(GVNET) – Trong thời gian qua, thị trường vàng trong nước đang chứng kiến sự gia tăng đột biến của hoạt động mua – bán vàng trao tay. Đây là hệ quả của việc nguồn cung vàng chính thức hạn chế và nhu cầu mua vàng của người dân ngày càng cao. Điều này không chỉ gây ra nhiều rủi ro cho người mua mà còn tiềm ẩn các yếu tố gây bất ổn cho thị trường.
Trên thực tế, việc mua vàng qua các kênh chính thức ngày càng trở nên khó khăn. Chênh lệch giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới đã giảm đáng kể, từ mức gần 20 triệu đồng/lượng xuống còn khoảng 3-4 triệu đồng/lượng sau khi Ngân hàng Nhà nước triển khai bán vàng miếng SJC trực tiếp cho người dân thông qua Công ty SJC và Big4 ngân hàng. Điều này đã góp phần ổn định các yếu tố vĩ mô, tỷ giá, nhưng lại tạo ra sự khan hiếm vàng trên thị trường nội địa khi các doanh nghiệp hạn chế số lượng bán ra.
Các ngân hàng và tổ chức tài chính được phép kinh doanh vàng đã bị quá tải với các đơn hàng đặt mua trực tuyến. Theo ghi nhận, việc mua vàng online qua các ngân hàng lớn gặp khó khăn do lượng người đặt mua quá lớn, dẫn đến nghẽn mạng hoặc hệ thống bị quá tải ngay từ đầu giờ sáng.
Trong khi đó, tại thị trường vàng nhẫn, giá vàng không ngừng leo thang theo đà tăng của vàng thế giới, khó tiếp cận vàng miếng, người dân đổ xô vào mặt hàng vàng nhẫn, khiến kim loại quý này cũng ngày càng khan hiếm, muốn mua của các doanh nghiệp lớn, uy tín cũng trở nên khó khăn khi liên tục báo hết hàng hoặc đặt cọc trước hẹn trả vàng sau.
Trong bối cảnh này, hoạt động mua – bán vàng trao tay qua các hội, nhóm online nở rộ. Người dân không còn kiên nhẫn với việc chờ đợi và bắt đầu tìm kiếm những phương thức giao dịch khác nhanh hơn, linh hoạt hơn. Trên thị trường “chợ đen”, giá vàng miếng SJC đã được đẩy lên tới 91 triệu đồng/lượng hôm 22/10, cao hơn so với giá vàng niêm yết tại các kênh chính thức.
Mặc dù mua – bán vàng trao tay mang lại sự tiện lợi và khả năng sở hữu vàng nhanh chóng, nhưng rủi ro luôn tiềm ẩn. Theo các chuyên gia, chất lượng vàng trong các giao dịch này khó được đảm bảo. Vàng có thể bị pha trộn hoặc không đạt chuẩn về hàm lượng vàng thật. Ngoài ra, việc trao đổi vàng qua các kênh không chính thống cũng làm gia tăng nguy cơ mua phải vàng giả hoặc kém chất lượng.
Một số người mua còn gặp khó khăn trong việc bán lại vàng trao tay, vì vàng nhẫn hay vàng miếng không được giao dịch qua các kênh chính thức sẽ không có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Nếu bán khác cửa hàng hoặc thương hiệu, người mua có thể bị ép giá, mất giá trị ban đầu.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo người dân nên thận trọng khi tham gia thị trường mua – bán vàng trao tay. Việc mua vàng chỉ nên thực hiện qua các kênh chính thức có uy tín để đảm bảo chất lượng và tính thanh khoản. Đặc biệt, với những ai có nhu cầu đầu tư lâu dài, họ nên tránh các giao dịch mang tính đầu cơ, lướt sóng, vì thị trường vàng có thể biến động mạnh, gây thua lỗ.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng để đưa ra các giải pháp dài hạn, giúp ổn định và minh bạch hóa thị trường. Trong thời gian chờ đợi, người mua vàng nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện giao dịch, nhất là các giao dịch trên thị trường chợ đen và cân nhắc ký lưỡng trước khi có ý định “lướt sóng” vàng.
Việc mua – bán vàng trao tay nở rộ trong thời gian qua là hệ quả của nhu cầu vàng lớn trong khi nguồn cung chính thức bị giới hạn. Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn của thị trường này là không nhỏ, từ việc mua phải vàng kém chất lượng cho đến khả năng thua lỗ khi giao dịch không minh bạch. Người dân cần cảnh giác và chọn lọc kỹ lưỡng các kênh mua bán, tránh sa vào những cạm bẫy của thị trường tự do.
Tổng hợp