(GVNET) – Trong phiên thảo luận tại hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An từ đoàn Đồng Nai đã phát biểu về tình trạng thiếu một “thị trường vàng” đúng nghĩa ở Việt Nam, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều hành thị trường vàng một cách bài bản và bình tĩnh.
Theo ông An, Việt Nam hiện chưa có một thị trường vàng đúng nghĩa, và việc quản lý giá vàng cần phải có quan điểm rõ ràng.
“Tôi không dùng từ “thị trường vàng”, bởi chúng ta không có thị trường đúng nghĩa. Chúng ta không nên vì nhu cầu, vì tâm lý của một nhóm nhỏ trong xã hội khi muốn tích trữ, kinh doanh vàng, tìm lợi từ vàng miếng mà đưa ra những hành động có tính chất phi thị trường. Đặc biệt, không nên cổ súy việc biến vàng miếng trở thành một loại hàng hóa”, ông An nói.
Theo ĐBQH Trịnh Xuân An, đây là một loại hình kinh doanh có điều kiện và vàng là một đối tượng đặc biệt. Do vậy, phải tính toán hết sức kỹ lưỡng và có tư duy quản lý bài bản hơn, không có giật cục, không chạy theo nhu cầu, tâm lý của một nhóm nhỏ trong xã hội.
Ông An cũng cho rằng, cần nghiên cứu, tính toán lại việc độc quyền vàng miếng theo thương hiệu hiện nay, nhằm tránh tình trạng buôn lậu, tránh tình trạng phụ thuộc vào một vài nhà phân phối.
“Chính phủ đang chỉ đạo rất sát. Theo tôi, hướng đi đúng là phải tổng kết, đánh giá rất kỹ để sửa lại Nghị định 24. Phải xem xét việc độc quyền vàng, giao SJC bán có đúng hay không? Việc đấu giá để đưa giá vàng đi xuống cũng không phải là giải pháp tốt. Bởi thực tế, đấu giá cũng không giải quyết được chuyện về giá vàng nhảy múa”, ông An nói.
Theo phân tích của vị ĐBQH đoàn Đồng Nai, nếu tính là thị trường vàng thì phải xem xét thị trường phụ thuộc vào điều gì, phải quay lại đúng quy luật của thị trường, phải có cung cầu, phải có những yếu tố cấu thành nên giá mang tính chất phổ quát của quy luật thị trường.
Do đó, ông An cho rằng, nếu đây là một mặt hàng không khuyến khích hoặc nếu quá phức tạp trong quản lý thì thứ nhất để cho thị trường điều tiết và thứ hai là không khuyến khích hình thức kinh doanh, sở hữu vàng miếng.
Đại biểu Trịnh Xuân An nêu quan điểm cẩn trọng, đánh giá kỹ lưỡng cách thức vận hành và phải quản lý bài bản, phù hợp vàng miếng trong điều kiện hiện nay.
“Tất nhiên, chúng ta phải tính lộ trình. Còn cá nhân tôi thấy rằng, nếu cần thiết thì chúng ta hoàn toàn có thể cấm kinh doanh vàng miếng. Không thể biến vàng miếng thành công cụ tích trữ, bởi nó rất ảnh hưởng đến tỉ giá, đến ngoại hối và ảnh hướng đến điều tiết, điều hành vĩ mô. Điều này làm cho nền kinh tế bị xáo trộn. Nên để cho thị trường điều tiết và quản lý như một loại hình kinh doanh có điều kiện. Nhà nước không nên bỏ ra một khối lượng lớn ngoại tệ nhập vàng để bình ổn giá”, ông An nêu quan điểm.
Tại Việt Nam, cơn sốt vàng không chỉ ảnh hưởng bởi sóng vàng trên toàn cầu, mà còn do khan hiếm nguồn cung vàng, thị trường chứng khoán và bất động sản khó khăn, niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào triển vọng phục hồi nền kinh tế chưa cao…
Cho đến nay, các chuyên gia vẫn có quan điểm khác nhau về biện pháp kéo giảm chênh lệch giá vàng. Có luồng ý kiến cho rằng, chỉ cần tiến hành các giải pháp như Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đang thực hiện là đủ, không cần lãng phí nguồn lực để nhập khẩu vàng. Luồng ý kiến còn lại cho rằng, nhập khẩu vàng là cách duy nhất để cân đối cung – cầu, từ đó giảm chênh lệch giá vàng.
Lịch sử cho thấy, dù chính sách quản lý vàng không thay đổi, song có những giai đoạn chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới biến động không giống nhau. Có giai đoạn nhập khẩu vàng khá lớn (giai đoạn 2014-2015), song chênh lệch giá vàng vẫn khá cao. Ngược lại, có giai đoạn không nhập khẩu nhiều, nhưng chênh lệch giá vàng lại bằng 0, chủ yếu do nền kinh tế tăng trưởng cao, ổn định (giai đoạn 2016-2019).
Giai đoạn giá vàng nhảy múa điên cuồng, chênh lệch giá vàng tăng mạnh gần đây chủ yếu do các kênh đầu tư đều trầm lắng, lãi suất thấp khiến người dân đổ xô vào vàng. Điều này cho thấy, lãi suất có thể là một liều thuốc để trị chênh lệch giá vàng, không hẳn là dựa vào nhập khẩu vàng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng, để người dân không chạy theo vàng, điều quan trọng nhất là phải giữ được giá trị của đồng nội tệ. Nếu người dân lo ngại tiền đồng mất giá, họ sẽ lao vào đất, vào vàng. Nếu người dân thấy tiền đồng được bảo đảm, lạm phát thấp, thì dần dần sẽ gửi tiền vào ngân hàng. Nói cách khác, nếu Chính phủ làm tốt nhiệm vụ đảm bảo giá trị tiền đồng thì tiền chảy vào vàng, vào đất sẽ đuối dần, vàng khó làm mưa làm gió.
Giavang.net