Đồng baht của Thái Lan đã tăng vọt so với đồng đôla Mỹ kể từ đầu năm đến nay, mức tăng mạnh hơn nhiều so với các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi khác. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, sức mạnh đó của đồng baht Thái đang làm dấy lên mối lo ngại sẽ làm suy yếu nền kinh tế.
Số liệu thống kê cho thấy, đồng nội tệ của Thái Lan đã tăng 5% so với đồng đôla Mỹ kể từ đầu năm; còn so với thời điểm này năm ngoái, đồng baht Thái đã tăng gần 8%. Mặc dù nhiều đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi khác trong khu vực cũng tăng giá so với đồng đôla Mỹ, nhưng mức tăng vẫn kém xa đồng baht. Chẳng hạn kể từ đầu năm đến nay, đồng rupiah của Indonesia cũng như peso của Philippines chỉ tăng giá khoảng 3% so với đồng USD.
“Các nhà hoạch định chính sách và các nhà xuất khẩu của Thái Lan một lần nữa bày tỏ sự quan ngại về sức mạnh của đồng baht”, Gareth Leather – Chuyên gia kinh tế cao cấp về châu Á của Capital Economics đã viết trong một lưu ý hồi đầu tháng này. “Mặc dù hầu hết các đồng tiền (của các thị trường mới nổi) cũng tăng giá so với đồng đôla Mỹ trong những tháng gần đây, nhưng không có đồng tiền nào tăng giá nhiều như đồng baht”.
Hai trong những yếu tố làm nên sức mạnh của đồng baht Thái là thặng dư thương mại lớn của Thái Lan và một chính sách “diều hâu” (thiên về thắt chặt) của ngân hàng trung ương. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác.
“Một đồng tiền mạnh đang có những tác động xấu tới nền kinh tế (Thái Lan) khi làm tổn thương xuất khẩu”, Prakash Sakpal – một nhà kinh tế châu Á tại Dutch bank ING nói với CNBC. Quả vậy về lý thuyết, việc đồng nội tệ mạnh hơn có thể làm cho hàng hóa xuất khẩu của nước này đắt hơn, qua đó khiến chúng kém hấp dẫn hơn trên thị trường quốc tế.
Các nhà phân tích thuộc ngân hàng DBS của Singapore cũng cho biết hôm thứ Hai (29/7) rằng, đồng baht mạnh là tin xấu đối với khả năng cạnh tranh thương mại của Thái Lan. Trích dẫn một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Thái Lan, các nhà phân tích này cho biết, đồng baht Thái tăng giá 1% so với đồng đôla sẽ làm tăng giá xuất khẩu – tính theo đồng đôla – thêm 0,3%.
Trong khi đó, xuất khẩu của Thái Lan đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng Năm, giảm 5,79% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này là tồi tệ hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters là chỉ giảm 3,6%.
Dữ liệu được công bố hôm thứ Ba (30/7) cũng cho thấy một tình cảnh tương tự đối với hoạt động sản xuất của Thái Lan khi mà sản lượng sản xuất giảm 5,54% so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh hơn nhiều so với dự báo của giới chuyên môn là chỉ giảm 3,15%.
“Cần hết sức lưu ý rằng, trong bối cảnh thương mại có xu hướng suy yếu, cộng thêm triển vọng đầy thách thức đối với tăng trưởng khu vực… một loại tiền tệ mạnh xuất hiện vào thời điểm không thuận lợi”, các nhà phân tích của DBS cho biết, đề cập đến việc xuất khẩu và cả nhập khẩu chậm lại, trong khi du lịch cũng giảm.
NHTW Thái Lan có thể nhượng bộ trước áp lực này và cắt giảm lãi suất để kiềm chế sự mạnh lên của đồng baht, các nhà kinh tế cho biết. Tuy nhiên, họ không lạc quan về hiệu quả của động thái cắt giảm lãi suất.
“NHTW Thái Lan có thể xem xét cắt giảm lãi suất để hạn chế đà tăng của đồng baht, nhưng đó không phải là thuốc chữa bách bệnh”, các nhà phân tích của BBS cho biết và nói thêm rằng, việc cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản cũng mới chỉ “hoàn trả” động thái tăng lãi suất vào tháng 12 năm ngoái.
Nhà kinh tế Sakpal của ING cũng nói tương tự như vậy rằng, tác động của việc cắt giảm lãi suất là khá hạn chế. “Mặc dù điều này (giảm lãi suất) sẽ hạn chế phần nào áp lực tăng giá, nhưng đồng baht khó có thể bị tước mất ngôi vị là đồng tiền mới nổi tăng giá mạnh nhất”, ông nói.
Theo Thời báo Ngân hàng