Trung Quốc – đất nước ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên toàn cầu và hiện vẫn đang nỗ lực chống lại sự lây lan của virus corona – đã chịu thiệt hại khủng khiếp về kinh tế trong quý I năm nay. Lần đầu tiên trong hơn 30 năm qua, GDP của nước này tăng trưởng âm (suy thoái).
Tổng cục thống kê Trung Quốc công bố tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội quý I/2020 giảm tới 9,8% (cao hơn so với dự báo: -9,9% theo Investing; nhưng thấp hơn nhiều kì trước: 1,5%).
GDP hàng năm suy giảm nghiêm trọng 6,8% (tệ hơn kì vọng: -6,5% và thấp hơn nhiều so với năm trước: 6,0%) đánh dấu tăng trưởng âm lần đầu tiên trong vòng 28 năm qua.
Số liệu được Tổng cục thống kê quốc gia Trung Quốc công bố sáng nay (17/4) cho thấy, các chỉ số kinh tế chính đều giảm mạnh.
Trong đó, tổng mức bán lẻ giảm tới 19%, đầu tư tài sản cố định giảm 16,1% và xuất nhập khẩu tính theo đồng Nhân dân tệ giảm 6,4%. Giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp có quy mô lớn giảm 8,4%.
Mặc dù giới chức Trung Quốc đã nỗ lực vực dậy một số lĩnh vực của nền kinh tế vào tháng 2 sau khi tốc độ lây lan của dịch Covid-19 tại nước này bắt đầu chậm lại, song các chuyên gia phân tích cho rằng giới hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn phải đối mặt với thách thức cực lớn trong bối cảnh đại dịch khiến nhu cầu tiêu thụ toàn cầu giảm.
Các số liệu công bố cũng cho thấy, tình hình đã có cải thiện hơn trong tháng 3 khi Trung Quốc cơ bản đã khống chế được dịch bệnh trong nước nhưng vẫn chưa đạt ở mức trước khi dịch xảy ra.
Đến nay, Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp cắt giảm thuế và phí cho các doanh nghiệp với quy mô khoảng 1,6% GDP. Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ tương đối ổn định, không nới lỏng quy mô lớn như các nước. Các chích sách chủ yếu tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nơi thu nạp khoảng 80% lao động của Trung Quốc.
Ngân hàng đầu tư Nomura dự đoán, Trung Quốc sẽ tung ra một gói kích thích kinh tế trong thời gian tới, ngân hàng trung ương có thể sẽ bơm tiền vào nền kinh tế thông qua nhiều kênh khác nhau. “Tuy nhiên, khác với các đợt nới lỏng tài khóa trước kia, lần này, chúng tôi cho rằng nguồn tài chính mới sẽ được sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19”, ngân hàng Nomura nhận định.
Trung Quốc cũng đang soạn thảo gói kích thích kinh tế tổng thể, trong đó có nâng mức bội chi ngân sách, phát hành trái phiếu đặc biệt và nới rộng hạn mức phát hành trái phiếu xây dựng hạ tầng cho các địa phương. Gói kích thích này dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp Thường vụ Quốc hội Trung Quốc cuối tháng này.
Tổng hợp