(GVNET) Các tin quan trọng được công bố trong ngày 5/8
- Mỹ: Chỉ số PMI hỗn hợp của S&P Global tháng 7 đạt 54,3 – thấp hơn dự báo là 55.
- Mỹ: Chỉ số PMI dịch vụ tháng 7 đạt 55 – thấp hơn dự báo là 56.
- Mỹ: Chỉ số việc làm phi sản xuất của ISM tháng 7 đạt 51,1 – cao hơn nhiều dự báo là 46,4.
- Mỹ: Chỉ số PMI phi sản xuất của ISM tháng 7 đạt 51,4.
- Mỹ: Chỉ số giá phi sản xuất của ISM tháng 7 đạt 57 – cao hơn dự báo là 56.
Chứng khoán Mỹ đỏ rực từ đầu phiên, tồi tệ nhất trong 2 năm qua
Đóng cửa phiên giao dịch thứ Hai ngày 5/8, chỉ số Dow Jones rớt 1.033,99 điểm (tương đương 2,6%) xuống 38.703,27 điểm.
Chỉ số Nasdaq Composite mất 3,43% còn 16.200,08 điểm.
Chỉ số S&P 500 lùi 3% xuống 5.186,33 điểm.
Hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2022.
Cổ phiếu Nvidia mất 6,4%, giảm 29% so với mức đỉnh 52 tuần. Cổ phiếu Apple cũng tụt 4,8% sau khi Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett bán ra một nửa số cổ phần đang nắm giữ.
Những cổ phiếu công nghệ gặp khó khăn khác bao gồm Tesla (giảm 4,2%) và Super Micro Computer (giảm 2,5%). Chỉ có 22 cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 tăng trong phiên giao dịch ngày 5/8.
Cả 11 nhóm ngành của S&P 500 đều giảm. Thị trường chìm trong xu hướng bán tháo với cổ phiếu Công nghệ tiếp tục bị xả bất chấp.
Tỷ giá
Chỉ số đồng đô la DXY về sát ngưỡng 102 khi các nhà đầu tư tiếp tục đánh giá khả năng suy thoái của Hoa Kỳ.
Báo cáo NFP Mỹ tháng 7 đã làm dấy lên lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang có thể đã quá muộn trong việc ngăn chặn suy thoái kinh tế. Thị trường đã phản ứng bằng cách định giá Fed hạ lãi suất tới hơn 100 điểm trong năm nay, đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản lớn hơn vào tháng 9.
Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly cũng cho biết thị trường lao động đang chậm lại và lạm phát đang giảm xuống mức mục tiêu 2%.
Đồng đô la ổn định so với đồng euro và đồng bảng Anh và mạnh lên so với đồng yên, nhưng lại yếu đi so với các loại tiền tệ khác.
Thấp nhất năm 2024, dầu thô không tăng vì bất ổn Trung Đông như thường thấy
Thị trường năng lượng giảm sâu dù bất ổn địa chính trị cảnh báo nguồn cung dầu bị ảnh hưởng. Nhà đầu tư đang rất quan ngại việc Iran sẽ trả đũa đối với vụ ám sát một nhà lãnh đạo Hamas ở Tehran có thể dẫn đến một cuộc chiến rộng lớn hơn ở Trung Đông.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 05/08, hợp đồng dầu WTI lùi 58 xu (tương đương 0,79%) xuống 72,94 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent mất 51 xu (tương đương 0,66%) còn 76,30 USD/thùng.
Vàng rơi cực mạnh dù từng tăng lên $2450 trong phiên Á
Sự đảo chiều nhanh chóng của giá vàng vào giữa phiên Âu – phiên Mỹ sau khi tăng lên $2450 vào phiên Á được cho là hiệu ứng của việc bán lan tài sản. Về cơ bản, bức tranh vĩ mô vẫn hỗ trợ vàng và đây vẫn là tài sản trú ẩn an toàn hàng đầu lúc này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 05/08, hợp đồng vàng giao ngay mất 1,6% còn $2403,39/oz.
Hợp đồng vàng tương lai lùi 1% xuống $2444,10/oz.
Quỹ tín thác hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust bán ra 0,57 tấn trong phiên giao dịch đầu tuần. Theo đó, lượng vàng nắm giữ ở mức 844,90 tấn vào thời điểm chốt phiên 5/8.
Kết luận
Thị trường tài chính toàn cầu tiếp đà rớt sâu trong phiên giao dịch thứ Hai sau cú rơi mạnh ngày thứ Sáu tuần trước. Bất ổn địa chính trị đã kích hoạt xu hướng bán mọi thứ: chứng khoán – vàng – dầu – tiền kĩ thuật số. Dòng tiền đổ xô tới đồng Yên và France Thụy Sỹ. Tuy nhiên, về cơ bản, vàng đã hồi phục nhanh nhất trong các tài sản phổ biến, lấy lại vị thế là một nơi trú ẩn an toàn truyền thống. Trong ngắn hạn, biến động thị trường sẽ còn ở mức rất cao và chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên cân nhắc chờ các nhịp hồi của thị trường để hạ tỉ trọng danh mục, bảo vệ vốn trước những rủi ro khó lường trước.
Giavang.net