(GVNET) – Tóm tắt
- Chiều 25/6, vàng miếng vẫn bất động trong khi vàng nhẫn nhích lên mốc 76 triệu đồng khi giá vàng thế giới đạt 2336 USD.
- Giá sau quy đổi lên gần 74 triệu đồng, vàng thế giới thu hẹp khoảng cách với giá vàng miếng về sát mốc 3 triệu đồng.
Nội dung chi tiết
Cập nhật vàng miếng chiều nay 25/6 với giá mua vào tại các doanh nghiệp vàng là khoảng 74,96-75,50 triệu đồng/lượng, giá bán ra tại các doanh nghiệp và Big4 ngân hàng cùng mức 76,98 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán duy trì trong khoảng 1,48-2,0 triệu đồng.
Thị trường vàng nhẫn chiều nay có chút phản ứng theo chiều đi lênn của giá vàng thế giới. Cụ thể, vàng nhẫn Doji tăng 100.000 đồng/lượng so với giá mở cửa lên 76 triệu đồng. Tuy nhiên thị trường vàng nhẫn về cuối ngày nhìn chung khá ổn định khi lực tăng của vàng thế giới chưa thật sự bứt phá.
Cập nhật giá mua – bán vàng nhẫn tại một số doanh nghiệp thời điểm 17h30 ngày 25/6″
- Vàng nhẫn Doji: 74,70 – 76,00 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng so với giá mở cửa.
- Vàng nhẫn Bảo Tín Minh Châu: 74,66 – 75,96 triệu đồng/lượng, đi ngang so với giá mở cửa.
- Vàng nhẫn SJC: 73,95 – 75,55 triệu đồng/lượng, đi ngang so với mở cửa.
Cùng thời điểm trên, giá vàng thế giới giao dịch ngưỡng 2.336 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (25.950 VND/USD) vàng thế giới đứng tại 73,9 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), thấp hơn vàng miếng SJC 3,1 triệu đồng, giảm 400.000 đồng so với phiên chiều qua.
Giám đốc David Meger của công ty High Ridge Futures Traders cho rằng giá vàng đang trong thời kỳ tích luỹ và mỗi cú giảm đều được nhà đầu tư xem là cơ hội để mua vào. Cũng theo ông Meger, điều mà nhà đầu tư vàng quan tâm nhất ở thời điểm này là đường đi lãi suất của Fed trong thời gian tới và mốc thời gian mà Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất.
Tuần này, sự chú ý của nhà đầu tư sẽ hướng tới các số liệu kinh tế Mỹ, đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng – dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu. Trước đó vào ngày thứ Năm, số liệu GDP quý 1 điều chỉnh sẽ được công bố.
Ngoài ra, sẽ có một số quan chức Fed phát biểu trong tuần này, bao gồm các thống đốc Lisa Cook và Michelle Bowman. Hôm thứ Hai, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly, nói rằng “vẫn còn việc phải làm” trước khi Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng 66% Fed bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9.
Một báo cáo của ngân hàng Bank of America (BofA) mới đây nhận định: “Chúng tôi tin giá vàng có thể đạt 3.000 USD trong 12-18 tháng tới, dù dòng vốn chảy vào vàng ở thời điểm hiện tại chưa đủ để dẫn tới mức giá như vậy”.
Để xuất hiện mức giá như vậy, nhu cầu đầu tư vàng cần tăng lên từ mức hiện tại, mà để nhu cầu đó tăng, Fed cần phải hạ lãi suất. Ngoài ra, dòng vốn chảy vào các quỹ ETF vàng và giao dịch vàng vật chất cũng cần có sự khởi sắc”, theo báo cáo.
Cũng theo báo cáo trên, giá vàng có thể đạt mức bình quân 2.500 USD trong năm nay nếu nhu cầu đầu tư vàng trên toàn cầu tăng thêm khoảng 20%. “Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư vàng chỉ tăng khoảng 3% trong quý 1 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, đủ để đảm bảo mức giá vàng bình quân 2.200 USD từ đầu năm đến nay”, báo cáo viết.
Nhìn xa hơn chính sách tiền tệ của Mỹ, các nhà phân tích của BofA xem mức độ biến động gia tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ là một yếu tố khác hỗ trợ giá vàng. Chiến lược gia Michael Widmer của BofA lưu ý rằng vàng là một tài sản dự trữ hấp dẫn trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên toàn cầu giảm nắm giữ đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ.
Giavang.net