John D. Rockefeller luôn dành thời gian ngủ ngắn mỗi ngày, trả nợ đúng hạn và rất tôn trọng nhân viên.
Ông vua dầu lửa Mỹ – John D. Rockefeller trở thành tỷ phú năm 1916, với tài sản tương đương gần 2% GDP cả nước khi đó. Ông là tỷ phú đầu tiên của nước Mỹ và cũng được coi là người giàu nhất lịch sử nước này.
Tác giả sách – Ron Chernow cho rằng phong cách lãnh đạo cương quyết đã giúp ông trở thành một trong những doanh nhân thành công nhất thế giới. Trong cuốn “Người khổng lồ: Cuộc đời của John D. Rockefeller Sr.”, Chernow đã viết rất nhiều về phong cách quản trị của Rockefeller – thứ không chỉ giúp ông tạo ra cuộc cách mạng trong ngành dầu mỏ, mà còn mang đến cả của cải và danh tiếng.
Thành thật và đáng tin
Ông vua dầu lửa là người cực kỳ khắt khe về tính trung thực. Ông không bao giờ gian lận số liệu hay nói mập mờ để che đậy sự thật. Ông cũng luôn trả nợ đúng hạn.
Việc này khiến các ngân hàng rất tin tưởng Rockefeller và nhiều lần đứng ra giải cứu đế chế dầu mỏ Standard Oil của ông. Các nhà băng thậm chí gia hạn trả nợ, và đề xuất cho vay thêm khi việc kinh doanh của ông gặp trục trặc.
Dành thời gian nghỉ ngơi
Rockefeller từng nổi giận vì bị cho là cuồng công việc. “Chẳng ai đáng thương hơn một người dành toàn bộ thời gian thức trong ngày để kiếm tiền“, ông cho biết trong một cuốn hồi ký.
Rockefeller làm việc với tốc độ khá thư thái. Ông chợp mắt mỗi ngày sau bữa trưa và ngủ ngắn trên ghế sau bữa tối. Khi ngoài 30 tuổi, ông lắp đường dây điện báo, nối văn phòng và nhà riêng. Bằng cách này, ông có thể ở nhà 3,4 buổi chiều mỗi tuần, làm vườn và tận hưởng cuộc sống ngoài trời.
Lập kế hoạch mỗi ngày
Rockefeller lập kế hoạch chi tiết về những việc làm mỗi ngày và bám sát lịch trình đó. Mỗi giờ của tỷ phú đều được phân chia rất chặt, từ công việc, tôn giáo, gia đình đến tập luyện. Theo Chernow, việc này giúp Rockefeller giải quyết được “các căng thẳng” tại đế chế dầu mỏ của mình, do chúng có thể dễ dàng trở nên mất kiểm soát.
Theo sát tài chính công ty
Phong cách lãnh đạo của Rockefeller là “nhìn xa trông rộng”. Ông dựa hoàn toàn vào số liệu để đánh giá công ty có đang đi đúng hướng hay không. Cách này giúp ông tạo ra một “thước đo khách quan” để so sánh giữa các bộ phận và công ty con.
Ủy quyền công việc
Để điều hành tốt một doanh nghiệp quy mô lớn như vậy, Rockefeller phải giao bớt công việc cho những người ông tin tưởng. Trên thực tế, một trong các quy tắc của công ty ông là phải đào tạo cấp dưới làm việc của mình.
Rockefeller từng nói với một nhân viên mới: “Ngay khi có thể, hãy tìm ai đó anh có thể tin tưởng, đào tạo anh ta và nghĩ ra cách giúp Standard Oil kiếm tiền“. Với tỷ phú, điều này sẽ giúp ông thoát khỏi các vấn đề thường ngày để tập trung cho các chính sách chiến lược rộng hơn.
Vươn tới sự hoàn hảo
Rockefeller là người luôn theo đuổi sự hoàn hảo, không muốn làm bất kỳ việc gì bừa bãi, dù nó buồn tẻ đến mấy. Một lãnh đạo cấp cao của công ty từng chứng kiến ông ký từng bức thư rất cẩn trọng và chính xác, như thể đang tạo ra một tác phẩm nghệ thuật vậy. Văn hóa này không chỉ dừng lại ở cá nhân tỷ phú, mà còn lan ra cả công ty sau này.
Tạo ra sự thống nhất
Một trong những tài năng của Rockefeller là tạo ra sự thống nhất và giải quyết mâu thuẫn giữa các lãnh đạo công ty. Ông sẽ lắng nghe ý kiến của tất cả mọi người trước tiên, sau đó đưa ra đề xuất của bản thân, rồi nhượng bộ để duy trì sự đoàn kết. Ông cũng không thực hiện sáng kiến nào không được sự đồng ý của cả hội đồng quản trị.
Tạo ra cạnh tranh
Nếu không có cạnh tranh, một tổ chức sẽ rất dễ biến thành một gã khổng lồ trì trệ. Để tránh việc này, Rockefeller tạo ra một hội đồng gồm các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực. Nhiệm vụ của họ là đưa ra tiêu chuẩn hoạt động cho tất cả chi nhánh của Standard Oil. Việc này sẽ tạo ra cạnh tranh giữa các chi nhánh để có kết quả tốt nhất và giành giải thưởng của công ty.
Tôn trọng nhân viên
Rockefeller thích quan điểm rằng Napoleon Bonaparte sẽ không thành công đến vậy nếu không có các tướng lĩnh của mình. Tương tự, ông cho rằng thành công của ông một phần đến từ khả năng khuyến khích nhân viên.
Nhân viên của ông được quyền tự chủ trong công việc. Rockefeller cũng lịch sự và thân thiện với lao động cấp dưới. Khi cần chỉ trích, ông không nổi nóng và vẫn giữ được sự nhã nhặn trong những tình huống căng thẳng. Vì thế, dù chẳng mấy khi khen ngợi nhân viên, Rockefeller vẫn được họ tôn sùng và luôn tìm cách khiến ông hài lòng.
Theo VnExpress