Việc giá vàng thế giới xuống sẽ tác động đến giá vàng trong nước nhưng các doanh nghiệp kinh doanh vàng, đặc biệt là doanh nghiệp “độc quyền” không thể để giá xuống quá thấp so với mức giá đảm bảo có lợi nhuận…
Trong tuần, giá vàng trong nước ghi nhận sức bật tăng mạnh sau chuỗi dài ngày giảm giá sâu. Tuy nhiên, lượng giao dịch trên thị trường dường như không đáng kể do tâm lí dè chừng ở cả phía nhà đầu tư và công ty kinh doanh vàng.
Khảo sát củA VnEconomy thực hiện với một số nhà đầu tư cá nhân tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, mức chênh lệch quá rộng giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới khiến các nhà đầu tư bất an, thay vì lao vào bắt sóng đà lên của thị trường thì các nhà đầu tư chọn giải pháp ngồi nhìn diễn biến của thị trường.
VÌ SAO GIÁ TRONG NƯỚC CHÊNH LỆCH LỚN VỚI THẾ GIỚI?
Nói về độ chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ, sự chênh lệch này chủ yếu do chi phí vàng ở trong nước cao, các chi phí này bao gồm công chế tác, thuế nhập khẩu và các loại chi phí giao dịch, kinh doanh… Một phần, do có sự chênh lệch như vậy các nhà đầu tư tại Việt Nam nên không coi vàng là kênh đầu cơ, lướt sóng. Bên cạnh đó, hiện vàng là loại tài sản đang được Nhà nước quản lý chặt chẽ và ổn định giá. Chỉ có Ngân hàng Nhà nước được phép xuất nhập khẩu vàng nên nhu cầu về đầu cơ vàng của Việt Nam là tương đối thấp. Đó cũng là lí do thị trường vàng không còn nhộn nhịp như giai đoạn trước.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Hồng, Chủ một tiệm vàng nhỏ ở Hà Nội chia sẻ, thị trường vàng Việt Nam liên thông với thị trường thế giới nên việc lên xuống của giá vàng thế giới sẽ kéo theo sự lên xuống của giá vàng trong nước, mặc dù có độ trễ nhất định. Tuy nhiên, độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đang làm các nhà đầu tư lo lắng khi quyết định đầu tư vào vàng.
Theo góc nhìn của Luật sư Nguyễn Xuân Hào – Đoàn luật sư Hà Nội, vàng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không thuộc mặt hàng cần bình ổn giá.
Như vậy, với góc nhìn pháp lý thì Ngân hàng Nhà nước không can thiệp vào giá vàng. Giới đầu tư vàng trong nước đang nhìn về phía các doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng, đặc biệt là SJC, doanh nghiệp duy nhất được Nhà nước giao sản xuất vàng miếng bán trong nước.
Tuy nhiên, với cái nhìn của người trong cuộc, ông Nguyễn Thanh Hồng nhấn mạnh, các nhà đầu tư phải hiểu rằng để nhập khẩu được vàng nguyên liệu về Việt Nam rồi sản xuất ra vàng miếng bán trên thị trường thì doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước không được quyết định mà phụ thuộc vào Ngân hàng Nhà nước. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng hiện nay thực chất là đi bán hàng cho SJC, có nghĩa là làm thương mại nên việc bán vàng miếng thường không được các doanh nghiệp mặn mà. Họ chỉ muốn tập trung bán vàng trang sức mang thương hiệu của mình. Do đó, nếu nói các doanh nghiệp kinh doanh vàng cố tình đẩy mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lên cao là không đúng vì họ không được quyết định giá. Không có chuyện các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên thị trường có thể quyết định giá vàng hay độ chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới…
“Theo kinh nghiệm của tôi, nếu mua được vàng nguyên liệu rẻ của thế giới không dại gì SJC neo giá vàng miếng cao để khó bán, lại còn phát sinh rủi ro cho mình và cho cả khách hàng của mình…”, ông Nguyễn Thanh Hồng khẳng định.
