31 C
Hanoi
19/09/2024
Image default
Đầu tư vàng Tin mới nhất Vàng

Thị trường vàng tháng 8/2024: Trong nước và thế giới chạy đua tăng giá

(GVNET) – Vàng trong nước và thế giới kết thúc tuần giao dịch cuối cùng của tháng 8 khá ảm đạm. Nếu tính trong cả tháng 8, cả hai thị trường đều ghi nhận đà tăng ấn tượng, đặc biệt là vàng miếng.

Vàng miếng SJC trong tháng 8 và tuần cuối cùng của tháng

Trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 8, vàng miếng SJC không ghi nhận bất kỳ một nhịp điều chỉnh nào. Từ đầu tới cuối tuần, giá mua – bán giữ nguyên ở mốc 79,00 – 81,00 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua bán neo ở khoảng cách 2 triệu đồng. 81 triệu đồng đang là vùng giá cao nhất của vàng miếng SJC kể từ khi Ngân hàng Nhà nước triển khai bán vàng “bình ổn”.

Tính trong tháng 8/2024, vàng miếng “bình ổn” có 4 lần điều chỉnh tăng và 2 lần giảm. Sau các lần điều chỉnh, giá vàng ghi nhận đà tăng 2 triệu đồng mỗi lượng trong cả tháng 8. Tính đến hết tháng 8, thị trường vàng miếng đã trải qua 3 tháng bán vàng với giá “bình ổn” (giá tăng/giả sẽ phụ thuộc vào sự điều chỉnh giá bán trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước).

Chốt tháng ở ngưỡng 2503 USD/ounce, vàng thế giới sau quy đổi đạt trên 77 triệu đồng mỗi lượng, thấp hơn 3,7 triệu đồng so với mức giá 81 triệu đồng/lượng của vàng miếng. Mức chênh lệch hiện tại tăng 1,2 triệu đồng so với cuối tháng 7.

Sau thời gian bán vàng theo hình thức trực tuyến qua website, ngân hàng Vietcombank ngày 27/8 thông báo dừng bán vàng miếng SJC trên website và triển khai bán vàng qua ứng dụng ngân hàng số Vietcombank (app). Vietcombank là ngân hàng đầu tiên triển khai bán vàng miếng SJC qua ứng dụng di động.

Các ngân hàng thương mại Nhà nước khác là BIDV, VietinBank và Agribank vẫn tiếp tục triển khai đăng ký mua vàng miếng SJC online qua website ngân hàng, giao dịch và nhận vàng tại quầy. Dù đăng ký mua vàng miếng qua website hay app ngân hàng thì thời gian nhận vàng vẫn là 3 ngày kể ngày đăng ký mua thành công và có thể lên tới 5 ngày nếu trùng vào cuối tuần.

Sau 3 tháng áp dụng chính sách bình ổn, giá vàng SJC trong nước đã thu hẹp mạnh khoảng cách với giá vàng thế giới về dưới 5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, việc mua vàng miếng SJC trực tuyến đang gặp khó khăn khiến người dân khó tiếp cận.

Theo các chuyên gia, những quy định mà các ngân hàng đang đặt ra như hiện nay đều gây những khó khăn nhất định cho người mua vàng, có thể khiến nhiều người cho rằng nhà quản lý không muốn bán. Nếu giá vàng có giảm nhưng khó mua cũng tạo ra sự “biến tướng” trên thị trường.

Khó khăn trong việc mua vàng miếng, người muốn mua sẽ từ bỏ việc mua vàng và đổ tiền vào các kênh đầu tư khác hoặc sẽ tìm đến thị trường chợ đen, gây tình trạng khó kiểm soát cho cơ quan quản lý. Các chuyên gia kiến nghị “hãy để thị trường vàng vận hành theo quy luật cung cầu vốn có”

Diễn biến vàng nhẫn trong tháng 8 và tuần cuối tháng 8

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, thị trường vàng nhẫn mua vào neo ở ngưỡng 77,15-77,50 triệu đồng/lượng, giá bán khoảng 78,55-78,66 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua – bán có khoảng cách 1,1-1,4 triệu đồng.

Tính trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 8, thị trường vàng nhẫn tăng khoảng 100-200.000 đồng mỗi lượng tùy đơn vị. Tính trong cả tháng 8, vàng nhẫn ghi nhận đà tăng mạnh từ 950.000 đồng đến 1,3 triệu đồng mỗi lượng.

Với mức giá 78,6 triệu đồng, vàng nhẫn cao hơn vàn thế giới sau quy đổi 1,4 triệu đồng, tăng khoảng 560.000 đồng so với cuối tháng 7. Và thấp hơn vàng miếng SJC 2,4 triệu đồng, tăng 700.000 đồng so với mức chênh thời điểm cuối tháng 7.

Với diễn biến tích cực của giá vàng thế giới trong tháng 8 này, thị trường vàng nhẫn trong nước đã thiết lập vùng đỉnh lịch sử mới với giá bán đạt 78,9 triệu đồng/lượng trong phiên 26/8 và giá mua đạt 77,55 triệu đồng/lượng tại phiên 28/8.

