng, được phỏng vấn bởi Bloomberg, cho biết quan điểm phổ biến trong ngành vẫn là lãi suất âm bòn rút lợi nhuận ngân hàng thương mại không bao giờ nên áp dụng và cần được loại bỏ hoàn toàn.
Các ý kiến cho rằng ngay cả khi đang ở giữa cuộc khủng hoảng kinh tế, BOJ vẫn cần sử dụng chính sách lãi suất cao hơn, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng cảm thấy miễn cưỡng phải hạ thấp hoặc thử nghiệm lãi suất âm.
Cuộc họp sắp tới của BOJ sẽ diễn ra vào ngày 15-16/6, được dự đoán sẽ không có chuyện hạ lãi suất hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp mới nào. Để đối phó với virus, cho đến nay, BOJ đã cam kết mua trái phiếu chính phủ không giới hạn, mở rộng mua quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và đưa ra hai chương trình cho vay không lãi suất.
Tuy nhiên đối với các ngân hàng thương mại, chiến lược lãi suất âm của BOJ nhằm kích thích nền kinh tế và giá cả phục hồi đã làm xói mòn biên lợi nhuận của họ. Điều đó dẫn đến quan hệ lạnh nhạt giữa các giám đốc điều hành ngân hàng và các nhà hoạch định chính sách.
Kanetsugu Mike, đại diện cho 117 ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng Nhật Bản, là người nêu lên vấn đề về lợi nhuận bị siết chặt.
“Biên lợi nhuận của không chỉ các ngân hàng mà tất cả các tổ chức tài chính đã trở nên eo hẹp khi lãi suất giảm và đường cong lãi suất bị san phẳng”, Mike, người cũng là giám đốc điều hành của MUFG Bank, nói.
BOJ bắt đầu áp dụng lãi suất chính sách âm từ năm 2016. Giai đoạn những năm tài khóa 2016 đến 2019, thu nhập lãi ròng trong nước tại các ngân hàng của Hiệp hội đã giảm xuống còn 5,9 nghìn tỷ yên, từ mức 6,4 nghìn tỷ yên trước đó.
Biên lãi ròng trung bình, thước đo lợi nhuận từ hoạt động cho vay, đã thu hẹp xuống còn 1,08% trong số những người cho vay trên Topix Banks Index, từ mức 1,23% trước khi chính sách lãi suất âm được áp dụng vào năm 2016.
Ngân hàng trung ương xứng đáng được đánh giá cao vì hành động của mình kể từ tháng 3 để giảm bớt căng thẳng thị trường tiền tệ thông qua việc cung cấp thanh khoản, đặc biệt là cung cấp đồng đô la, hai đại diện từ các ngân hàng thương mại lớn cùng bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, ngân hàng trung ương trên thực tế cũng có nghĩa vụ phải làm điều đó, bởi vì chính sách lãi suất âm của BOJ đã buộc các ngân hàng thương mại phải tìm kiếm cơ hội kinh doanh ngoài nước, và vì vậy làm gia tăng nhu cầu đô la của các ngân hàng này, vị giám đốc điều hành ngân hàng nói thêm.
Trong khi đó đối với các ngân hàng khu vực nhỏ, các chương trình tài trợ cho vay của ngân hàng trung ương có tầm quan trọng lớn hơn so với việc cung cấp đồng đô la, vì nó giúp họ có thể cung cấp vốn để giữ cho các doanh nghiệp bên vay tồn tại qua giai đoạn đại dịch tác động kinh tế.
Một quan chức cao cấp của BOJ đã đối thoại với các ngân hàng và điều chỉnh chương trình theo nhu cầu của họ. Đặc biệt, các ngân hàng hoan nghênh quyết định trả lãi 0,1% cho các khoản dự trữ bắt buộc tại BOJ, cho rằng đó là quyết định hợp lý, quan chức nói trên cho biết thêm.
Tuy nhiên, cả ba giám đốc điều hành ngân hàng lớn và ba quan chức ngân hàng khu vực được Bloomberg đặt câu hỏi đều cho rằng BOJ nên chấm dứt chính sách lãi suất âm.
Bất chấp sự phản đối liên tục trong cộng đồng ngân hàng thương mại, ngân hàng trung ương Nhật bản vẫn khẳng định rằng việc cắt giảm lãi suất vẫn là một lựa chọn hàng đầu.
Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho biết hồi tháng Năm rằng việc hạ thấp hơn lãi suất âm vẫn chưa cần thiết vào thời điểm đó. Nhưng với GDP quý này được dự báo sẽ thu hẹp lớn nhất trong hơn sáu thập kỷ, ngân hàng trung ương có thể cần phải hành động nhiều hơn trong những tháng tới.
BOJ nhận thức được các tác dụng phụ chồng chất từ chính sách lãi suất thấp kéo dài. Tuy nhiên, các quan chức của BOJ cũng không chắc chắn rằng nếu việc tăng lãi suất lên 0 hay cao hơn sẽ giúp ích cho các ngân hàng nhưng liệu có dẫn đến nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn, đồng yên mạnh lên và chứng khoán đảo chiều, theo những người quen thuộc với vấn đề này cho biết.
Các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát vào tháng 6 nói rằng xuất khẩu sẽ bị thiệt hại khi tỷ giá đồng yên vượt quá 98 JPY/USD, điều này hàm ý BOJ cần hạ lãi suất để phá giá nội tệ.
Đồng đô la được giao dịch ở mức khoảng 107 JPY/USD vào chiều thứ Năm, một khoảng cách khá xa so với mức khuyến nghị nêu trên.
Một số nhà kinh tế cho rằng việc nhiều ngân hàng trung ương hơn áp dụng lãi suất âm là yếu tố có khả năng duy nhất để buộc BOJ phải hạ thấp hơn lãi suất.
Dù sao đi nữa, các chương trình tài trợ cho vay của BOJ vẫn không thể thay đổi được quan điểm của các ban điều hành ngân hàng thương mại, một quan chức ngân hàng cho biết.
Hỗ trợ cho vay giai đoạn đại dịch và lãi suất âm cần phải được xem xét riêng. Các trợ giúp cho vay không có nghĩa là cho phép BOJ có quyền tự do làm bất cứ điều gì họ muốn với lãi suất âm, quan chức này nói.
Theo Thời báo Ngân hàng