(GVNET) – Sáng ngày 23/5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ sự lo ngại trong phương thức điều hành, quản lý vàng thời gian qua, nhất là trước nghịch lý Nhà nước càng tổ chức đấu thầu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường thì giá vàng lại càng tăng…
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đặc biệt lưu tâm đến giá vàng tăng bất thường, ngày càng chênh lệch cao so với giá thế giới. Theo ông, phải có biện pháp điều tiết đưa giá vàng ngang bằng với thế giới một cách linh hoạt.
“Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường nhưng lại xảy ra nghịch lý, cứ sau đấu thầu giá vàng lại tăng, vì giá sàn cao nên doanh nghiệp trúng thầu phải bán giá cao hơn. Do vậy, sắp tới có thể áp dụng đấu thầu ngược như đơn vị nào mua vàng xong bán sát giá tham chiếu nhất sẽ trúng thầu. Bên cạnh đó, về dài hạn phải sửa Nghị định 24”, ông Cường nêu.
Phát biểu tại tổ, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) dành nhiều thời gian nói về sự ‘nhảy múa’ của giá vàng trong thời gian vừa qua. Theo ông, bất hợp lý của thị trường vàng hiện nay là sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với vàng thế giới dù chúng ta đã có nhiều cách nhưng không thu hẹp được.
“Việc tổ chức đấu thầu lại càng hâm nóng thị trường vàng lên. Nguyên nhân có thể là do cách thức làm vừa rồi không rõ mục tiêu”, đại biểu Lâm nói. Ông băn khoăn với việc giá vàng đem ra đấu thầu gần sát với giá thị trường chứ không phải là giá vàng thế giới. Còn nếu giá vàng thế giới lên, trong nước cũng lên là chuyện của thị trường, không điều chỉnh được.
Theo đại biểu, để kéo giá vàng sát giá thị trường thế giới thì phải tính đúng, đủ giá thành của vàng trong nước làm giá khởi điểm để tổ chức đấu thầu. Cụ thể, đó là lấy giá vàng của thế giới quy đổi ra VNĐ cộng với các chi phí nhập khẩu và các chi phí khác ra giá khởi điểm để tổ chức đấu thầu.
“Vừa qua, chúng ta lại mang vàng ra đấu thầu sát với giá khởi điểm sát giá thị trường Việt Nam. Quan điểm của Chính phủ với vấn đề này là như thế nào? Chúng ta muốn bán vàng với giá cao để thu về nhiều tiền hay đấu giá để ổn định thị trường, ổn định tâm lý người dân”, đại biểu Lâm nói.
Phát biểu ý kiến, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) nhắc đến một số biến động bất thường của thị trường. Ví dụ như thị trường vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua cho thấy có sự không ổn định.
“Ví dụ như vấn đề giá vàng, có thể thấy rõ đây không phải là nhu cầu thực tế của người dân mà có thể là do một số đối tượng đầu cơ, lũng đoạn thị trường để trục lợi”, ĐB Yên nói và đề nghị cần sớm có sự chỉ đạo, tháo gỡ, bình ổn, truyền thông làm rõ, để tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xáo trộn tâm lý của người dân.
Theo quan điểm của đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) cho rằng, Nghị định 24 “đã hết giá trị lịch sử”. Theo ông, cần hết sức thận trọng trong quản lý vàng, nếu đầu tư chạy theo vàng quốc tế có khi mất nhiều hơn được và có thể quay lại tình trạng vàng hoá như trước đây.
Đại biểu Ấn cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước càng đấu thầu vàng càng lên chỉ là hiện tượng trong giai đoạn đầu. Thời gian tới, cơ quan chức năng cần hoàn thiện phương thức, chính sách quản lý phù hợp đối với vàng để tránh “vàng hoá”.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV, cho rằng Nghị định 24 /NĐ-CP về vàng được ban hành từ năm 2012, sau 12 năm thực hiện đã có những bất cập, do vậy đã đến lúc cần đúc kết, để sửa đổi nghị định này.
“Chúng tôi thấy trong giai đoạn hiện nay cũng nên bỏ độc quyền vàng của nhà nước và thúc đẩy phát triển vàng thủ công mỹ nghệ. Chúng tôi thấy do thị trường vàng nguyên liệu, vàng miếng có chênh lệch với thị trường vàng thế giới khá cao nên gây khó khăn cho phát triển vàng thủ công mỹ nghệ”, đại biểu Việt đề nghị.
Giavang.net