S&P 500 phá kỉ lục, Nasdaq gặp áp lực chốt lời nhẹ
Chứng khoán Mỹ khởi động tuần mới rất tích cực, các chỉ số chính có lúc tăng tới gần 1% nhưng lại gặp áp lực nhẹ vào cuối ngày.
Đóng cửa phiên giao dịch thứ Ba ngày 22/7, chỉ số S&P 500 nhích 0,06% lên 6309,62 điểm, ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục thứ 11 trong năm 2025.
Chỉ số Dow Jones cộng 179,37 điểm (tương đương 0.40%) lên 44,502.44 điểm.

Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite mất 0,39% còn 20.892,69 điểm, bị ảnh hưởng bởi đà suy giảm của các cổ phiếu công nghệ. Đây là phiên giảm điểm đầu tiên của chỉ số này trong 7 phiên vừa qua.
Cổ phiếu Broadcom mất hơn 3%, trong khi Nvidia giảm hơn 2%. Nhà sản xuất chip Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) cũng giảm gần 2%.
Cổ phiếu của tập đoàn hàng không vũ trụ và quốc phòng Lockheed Martin mất gần 11% sau khi họ công bố doanh thu quý II không đạt kỳ vọng của các nhà phân tích.
Bảng điện tử S&P 500 chứng kiến đà tăng ấn tượng của nhóm Y tế và Bất động sản trong 9 nhóm ngành mang sắc xanh. Trong khi đó, cổ phiếu Viễn thông và Công nghệ chịu áp lực chốt lời sau đà tăng nóng vừa qua.

Tỷ giá
Chỉ số đô la Mỹ DXY giảm xuống dưới mức 97,7 vào thứ Ba, tiếp tục đà điều chỉnh từ mức đỉnh trong 4 tuần là 99 thiết lập hôm 17/7, khi thị trường tiếp tục đánh giá các diễn biến mới nhất liên quan đến chính sách thương mại của Mỹ và tác động tiềm tàng đến các quyết định lãi suất của Fed.

Bộ trưởng Tài chính Bessent cho biết chính quyền Mỹ ưu tiên chất lượng các thỏa thuận thương mại hơn là yếu tố thời gian, đồng thời hạ thấp kỳ vọng về số lượng thỏa thuận sẽ đạt được trong hai tuần tới, điều này có thể mở đường cho việc áp dụng các mức thuế mạnh mẽ vào đầu tháng 8.
Một số bình luận từ các quan chức Fed và biên bản cuộc họp FOMC gần nhất cho thấy nhiều thành viên nhận định rằng các mức thuế hiện tại có thể gây ra áp lực lạm phát, khiến Fed phải trì hoãn việc tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Để xoa dịu lo ngại, ông Bessent cũng cho biết thỏa thuận đình chiến thuế quan hiện tại với Trung Quốc nhiều khả năng sẽ được gia hạn vào tuần tới, trước khi hết hạn vào ngày 12/8.
Trong số các đồng tiền chính trong rổ chỉ số USD, đồng yên Nhật tăng giá do Thủ tướng Nhật Bản Ishiba dự kiến sẽ tiếp tục tại nhiệm và giữ vững sự ổn định chính trị.
Dầu thô nối dài đà giảm
Thị trường năng lượng đi xuống do lo ngại cuộc chiến thương mại đang âm ỉ giữa các quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ kìm hãm tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu bằng cách làm giảm hoạt động kinh tế.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/07, hợp đồng dầu Brent lùi 62 xu (tương đương 0,9%) xuống 68,59 USD/thùng.
Hợp đồng dầu WTI mất 99 xu (tương đương 1,47%) còn 66,21 USD/thùng.

SPDR gom mạnh vàng
Giá vàng giảm vào ngày thứ Ba (22/07), khi nhà đầu tư chốt lời sau khi giá vàng đạt mức cao nhất trong 5 tuần, trong khi những người tham gia thị trường tập trung vào các cuộc đàm phán thương mại trước thềm thời hạn ngày 01/08 của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/07, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0,3% xuống $3385,20/oz. Vào đầu phiên, giá vàng đã đạt mức cao nhất kể từ ngày 17/06.
Hợp đồng vàng tương lai mất 0,3% còn $3396,10/oz.

Quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust gom mạnh 7,74 tấn vàng trong phiên thứ Hai. Theo đó, lượng vàng nắm giữ của quỹ tăng lên mốc 954,8 tấn vào cuối ngày 22/7.

Kết luận
Dòng tiền lớn đang tập trung vào vàng và chứng khoán Mỹ khi nhà đầu tư chờ đợi các diễn biến mới về thuế quan. Trong ngắn hạn, các bài phát biểu của Chủ tịch ECB và quyết định chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu là tiêu điểm chú ý.

Chu Phương – Chuyên gia Giavang Net
Chu Phương – Thạc sĩ Kinh tế Quốc tế với hơn 12 năm theo dõi thị trường Vàng, Ngoại hối. Với vai trò là chuyên gia phân tích thị trường tại Giavang.net; Chu Phương chia sẻ các thông tin kinh tế, chính trị có tầm ảnh hưởng tới thị trường, phân tích – dự báo triển vọng thị trường cả theo góc độ cơ bản và kĩ thuật
- 📫 Facebook: Phuong Chu – Giavang Net
- 📫 Email: admin@giavang.net
- 📫 Zalo:https://zalo.me/g/hbkfmi008
Giavang.net