(GVNET) – Audio
Tóm tắt
- Hồi phục mạnh từ đáy của tuần, vàng miếng vẫn kết thúc tuần với đà giảm mạnh.
- Nhược điểm chênh lệch mua – bán quá cao, khiến nhà đầu tư vàng miếng chịu thua lỗ nặng khi giá vàng giảm mạnh.
- Vàng nhẫn mất mốc 70 triệu đồng, nhưng vẫn kết thúc một tuần giao dịch với xu hướng tăng.
- Giá vàng thế giới trượt xa đỉnh 2.200 USD và chốt tuần với đà tăng nhẹ.
Nội dung chi tiết
Một tuần giao dịch nhiều sóng gió của vàng miếng
Trong 3 phiên đầu tuần 18,19,20/3, giá vàng miếng khá giằng co với diễn biến tăng/giảm luân phiên. Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/3, giá mua vàng miếng SJC giao dịch tại 79,4 triệu đồng, giá bán ở mức 81,4 triệu đồng/lượng.
Sang phiên 21/3, sau đà tăng bùng nổ của giá vàng thế giới, SJC mở cửa phiên này cũng bật tăng mạnh và đạt đỉnh của tuần với giá mua lên 80 triệu đồng và giá bán chạm 82 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ sau ít phút, SJC bất ngờ quay đầu giảm mạnh dù thế giới vẫn neo tại vùng đỉnh – trên 2.200 USD. Kết thúc phiên 21/3, thị trường vàng miếng giảm tới 1,2-1,6 triệu đồng mỗi lượng tùy đơn vị và chốt phiên dưới mốc 79 triệu đồng chiều mua, dưới 81 triệu đồng chiều bán.
Diễn biến giảm đột ngột của vàng miếng được cho là sự phản ứng trước thông tin Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng và thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Quay lại với diễn biến của giá vàng. Bước sang phiên 22/3, vàng miếng tiếp tục giảm mạnh và kéo giá mua về ngưỡng 77-77,8 triệu đồng và giá bán tụt về 78,90-79,8 triệu đồng mỗi lượng. Đến cuối ngày 22/3, giá vàng bất ngờ có dấu hiệu hồi phục và kết thúc phiên với mức giá mua vào từ 77,2-78 triệu đồng và giá bán ra đạt 79,2-80 triệu đồng.
Sang phiên hôm nay 23/3, đà hội phục vẫn tiếp diễn và còn mạnh mẽ hơn với đà tăng lên tới gần 1 triệu đồng/lượng, đưa giá mua lên ngưỡng 78 triệu đồng và giá bán đồng loạt vượt 80 triệu đồng mỗi lượng.
Tính chung cả tuần, thị trường vàng miếng vẫn kết thúc tuần với xu hướng giảm mạnh khoảng 1,2-1,5 triệu đồng mỗi lượng, với chênh lệch mua – bán dao động trong khoản 2-2,3 triệu đồng.
Cụ thể, chốt phiên 23/3, vàng miếng SJC Hồ Chí Minh niêm yết giá mua – bán tại 78,00 – 80,30 triệu đồng/lượng, giảm 1,5 triệu đồng/lượng chiều mua và 1,2 triệu đồng/lượng chiều bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần 18/3.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá mua – bán chốt phiên 23/3 ở mức 78,05 – 79,95 triệu đồng/lượng, giảm 1,5 triệu đồng giá mua và 1,4 triệu đồng giá bán so với mở cửa phiên đầu tuần.
DOJI Hà Nội chốt tuần tại ngưỡng 78,10 – 80,10 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 1,3 triệu đồng cả hai chiều mua – bán so với mở cửa phiên đầu tuần.
Giá mua vào giảm tới 1,5 triệu đồng và chênh lệch mua – bán trên 2 triệu đồng, nhà đầu tư mua vàng miếng SJC từ đầu tuần tới cuối tuần sẽ ghi nhận mức thiệt hại lên tới 3,5 triệu đồng mỗi lượng vàng.
