Giá vàng thập niên 1970 hay bất động sản những năm 2000 đều tăng hàng trăm phần trăm trước khi lao dốc. Tuy nhiên, Bitcoin đang tăng giá với tốc độ nhanh hơn mọi bong bóng.
Theo Coindesk, vào sáng 7/1 (theo giờ New York), giá Bitcoin thiết lập kỷ lục giá mới 41.909,73 USD/đồng, trước khi quay đầu giảm xuống vùng 40.700 USD. Tuy nhiên, so với một ngày trước đó, giá đồng tiền này vẫn tăng đến 5,3%.
Như vậy, đồng Bitcoin đã tăng 200% giá trị so với tháng trước và hơn 400% trong vòng 12 tháng qua. Tính từ ngày 1/1/2021, đồng tiền mã hóa này tăng giá hơn 30%.
Các nhà quan sát cho biết giới đầu tư đổ tiền vào thị trường Bitcoin do nguồn cung tiền mặt tăng vọt trên toàn cầu. Hàng loạt chính phủ tăng chi tiêu để bảo vệ việc làm và hỗ trợ người lao động trong cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19. Trong khi đó, tiền mã hóa được coi là một trong những hàng rào chống rủi ro tiền pháp định mất giá.
Cơn cuồng đầu cơ
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư Phố Wall cảnh báo việc Bitcoin tăng nóng chỉ là dấu hiệu của cơn “cuồng đầu cơ”. CNN dẫn lời ông Michael Hartnett, chiến lược gia đầu tư tại Bank of America Securities, nhận định Bitcoin là “mẹ của mọi bong bóng”.
Trong một báo cáo, ông Hartnett chỉ ra đồng tiền này đã tăng giá khoảng 1.000% trong vòng hai năm qua. Đáng nói là mức tăng đó lớn hơn nhiều những bong bóng từng xuất hiện trong vài thập kỷ qua.
Chẳng hạn, vào cuối những năm 1970, giá vàng tăng vọt hơn 400%. Cùng với đó là chứng khoán Nhật Bản cuối thập niên 1980, chứng khoán Thái Lan giữa thập niên 1990, dot-com cuối những năm 1990 và giá bất động sản giữa thập niên 2000. Tất cả đều ghi nhận mức tăng hàng trăm phần trăm trước khi sụp đổ.
Ông Hartnett không dự báo giá Bitcoin sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, ông dùng biến động giá của tiền mã hóa để chỉ ra rằng yếu tố đầu cơ ngày càng gia tăng trên thị trường.
Ông Hartnett không phải người duy nhất đưa ra cảnh báo về Bitcoin. Một số chuyên gia cho rằng đồng USD đã ổn định trở lại trong thời gian gần đây. Điều đó triệt tiêu vai trò của Bitcoin như một công cụ phòng ngừa rủi ro đồng bạc xanh mất giá. Như vậy, động lực đầu cơ đang chi phối mạnh thị trường tiền mã hóa.
“Giờ đây, mục đích của những kẻ ‘săn Bitcoin’ không còn là phòng vệ trước cuộc khủng hoảng đồng USD. Họ chỉ đơn giản trả gấp đôi cho một ‘tài sản’ so với giá của nó vào Lễ Tạ ơn”, CNN dẫn lời ông Mike O’Rourke, chiến lược gia thị trường của hãng JonesTrading, bình luận.
“Theo tôi, tiền mã hóa là một công cụ đầu cơ chứ không phải tài sản tài chính. Đà tăng của tiền mã hóa hoàn toàn được thúc đẩy bởi động lực đầu cơ. Các nhà đầu tư mong muốn làm giàu nhanh chóng và sợ bỏ lỡ cơ hội”, chuyên gia phân tích Jeffrey Halley tại hãng tư vấn Oanda (Mỹ) trả lời Zing.
Câu chuyện cung cầu
“Khi một tài sản tài chính có biến động giá hơn 10% trong ngày, thật nực cười khi coi nó là một tài sản chủ đạo mà các nhà đầu tư nên xem xét nghiêm túc”, chuyên gia Halley khẳng định.
Tuy nhiên, những người ủng hộ Bitcoin tin rằng sự tham gia của các tổ chức đầu tư lớn sẽ giúp duy trì đà tăng giá của đồng tiền. Mới đây, nhóm chiến lược gia của ngân hàng JPMorgan, đứng đầu là chuyên gia Nikolaos Panigirtzoglou, dự báo về dài hạn, giá trị vốn hóa của Bitcoin sẽ tăng 4,6 lần, tức mỗi đồng Bitcoin trị giá 146.000 USD.
Nguyên nhân là dòng tiền của các nhà đầu tư tổ chức (quỹ đầu tư, ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm…) sẽ chuyển từ thị trường vàng sang Bitcoin. “Một trong những điểm thú vị của Bitcoin là khi giá càng cao, rủi ro càng giảm”, nhà đầu tư nổi tiếng Bill Miller bình luận. “Điều đó trái ngược những gì xảy ra với hầu hết cổ phiếu”, ông nói thêm.
Nhà đầu tư Miller giải thích đà tăng của Bitcoin là “câu chuyện cung và cầu”. Khoảng 900 Bitcoin được tạo ra mỗi ngày, trong khi các tổ chức và nhà đầu tư lẻ đang săn lùng một lượng lớn nguồn cung có sẵn.
Những biến động giá của Bitcoin là cái giá mà quý vị phải trả cho lợi nhuận của nó
– Nhà đầu tư Bill Miller
Chẳng hạn, Công ty MicroStrategy mua hơn 70.000 Bitcoin và còn có kế hoạch mua thêm. Nhà quản lý tài sản Ruffer Investment (có trụ sở tại London) cũng đổ 740 triệu USD vào Bitcoin hồi cuối năm 2020.
Các nền tảng thanh toán như Square và payPal cũng chuyển vốn vào Bitcoin. Chẳng hạn, trong quý III/2020, Square báo cáo doanh thu tính bằng Bitcoin thông qua ví di động Cash App đạt kỷ lục 1 tỷ USD .
“Quý vị cần đề phòng rằng Bitcoin rất dễ bay hơi”, ông Miller cảnh báo. “Nếu các vị không thể nắm bắt được biến động giá, đừng nên sở hữu nó. Những biến động giá của Bitcoin là cái giá mà quý vị phải trả cho lợi nhuận của nó”, ông khẳng định.
Theo Zing