Triển vọng hạ lãi suất của Fed – gây áp lực giảm lên đồng USD, giá vàng thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Kim loại quý này ngày càng được coi trọng như một biện pháp phòng ngừa rủi ro hiệu quả, nhất là trong những thời điểm bất ổn địa chính trị và kinh tế toàn cầu gia tăng.

Bất ổn địa chính trị như xung đột, căng thẳng quốc tế và các cuộc khủng hoảng kinh tế có thể gây ra các cú sốc lớn cho thị trường hàng hóa, đặc biệt là vàng, vốn được xem là “tài sản trú ẩn an toàn”. Hơn nữa, việc sản lượng khai thác vàng ngày càng giảm cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá vàng, khi nhu cầu tiếp tục vượt cung.

Mặc dù đã rời khỏi đỉnh cao 2531 USD/ounce và trải qua một số đợt điều chỉnh, giá vàng vẫn có khả năng phục hồi mạnh mẽ. Dự báo kim loại quý này sẽ không chỉ quay trở lại mức cao trước đó mà còn có thể vượt qua, nhờ vào những yếu tố cơ bản vững chắc và tâm lý thị trường tích cực.

Theo đó, vàng nhẫn – mặt hàng biến động theo sát diễn biến của giá vàng thế giới – được đánh giá sẽ có cơ hội “khám phá” những cột mốc kỷ lục mới trong tương lai.

Giá vàng thế giới

Chốt tháng 8 với mức giá 2503 USD/ounce, giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (25.320 VND/USD) đạt 77,26 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), giảm gần 200.000 đồng/lượng so với cuối tuần liền trước và tăng khoảng 800.000 đồng/lượng so với cuối tháng 7.

Vàng thế giới giảm khoảng 0,4% trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 8, nhưng vẫn giữ trên mốc 2500 USD và kết thúc tháng 8 với đà tăng khoảng 2%. Động lực tăng giá của vàng trong tháng này chủ yếu là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu rõ rệt về việc giảm lãi suất vào tháng 9. Đỉnh kỷ lục của giá vàng thế giới tính tới hiện tại là mức 2531 USD thiết lập hôm 20/8.

Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 7 tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Các mức tăng này phù hợp với dự báo mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. PCE lõi – thước đo loại trừ hai nhóm hàng hóa có nhiều biến động là năng lượng và thực phẩm – tăng 0,2% so với tháng trước.

Số liệu PCE là thước đo lạm phát quan trọng đối với các quyết định chính sách tiền tệ của Fed. Báo cáo lần này có thể có ảnh hưởng mang tính quyết định tới cuộc họp vào tháng tới của ngân hàng trung ương Mỹ.

Theo Giám đốc hoạt động (COO) Alex Abkarian của công ty Allegiance Gold, báo cáo trên là một sự xác nhận rằng lạm phát không còn là mối lo chính của Fed, và Fed đã dịch chuyển trọng tâm sang chống lại sự leo thang của thất nghiệp. Điều này càng làm chắc chắn thêm khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng 9.

Sau khi báo cáo được công bố, kỳ vọng của nhà đầu tư về cuộc họp ngày 18/9 của Fed về cơ bản không thay đổi. Thị trường vẫn đặt cược 100% Fed hạ lãi suất trong lần họp này, nhưng đặt cược vào mức giảm 0,25 điểm phần trăm tăng nhẹ lên mức 67% và đặt cược vào mức giảm 0,5 điểm phần trăm giảm nhẹ còn 33%.

Khả năng Fed lựa chọn mức giảm lãi suất khiêm tốn đã đưa đồng USD hồi phục trong phiên này. Dollar Index tăng 0,38%, chốt ở mức 101,73 điểm. Tuần này, chỉ số tăng hơn 1%, nhưng vẫn giảm 1,43% trong tháng 8 – theo dữ liệu từ trang MarketWatch.

Tuần tới, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư sẽ là báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 8 của Mỹ. Bên cạnh báo cáo PCE, báo cáo việc làm cũng là một điểm dữ liệu đặc biệt quan trọng, có khả năng chi phối quyết định lãi suất của Fed trong cuộc họp tháng 9.

“Số liệu công bố vào tuần tới sẽ quyết định Fed giảm lãi suất 0,5 hay 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tới”, chiến lược gia trưởng Phillip Streible của công ty Blue Line Futures nhận định.

Thị trường vàng vật chất ở châu Á tiếp tục ảm đạm trong tuần này – hãng tin Reuters cho hay. Việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) mới đây cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng mới chưa thể giúp cải thiện nhu cầu vàng của nước này.

Giá vàng vẫn ở trên mức tâm lý 2.500 USD/ounce và đang hướng đến năm có mức tăng tốt nhất kể từ năm 2020, chủ yếu nhờ tâm lý lạc quan của thị trường về triển vọng lãi suất sắp tới của Mỹ và những lo ngại dai dẳng về xung đột ở Trung Đông.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....