Vàng nhẫn mất mốc 70 triệu đồng nhưng vẫn kết tuần với xu hướng tăng giá
Sau khi biến động dưới mốc 69,3 triệu đồng trong 3 phiên đầu tuần, vàng nhẫn bước sang phiên 21/3 tăng bứt phá gần 2 triệu đồng mỗi lượng ngay khi mở cửa lên 70,7 triệu đồng theo đà tăng bùng nổ của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, trước đà giảm sốc của thị trường vàng miếng, giá vàng nhẫn cũng hạ nhiệt sau đó dù vàng thế giới vẫn neo trên mốc 2.200 USD. Kết thúc phiên 21/3, giá vàng nhẫn lùi về ngưỡng 71,5 triệu đồng mỗi lượng.
Sang phiên 22/3, thị trường vàng nhẫn tiếp tục suy yếu và đánh mất mốc 70 triệu đồng khi giá vàng thế giới giảm mạnh. Bước sang phiên 23/3, diễn biến thiếu tích cực trên thị trường thế giới vẫn tiếp diễn, khiến giá vàng nhẫn trong nước cũng rơi vào trạng thái ảm đạm, thiếu sôi động.
Kết tuần dưới mốc 70 triệu đồng, vàng nhẫn tăng khá tốt trong cả tuần với mức điều chỉnh trên dưới nửa triệu đồng mỗi lượng. Chênh lệch mua – bán của vàng nhẫn trong tuần này neo trong khoảng trên 1 triệu và dưới 1,5 triệu đồng, nhìn chung khá ổn định.
Chốt phiên cuối tuần 23/3, vàng nhẫn trơn Bảo Tín Minh Châu niêm yết giao dịch mua – bán tại 68,33 – 69,63 triệu đồng/lượng, tăng 410.000 đồng/lượng chiều mua và 510.000 đồng/lượng chiều bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần 18/3.
Nhẫn DOJI với mức tăng 300.000 đồng trong cả tuần, đã đưa giao dịch mua – bán cuối tuần lên 68,30 – 69,60 triệu đồng/lượng. Nhẫn SJC có đà tăng 400.000 đồng chiều mua và 500.000 đồng chiều bán, lên 67,80 – 69,10 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Chênh lệch mua – bán trên 1 triệu đồng, nên đà tăng trong tuần này của vàng nhẫn chưa thể mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Nếu mua từ đầu tuần, đến cuối tuần thì mức lỗ của nhà đầu tư ghi nhận là khoảng 500.000 đến 1 triệu đồng mỗi lượng tùy đơn vị.
Giá cao nhất hiện tại của thị trường vàng nhẫn là 69,63 triệu đồng mỗi lượng, cao hơn giá vàng thế giới sau quy đổi 2,2 triệu đồng, tăng 200.000 đồng so với cuối tuần trước.
Giá 80,3 triệu đồng của vàng miếng SJC hiện cao hơn giá vàng thế giới 12,8 triệu đồng, giảm mạnh 1,5 triệu đồng so với cuối tuần trước. SJC cũng điều chỉnh giảm mạnh mức chênh giữa vàng miếng và vàng nhẫn, từ 12,9 triệu đồng cuối tuần trước xuống 11,2 triệu đồng cuối tuần này, biên độ giảm là 1,7 triệu đồng.
Với số liệu tổng hợp như trên, có thể dễ dàng nhận thấy những ưu điểm vượt trội của vàng nhẫn so với vàng miếng. Nhà đầu tư vàng nhẫn sẽ hạn chế phần nào rủi ro khi chênh lệch mua – bán thấp hơn mức chênh mua – bán của vàng miếng. Ngoài ra, vàng nhẫn có diễn biến theo sát biến động của giá vàng thế giới, giúp nhà đầu tư có thể dễ dàng theo dõi và đánh giá tình hình thị trường. Điều này có thể mang lại cho nhà đầu tư sự linh hoạt trong việc điều chỉnh danh mục đầu tư của mình theo biến động thị trường.
Lựa chọn đầu tư là quyết định và tính toán của mỗi người, nhưng dù là vàng nhẫn hay vàng miếng, nhà đầu tư cũng cần cân nhắc và thận trọng với quyết định của mình.
