(GVNET) – Tóm tắt
- Đứng im khi giá thế giới tăng vọt, vàng miếng SJC tiếp tục đứng vững khi vàng thế giới giảm sâu.
- Mức chênh giữa hai thị trường neo gần mốc 3 triệu đồng, tăng hơn 1 triệu đồng so với cuối tuần trước.
- Chuyên gia: Đánh thuế giao dịch vàng để chống đầu cơ, nhưng không thể đánh vô tội vạ.
Nội dung
Cuối tuần trước, trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng lên đỉnh hơn 1 tháng tại ngưỡng 2390 USD, vàng miếng SJC không có sự thay đổi nào về giá, khiến chênh lệch giữa hai thị trường giảm mạnh về dưới 2 triệu đồng.
Kết thúc phiên Mỹ ngày thứ Hai đầu tuần 8/9, giá vàng thế giới giảm về dưới mốc 2360 USD – mất hơn 30 USD so với chốt cuối tuần trước, nhưng vàng miếng trong nước vẫn giữ đà đi ngang, khiến chênh lệch giữa hai thị trường tăng mạnh lên gần 3 triệu đồng.
Cập nhật lúc 9h30 ngày 9/7, vàng miếng SJC mua vào tại các doanh nghiệp neo giá ở ngưỡng 74,98-75,50 triệu đồng/lượng, bán ra cố định ở mức 76,98 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua – bán khoảng 1,48-2 triệu đồng.
Vàng miếng tại Big4 ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) cũng ổn định giá bán tại 76,98 triệu đồng/lượng, các ngân hàng vẫn giữ nguyên 1 chiều giao dịch bán ra. Vàng “bình ổn” tiếp tục được SJC và 4 ngân hàng bán ra theo hình thức trực tuyến.
Với mức giá chốt phiên vừa qua ở ngưỡng 2355 USD, vàng thế giới sau quy đổi đạt 74,29 triệu đồng/lượng, thấp hơn SJC 2,7 triệu đồng – tăng 1,2 triệu đồng so với cuối tuần trước.
Không thể đánh thuế một cách vô tội vạ
Thời gian qua, để bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách về quản lý, giám sát thị trường. Trong đó có yêu cầu các tổ chức kinh doanh, mua bán vàng miếng thực hiện nghiêm việc áp dụng hóa đơn điện tử trong mua bán vàng. Quy định này hỗ trợ chống trốn thuế, thất thu thuế, ghi lại chứng cứ phòng chống rửa tiền trên hệ thống dữ liệu.
Gần đây, có nhiều chuyên gia cho rằng nên đánh thuế giao dịch vàng để chống đầu cơ. Tại tọa đàm “Ngăn ngừa nguy cơ vàng hóa nền kinh tế” sáng 8/7, ông Nguyễn Văn Phụng – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) nêu nhận định, mục đích để chống vàng hóa nền kinh tế, để người dân bỏ tiền ra lưu thông là rất tốt nhưng không thể đánh thuế một cách vô tội vạ được.
Đánh thuế phải dựa trên cơ sở kinh tế và phải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, cần có cái nhìn toàn cảnh và phải đặt lợi ích của 100 triệu dân lên hàng đầu.
“Chính sách được đưa vào phải giúp sản xuất kinh doanh thuận lợi, tạo ra dòng chảy tài chính và nguồn lực cho nền kinh tế, chứ không phải bổ sung thêm chính sách thuế mới lại khiến người dân tiếp tục ôm tiền đi mua vàng để dự trữ.
Điều quan trọng là quản lý thế nào để cân bằng về thuế, không thất thu, mất mát, công bằng giữa người bán và người mua. Tránh việc bán 100 cây vàng nhưng chỉ khai báo thuế 20 – 30 cây. Nếu trốn về doanh số là có lỗi với người dân, trốn về thu nhập là có lỗi với Nhà nước”, ông Phụng nêu.
Ông Phụng đánh giá, dù hiện nay, ngành thuế đang rất cố gắng nỗ lực nhưng năng lực có hạn. Chính vì vậy, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc, các cơ quan Nhà nước cần cùng hợp tác, chia sẻ thông tin dữ liệu để quản lý nắm bắt, doanh số giao dịch vàng.
Giavang.net