Câu chuyện chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới qua khảo sát ý kiến của các nhà đầu tư tại Hà Nội cho thấy nguyên nhân bắt nguồn từ độ trễ của thị trường Việt Nam so với thế giới. Thực chất thị trường trong nước và thế giới không có sự liên thông thường xuyên mà phải qua “van điều tiết” mà “khoá van” đang nằm trong tay Ngân hàng Nhà nước. Thời điểm vàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giá đang cao, qua khâu chế tác với nhiều chi phí phát sinh giá bán phải cao hơn để đảm bảo có lợi nhuận. Việc giá vàng thế giới xuống sẽ tác động đến giá vàng trong nước nhưng các doanh nghiệp kinh doanh vàng, đặc biệt là doanh nghiệp “độc quyền” cung cấp vàng miếng là SJC không thể để giá xuống quá thấp so với mức giá đảm bảo có lợi nhuận.
Đó là lí do vì sao khi giá vàng thế giới càng xuống thấp thì độ chênh lệch giữa giá vàng thế giới với giá vàng trong nước càng được kéo rộng.
CHÊNH LỆCH MUA – BÁN LÀM KHÓ NHÀ ĐẦU TƯ
Nhiều chủ tiệm vàng ở Hà Nội cho biết, từ đầu năm (2021) đến nay lượng giao dịch trên thị trường giảm mạnh. Nguyên nhân một phần là do chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới ở mức quá cao, trung bình khoảng 5 triệu đồng/lượng nên cả nhà đầu tư và doanh nghiệp đều hạn chế tham gia thị trường nhằm giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là do từ đầu năm đến nay thị trường chứng khoán có những cú nhảy vọt đầy hấp dẫn giới đầu tư, thị trường bất động sản cũng tăng mạnh nên thị trường vàng vốn chỉ được xem là nơi “trú ngụ ” an toàn bị rơi vào “lãng quên”.
Thêm một nguyên nhân làm sức giao dịch giảm là do giá mua vào và bán ra thường chênh lệch khoảng 500 nghìn đồng/lượng, với các nhà đầu tư đây là mức chênh lệch khá cao. Theo giải thích của các công ty kinh doanh vàng thì mức chênh lệch này nhằm đảm bảo bù đắp chi phí cho doanh nghiệp kinh doanh vàng. Với mức chênh lệch này nhà đầu tư cứ mua vào một lượng vàng là mất đi khoảng 500 nghìn đồng nếu bán luôn.
Thị trường vàng Việt Nam không phải là một thị trường tự do, người mua vàng chỉ có thể mua từ các công ty kinh doanh vàng và cũng chỉ có thể bán lại cho chính các công ty này. Không tồn tại thị trường giao dịch vàng tự do, nơi có nhiều đối tác cùng tham gia mua – bán do đó mức chênh lệch quá cao giữa mua vào và bán ra làm cho thị trường vàng trở nên kém hấp dẫn. Việt Nam không sản xuất được vàng nhiều, phần lớn phải nhập từ thế giới, do đó giá vàng trong nước ngoài chịu ảnh hưởng của giá vàng thế giới còn phụ thuộc vào nhà nhập khẩu.
KHÁT KHAO MỘT THỊ TRƯỜNG MỞ?
Trước những biến động liên tục của thị trường vàng thế giới và sự “thờ ơ” của thị trường trong nước, cùng với mong muốn thị trường vàng sẽ trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế, cuối năm 2020 Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước không nên sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền. Ngân hàng Nhà nước nên cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng và chịu trách nhiệm với thương hiệu của mình theo khối lượng, tiêu chuẩn về chất lượng và trọng lượng đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nguồn cung vàng miếng trên thị trường đang có tín hiệu rất khan hiếm nên Ngân hàng Nhà nước xem xét có thể sản xuất thêm một lượng lớn vàng miếng để cung ứng ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu, tránh xảy ra hiện tượng sốt giá vàng.
Ngoài ra, Hiệp hội Kinh doanh vàng còn kiến nghị cho phép thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế để đảm bảo không tạo ra chênh lệch lớn về giá vàng như hiện nay đồng thời có tính thanh khoản cao, đẩy lùi hoạt động xuất, nhập khẩu lậu vàng đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay.
Theo VnEconomy