28 C
Hanoi
16/07/2025
GiaVang.Net
Image default
Phân tích chuyên sâu thị trường

VIP Chuyên sâu: Preview tin CPI tối nay: Lạm phát lõi Mỹ có thể bật tăng trở lại lên 3,0% – USD hay Vàng chờ sóng gió mới?

(GVNET) CPI Mỹ tháng 6 công bố khi nào?

Báo cáo US CPI (Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ) tháng 6 sẽ được công bố vào lúc 8:30 ET (tức 12:30 GMT) ngày thứ Ba, 15/7. Đây là dữ liệu được các nhà đầu tư toàn cầu theo dõi sát sao vì có thể tác động lớn tới kỳ vọng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và biến động của US Dollar Index (DXY).

Dự báo US CPI tháng 6: Lạm phát cơ bản có thể nhích lên

Theo dự báo, CPI toàn phần (headline CPI) của Mỹ trong tháng 6 được kỳ vọng đạt 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi CPI lõi (core CPI, loại trừ giá thực phẩm và năng lượng biến động) có thể tăng lên 3,0% y/y, từ mức 2.8% duy trì suốt 3 tháng gần đây.

Đây là diễn biến đáng chú ý, bởi lạm phát Mỹ đã giảm dần (disinflation) từ đầu năm nay, tiến gần mục tiêu 2% của Fed. Tính từ đầu năm, CPI toàn phần từng hạ xuống mức thấp nhất 2,3% trước khi nhích nhẹ trở lại trong tháng trước. Trong khi đó, CPI lõi đã giảm từ mức 3,3% xuống mức 2,8% – mức thấp nhất trong 4 năm.

Tuy nhiên, đà giảm này có thể bị đảo chiều một phần trong tháng 6.

“Base effect” có thể đẩy lạm phát Mỹ tăng trở lại

Nguyên nhân chính khiến lạm phát Mỹ có thể tăng trở lại không hẳn do sức ép giá mới mà đến từ yếu tố kỹ thuật gọi là “base effect” (hiệu ứng cơ sở).

Cụ thể, chỉ số CPI hàng năm luôn được tính toán dựa trên tổng của 12 tháng trước. Trong tháng 6 này, mức biến động -0,1% m/m của cùng kỳ năm ngoái sẽ rơi khỏi phép tính, thay thế bởi số liệu mới. Chỉ cần CPI tháng 6/2025 không âm, mà dao động từ 0,0% m/m trở lên, thì tốc độ tăng CPI tính theo năm sẽ bị đẩy cao vì hiệu ứng so sánh thấp của năm ngoái.

Đáng nói, bốn tháng tiếp theo cũng từng ghi nhận mức tăng chỉ 0.2% m/m, tạo nền so sánh thấp, báo hiệu lạm phát Mỹ có thể còn chịu tác động của “base effect” trong vài tháng tới.

Fed cẩn trọng với kỳ vọng cắt giảm lãi suất

Dù hiểu rõ “base effect” chỉ mang tính kỹ thuật, Fed vẫn không thể tỏ ra chủ quan khi CPI bất ngờ nhích lên, nhất là trong bối cảnh rủi ro thương mại và nguy cơ áp thuế kỷ lục từ chính quyền Mỹ còn treo lơ lửng.

Hiện thị trường chỉ còn pricing khoảng 5% khả năng Fed hạ lãi suất ngay trong tháng 7, phần lớn giới phân tích cho rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất ít nhất tới tháng 9, chờ các tín hiệu lạm phát rõ ràng hơn.

Lưu ý: Dù Fed ưu tiên chỉ số lạm phát khác (Core PCE) làm cơ sở điều hành chính sách, nhưng với nhà đầu tư, US CPI vẫn là dữ liệu tối quan trọng vì được công bố sớm hơn Core PCE vài tuần.

Chỉ số US Dollar Index (DXY) đang ở đâu?

Trong khi chờ US CPI, đồng USD thể hiện xu hướng khá lưỡng lự. US Dollar Index (DXY) đã tăng nhẹ trở lại trong tháng 7, kiểm tra vùng kháng cự quanh 98.00, cũng trùng với đường xu hướng giảm (bearish trendline) kể từ đầu năm.