Một số lời khuyên đưa ra cho nhà đầu tư là: tránh mua đuổi khi giá vàng đang tăng cao; không nên bán tháo khi giá vàng đang giảm mạnh và không nên lướt sóng khi chênh lệch mua – bán quá cao. Điều này giúp nhà đầu tư tránh được các rủi ro không cần thiết và duy trì một chiến lược đầu tư ổn định, bền vững.
Giá vàng thế giới
Kết thúc tuần giao dịch, giá vàng thế giới dừng chân tại ngưỡng 2.166 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (25.550 VND/USD), giá vàng giao dịch tại 67,48 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), tăng nhẹ so với mức 67,40 triệu đồng cuối tuần trước.
Vàng thế giới đã trải qua tuần biến động mạnh khi có thời điểm leo lên mức cao kỷ lục trên 2.200 USD/ounce sau cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang, nhưng đợt phục hồi này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và giá đã quay đầu để kết thúc tuần với mức tăng khiêm tốn.
Đồng USD tăng giá đã gây áp lực giảm lên vàng. Phiên ngày thứ Sáu, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đạt mức cao nhất hơn 1 tháng. Chốt phiên, chỉ số đạt hơn 104,4 điểm. Cả tuần, chỉ số tăng gần 1%.
Vàng được định giá bằng USD, nên thường giảm giá khi giá USD tăng và ngược lại.
Hôm thứ Năm, giá vàng đạt mức cao nhất mọi thời đại trên 2.200 USD khi Fed giữ nguyên dự báo có 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.
“Chừng nào lãi suất còn giảm, các ngân hàng trung ương còn tiếp tục mua vàng, nhà đầu tư cá nhân còn mua vàng… sự điều chỉnh của giá vàng sẽ chỉ ở mức độ hạn chế”, chiến lược gia trưởng Philip Streible của công ty Blue Line Futures nhận định.
Các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 76% Fed giảm lãi suất vào tháng 6 – theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME. Trước cuộc họp của Fed, khả năng này là 65%.
James Stanley, chiến lược gia cấp cao tại Forex.com cho biết, ông kỳ vọng giá vàng cuối cùng sẽ có xu hướng cao hơn trước cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang khi ngân hàng trung ương dự kiến sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng.
Ông lưu ý rằng, vàng vẫn được hỗ trợ tốt khi Cục Dự trữ Liên bang phát tín hiệu sẽ giảm lãi suất ngay cả khi lạm phát vẫn tăng cao.
“Fed đã có mọi cơ hội để đưa ra một chính sách cân bằng hơn, nhưng họ đã không làm vậy. Họ không cần phải cắt giảm vì tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Việc Fed không đưa ra quan điểm cân bằng hơn đặt ra rất nhiều câu hỏi cho tôi và là tín hiệu đỏ cho nền kinh tế mà tôi nghĩ sẽ tiếp tục hỗ trợ vàng”, ông nói.
Tuy nhiên Stanley nói thêm rằng, mặc dù ông thích vàng nhưng ông kỳ vọng giá vàng sẽ điều chỉnh trong thời gian tới. Ông nói rằng các nhà đầu tư nên thận trọng khi theo đuổi giá gần mức cao kỷ lục.
“Vàng muốn tăng cao hơn, nhưng tôi nghĩ một đợt thoái lui sẽ là điều lành mạnh. Đối với các nhà đầu tư mua vàng, đây sẽ là nơi tốt để kiếm lợi nhuận khi có sự điều chỉnh ngắn hạn”, ông nói.
Lukman Otunuga, Giám đốc phân tích thị trường tại FXTM cho biết, mặc dù Cục Dự trữ Liên bang tiếp tục phát tín hiệu cắt giảm lãi suất trong năm nay, nhưng độ sâu của chu kỳ nới lỏng sẽ vẫn phụ thuộc vào dữ liệu. Ông giải thích rằng vàng cần có nhiều dữ liệu kinh tế đáng thất vọng hơn trong những tuần và tháng tới để hỗ trợ cho đợt phục hồi hiện tại.
Giavang.net