Sáng nay 1/10, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2019. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Tại cuộc họp báo sáng nay, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc dừng cho vay ngoại tệ nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hóa trong nền kinh tế.
Bắt đầu từ ngày 1/10, các ngân hàng thương mại chính thức chấm dứt việc cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp có nhu cầu vay ngoại tệ trung dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ.
Nội dung trên được quy định tại Thông tư 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định về cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.
Trước đó, từ ngày 01/4/2019, các ngân hàng cũng đã dừng cho vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước. Các doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ ngắn hạn phải chuyển từ vay sang mua ngoại tệ trên thị trường hoặc vay vốn bằng VND.
Đây là chủ trương đã được đưa ra từ khá lâu.“Đáng ra chúng ta phải làm sớm hơn, tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ trương đã được giãn ra nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đặc thù.
“Các tổ chức tín dụng được phép mua bán ngoại tệ, cùng với quỹ dự trữ ngoại hối khoảng 70 tỷ USD, chúng tôi thấy rằng kết thúc cho vay ngoại tệ và chuyển sang quan hệ mua bán thời điểm này là hợp lý”, Phó Thống đốc nói
Tại Thông tư Thông tư 42/2018/TT-NHNN thì các tổ chức tín dụng chỉ được xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn gồm:
- Cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay;
- Cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hàng năm để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay;
- Cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.
Khi được TCTD giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán lại số ngoại tệ vay đó cho chính TCTD đó theo hình thức giao dịch giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật qui định đồng tiền thanh toán phải bằng ngoại tệ.
- Cho vay để đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư ra nước ngoài.
Theo Công Luận