Tuy nhiên, đà hồi phục của DXY chưa thực sự mạnh mẽ. Chỉ báo RSI 14 ngày mới chỉ thoát vùng quá bán, chứ chưa xác nhận phá vỡ biên độ dao động gần đây.

  • Kháng cự quan trọng: vùng 98,00 (đáy tháng 4 chuyển thành kháng cự)
  • Hỗ trợ gần nhất: vùng 96,40 (đáy đầu tháng 7)

Nếu lạm phát Mỹ thấp hơn dự báo, áp lực bán USD có thể mạnh lên, đẩy DXY rơi thêm một nhịp. Trái lại, một con số CPI cao hơn dự kiến có thể giúp USD giữ vững đà phục hồi.

US CPI ảnh hưởng thế nào tới giá vàng?

Lạm phát Mỹ có thể quyết định sóng vàng ngắn hạn

Báo cáo US CPI tháng 6 không chỉ quan trọng với USD mà còn có thể tạo biến động lớn cho thị trường vàng (XAU/USD).

Nếu CPI Mỹ thấp hơn dự báo, điều này có thể củng cố kỳ vọng Fed sớm giảm lãi suất, khiến đồng USD suy yếu. Khi USD giảm, vàng thường hưởng lợi nhờ trở nên rẻ hơn đối với nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác, kéo giá vàng tăng. Chúng tôi kì vọng vàng sẽ vượt $3400 nếu lạm phát Mỹ hạ nhiệt

Ngược lại, nếu CPI Mỹ công bố cao hơn kỳ vọng, thị trường có thể lo ngại Fed sẽ giữ lãi suất cao lâu hơn, dẫn tới USD mạnh lên. Trong kịch bản này, vàng có thể chịu áp lực giảm giá vì chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng sẽ cao hơn.

Lưu ý: ngoài lạm phát Mỹ, giá vàng còn chịu ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị, rủi ro thương mại Mỹ – Trung, và dòng tiền trú ẩn. Do đó, bất kỳ tín hiệu bất ổn chính trị hay thương mại nào cũng có thể khiến giá vàng biến động mạnh bất chấp kết quả CPI.

Hiện tại, vàng vẫn dao động quanh vùng giá cao, phản ánh tâm lý thận trọng của giới đầu tư trước loạt dữ liệu quan trọng sắp tới. Thị trường vàng có thể sẽ biến động mạnh sau báo cáo CPI công bố ngày 15/7.

Rủi ro nào ngoài lạm phát Mỹ?

Trong bối cảnh Fed gần như án binh bất động tới tháng 9, thị trường ngoại hối đang cực kỳ nhạy cảm với tin tức thương mại, nhất là bất kỳ động thái mới từ căng thẳng Mỹ – Trung hoặc các lệnh áp thuế bổ sung. Đây có thể là yếu tố tạo ra các cú biến động lớn trên thị trường, thậm chí hơn cả báo cáo lạm phát tháng này.

Tóm lại, báo cáo US CPI tháng 6 đang được giới đầu tư chờ đón, không chỉ để đo lường sức ép lạm phát, mà còn để định hướng xu thế cho đồng USD và kỳ vọng lãi suất của Fed. Dù lạm phát Mỹ có xu hướng giảm trong năm nay, hiệu ứng cơ sở có thể khiến CPI lõi bật tăng trở lại lên mức 3,0%, tạo thêm sóng gió cho thị trường tài chính trong ngắn hạn.


Chu Phương – Chuyên gia Giavang Net
Chu Phương – Thạc sĩ Kinh tế Quốc tế với hơn 12 năm theo dõi thị trường Vàng, Ngoại hối. Với vai trò là chuyên gia phân tích thị trường tại Giavang.net; Chu Phương chia sẻ các thông tin kinh tế, chính trị có tầm ảnh hưởng tới thị trường, phân tích – dự báo triển vọng thị trường cả theo góc độ cơ bản và kĩ thuật

Tin liên quan

Đang tải....