(GVNET) – Tóm tắt
- Thị tường vàng miếng chuẩn bị kết thúc tuần thứ 6 bán vàng bình ổn với diễn biến đi ngang.
- Với mức giá 76,98 triệu đồng/lượng, vàng miếng hiện đang cao hơn vàng thế giới trên 2 triệu đồng.
- Diễn biến ổn định của thị trường vàng có thể sẽ chưa chấm dứt.
Nội dung
Tính đến hết tuần này, thị trường vàng miếng sẽ ghi nhận 6 tuần bán vàng với giá “bình ổn”. Nếu không có sự thay đổi về giá, vàng miếng sẽ có 5 tuần đi ngang liên tiếp với mức giá bán cố định tại 76,98 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới kết thúc phiên vừa qua tăng 0,6% lên ngưỡng 2378 USD/ounce, giá sau quy đổi đạt 74,8 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng miếng 2,1 triệu đồng. Trong tuần này, mức chênh giữa hai thị trường luông duy trì trong ngưỡng trên 2 triệu đến dưới 3 triệu đồng.
Giá mua – bán vàng miếng tại các doanh nghiệp trong phiên sáng 11/7/2024:
- SJC Hồ Chín Minh: 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua – bán là 2 triệu đồng.
- Doji Hà Nội: 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua – bán 2 triệu đồng.
- BTMC: 75,50 – 76,98 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua – bán là 1,48 triệu đồng.
- Phú Quý: 75,50 – 76,98 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua – bán là 1,48 triệu đồng.
- 4 ngân hàng thương mại Nhà nước duy trì giá bán vàng miếng SJC ở mức 76,98 triệu đồng/lượng.
Trong quý I/2024, biến động giá vàng đã dẫn đến việc nhiều tổ chức điều chỉnh dự báo giá vàng năm 2024 lên cao hơn so với ước tính ban đầu. Bank of America dự báo giá vàng có thể đạt 3.000 USD/ounce vào cuối năm 2024, trong khi Long Forecast dự đoán con số này là 2.652 USD/ounce. Ngoài ra, dự báo cũng chỉ ra rằng xu hướng tăng giá vàng sẽ tiếp tục vào năm 2025.
Yếu tố thúc đẩy giá vàng tăng bao gồm căng thẳng tại Đông Âu và Trung Đông, khả năng Fed giảm lãi suất vào quý III/2024 khiến nhiều ngân hàng trung ương khác cũng cắt giảm lãi suất, bầu cử sắp tới ở Mỹ gây bất ổn tâm lý, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và các lệnh trừng phạt Nga làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, ngân hàng trung ương các nước vẫn tiếp tục mua vàng tích cực.
Tuy nhiên, cũng có các yếu tố có thể hỗ trợ giảm giá vàng trong tương lai. Cụ thể, nhu cầu dự trữ vàng của Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã chững lại vào tháng 5/2024, điều này có thể hỗ trợ cho xu hướng giảm giá vàng.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đề xuất với Chính phủ sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, khả năng sẽ tác động tích cực tới việc bình ổn giá vàng khi nguồn cung được nới lỏng.
Theo chuyên gia, giá vàng đã tăng cao ở mức kỷ lục từ trước tới nay và đã có xu hướng giảm trong vòng hơn 1 tháng qua. Khả năng cao trong những tháng cuối năm 2024, giá vàng sẽ bình ổn và dao động ở mức giá hiện tại ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Nhìn chung, để có được một thị trường ổn định trong dài hạn, cần phải xây dựng một thị trường vàng mang tính chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế. Cần xem xét sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng hội nhập quốc tế.
Giavang.net