Các chuyên gia từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế đến nhà quản lý tài sản nghìn tỷ BlackRock đang cảnh báo về rủi ro gây ra bởi các khoản nợ đầu tư sẽ dẫn đến sự suy thoái của nền kinh tế nước Mỹ trong thời gian sắp tới.
Các tập đoàn của Mỹ đang phải chịu nhiều khoản nợ lớn với con số đạt gần 10 nghìn tỷ USD. Con số này đã phá vỡ mọi kỷ lục về nợ trong lịch sử đất nước Mỹ khi những khoản nợ này tương đương với khoảng 47% toàn bộ nền kinh tế, theo Washington Post.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các tập đoàn đã vướng vào trong bối cảnh nợ nần với những số liệu làm bất ngờ các chuyên gia kinh tế. Trong những tháng gần đây, các chuyên gia đã cảnh báo rằng khoản nợ của các tập đoàn đang ‘phình to’ và có thể sẽ làm suy thoái nền kinh tế trong tương lai sắp tới.
Dưới đây là những gì các chuyên gia từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và tập đoàn quản lý tài sản hàng nghìn tỷ USD – BlackRock đánh giá về tình trạng khoản nợ của các tập đoàn đang tăng nhanh.
Quỹ Tiền tệ Quốc Tế (IMF)
Khi các ngân hàng Trung ương trên thế giới nới lỏng chính sách tiền tệ trong thập kỷ qua, các tập đoàn đã cảm thấy được khuyến khích để theo đuổi những “rủi ro tài chính”. Sự năng động đó đã làm cho một số nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn với suy thoái kinh tế, theo một báo cáo từ IMF được công bố vào tháng Mười.
“Sự ảnh hưởng của các tập đoàn hoàn toàn có thể tạo ra những cú sốc lớn cho nền kinh tế, vì việc phá sản của doanh nghiệp có thể khiến cho các nhà đầu tư chán nản, khiến tỉ lệ thất nghiệp cao hơn, đồng thời gây ra tổn thất cho các ngân hàng”.
Trong một cuộc suy thoái nghiêm trọng bằng một nửa cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, những khoản nợ khổng lồ ngày càng tăng của các tập đoàn không thể trang trải chi phí lãi với lợi nhuận hiện tại sẽ có thể tăng lên con số 19 nghìn tỷ USD, hoặc gần 40% tổng số nợ của các tập đoàn thuộc những nền kinh tế lớn khác, IMF cho biết.
BlackRock
Nhà quản lý tài sản hàng nghìn tỷ USD cho biết trong một báo cáo vào tháng 10 rằng trái phiếu xếp hạng BBB, khung thấp nhất của các mức xếp hạng nợ đầu tư, hiện chiếm hơn 50% thị trường so với 17% năm 2001.
Khi nhu cầu xếp hạng nợ đầu tư tăng lên, uy tín của các tổ chức phát hành sẽ ngày càng giảm. Theo BlackRock, sự leo thang này đang dần tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1992.
“Chúng tôi tin rằng sự gia tăng mạnh về tỷ lệ các thành phần được xếp hạng BBB đã khiến ngành trái phiếu cấp đầu tư gặp rủi ro hơn so với những năm gần đây. Trái phiếu BBB là yếu tố dễ bị tổn thương nhất trong tất cả các xếp hạng nợ đầu tư trong thời kỳ suy thoái”, theo báo cáo của BlackRock.
Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ
Ngân hàng Trung ương cảnh báo trong Báo cáo ổn định tài chính tháng 11 rằng các công ty rủi ro nhất đã chiếm phần lớn nợ trong những năm gần đây.
Ngoài ra Cục dự trữ Liên bang cũng bày tỏ lo ngại về khoản nợ khổng lồ được xếp hạng BBB sắp đạt mức cao nhất mọi thời đại.
“Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, việc hạ giá trái phiếu xuống mức xếp hạng đầu cơ có thể khiến các nhà đầu tư nhanh chóng bán trái phiếu xuống cấp, làm tăng tính thanh khoản thị trường và áp lực giảm giá trong một phân khúc thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã thể hiện tính thanh khoản tương đối thấp”, theo báo cáo của ngân hàng Trung ương.
Tỷ lệ nợ trên tài sản của tất cả các công ty phi tài chính giao dịch công khai đã đạt mức cao nhất trong hai thập kỷ và tỷ lệ leo thang giữa các công ty nợ nhiều đã gần đạt đến gần mức cao lịch sử, Fed nói thêm.
Theo NĐT